Kiên Giang: Nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu 7% trong năm 2024

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, tiềm năng gắn với củng cố, khai thác các thị trường truyền thống.

Nông dân thu hoạch lúa tại xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Nông dân thu hoạch lúa tại xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của tỉnh đạt 860 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 7,23% so với năm 2022.

Năm 2024, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 920 triệu USD, tăng 6,98% so với năm 2023.

Để đạt mục tiêu này, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, tiềm năng gắn với củng cố và khai thác các thị trường truyền thống.

Tỉnh đẩy mạnh thu hút kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu về nông sản, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu theo quy hoạch để nâng cao giá trị sản xuất và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Tỉnh tập trung tổ chức Festival về lúa gạo, thủy sản tại tỉnh nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của tỉnh kết nối giao thương giữa Kiên Giang với các địa phương trong cả nước.

 Vận chuyển cá từ tàu đánh bắt thủy sản lên bờ tại Cảng Tắc Cậu, huyện Châu Thành, Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Vận chuyển cá từ tàu đánh bắt thủy sản lên bờ tại Cảng Tắc Cậu, huyện Châu Thành, Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Cùng với đó, tỉnh tổ chức lại nông sản, thủy sản theo hướng sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, an toàn, đạt chứng nhận VietGAP, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực lúa gạo, tôm, cua, yến sào... để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất và chế biến xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Tỉnh tích cực thông tin, phổ biến các quy định pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế, nội dung các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), các điều kiện xuất nhập khẩu của các nước, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước do Bộ Công Thương tổ chức.

Qua đó, giúp doanh nghiệp khai thác, tận dụng những cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CPTPP và RCEP, mở rộng thị trường mới, đẩy mạnh hoạt động kinh tế ngoại thương, xuất khẩu hàng hóa.

Lãnh đạo Sở Công Thương Kiên Giang cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 44 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu và xuất khẩu qua 50 thị trường quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, thị trường châu Á chiếm hơn 82% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Mặt hàng gạo phần lớn xuất khẩu qua các thị trường trọng điểm, chiếm kim ngạch lớn như Indonesia, Philippines, Trung Quốc, châu Phi...; hàng thủy, hải sản xuất khẩu qua 45 thị trường, với các thị trường chiếm kim ngạch lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...; giày da xuất khẩu qua các thị trường Hong Kong (Trung Quốc), Mexico, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, Saudi Arabia...

Mặt khác, trên địa bàn tỉnh có khoảng 89 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh tham gia hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên và Cửa khẩu chính Giang Thành, với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 hơn 170 triệu USD, tăng 22,56% so với năm 2022.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh, tình hình xuất khẩu của tỉnh năm 2023 có những chuyển biến tích cực, nhất là trong những tháng cuối năm nhờ sự phục hồi của thị trường và nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp lễ, tết cuối năm đã góp phần tăng cao kim ngạch xuất khẩu.

Hoạt động xuất khẩu của tỉnh dần lấy lại đà tăng trưởng và đạt kế hoạch đề ra, tăng so với năm 2022, nhờ những kết quả tích cực từ các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của tỉnh năm 2023 còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể như các rào cản kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường thế giới áp đặt lên hàng hóa xuất khẩu ngày càng nhiều, nhất là yêu cầu về chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác... đã tác động mạnh đến đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kien-giang-nhieu-bien-phap-thuc-day-tang-truong-xuat-khau-7-trong-nam-2024-post916312.vnp