Kiên định mục tiêu đề ra, triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7

Sáng 20-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô

Về đánh giá bổ sung kết quả năm 2023, báo cáo cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05% (số đã báo cáo đạt trên 5%), thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng ở mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao; lạm phát kiểm soát, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,25% (số báo cáo tăng khoảng 3,5%). Mặt bằng lãi suất giảm, thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2%, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội và các nhiệm vụ cấp thiết khác.

 Các đại biểu dự phiên khai mạc. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự phiên khai mạc. Ảnh: QUANG PHÚC

Về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, những tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng GDP quý 1 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023 - là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. CPI bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, mặt bằng lãi suất giảm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực. Trong đó, cơ quan liên quan đã chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống.

 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: QUANG PHÚC

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra; tranh thủ tối đa thuận lợi, thời cơ cho phát triển. Trong đó, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

“Trong mọi trường hợp phải bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội; động viên, cổ vũ, khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên của doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội”, báo cáo Chính phủ nêu.

 Các đại biểu dự phiên khai mạc. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự phiên khai mạc. Ảnh: QUANG PHÚC

Chính phủ đề ra 11 giải pháp trọng tâm, trong đó hàng đầu là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Chính phủ xác định điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu đề ra; quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định; chú trọng thanh tra, kiểm tra; áp dụng hóa đơn điện tử và tăng cường thông tin, truyền thông; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 15% và giảm lãi suất cho vay 1%-2%; đẩy mạnh giải ngân chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ.

 Các đại biểu dự phiên khai mạc. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự phiên khai mạc. Ảnh: QUANG PHÚC

6 tháng cuối năm 2024: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng

Dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2024 với tổng số tiền dự kiến khoảng 98.000 tỷ đồng; trong đó có giảm 2% thuế giá trị gia tăng.

Ngân hàng Nhà nước đã tăng quy mô gói tín dụng ưu đãi cho ngành lâm sản, thủy sản lên 30.000 tỷ đồng và đang xây dựng gói tín dụng ưu đãi cho ngành lúa gạo; kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024.

Chính phủ cũng quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.

Chính phủ cũng xác định đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, liên vùng, nhất là thi công 1.000km đường bộ cao tốc để phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000km, mở ra không gian, động lực phát triển mới, làm tăng giá trị gia tăng quỹ đất, giảm chi phí logistics; đưa vào vận hành khai thác đường sắt đô thị trên cao Nhổn - Ga Hà Nội, đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối. Trong năm 2024 sẽ đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130km đường bộ cao tốc.

Chính phủ cũng phấn đấu trình chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2024 và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng khác như Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, TPHCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm.

Chính phủ cũng nêu, tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới quản lý công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, liêm chính, thực sự là công bộc của nhân dân; triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7-2024; hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trong tháng 9-2024; hoàn thiện các chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khắc phục tình trạng đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Phó Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian còn lại của năm 2024 là rất nặng nề, song Chính phủ phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra cho năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025.

PHAN THẢO - VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kien-dinh-muc-tieu-de-ra-trien-khai-chinh-sach-tien-luong-moi-tu-ngay-1-7-post740714.html