Kinh doanh đa mảng, PAN thu về lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay

Kinh doanh nhiều ngành nghề trong nông nghiệp như thủy sản, giống, vật tư cây trồng,... năm 2023, tập đoàn PAN (mã: PAN) đã không hoàn thành chỉ tiêu doanh thu, song đơn vị này đã vượt kế hoạch lợi nhuận và cũng là năm có mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của PAN cho thấy doanh thu thuần đạt 4.196 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Biên lợi nhuận gộp đạt 23,8%, cải thiện so với mức 22,9% của quý IV/2022. Trừ đi các chi phí, PAN lãi sau thuế 363 tỷ đồng trong quý IV/2023, tăng 54%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) đạt 207 tỷ, tăng 58% so với quý cuối năm 2022.

Lũy kế cả năm 2023, PAN ghi nhận 13.205 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 3,2% song lãi sau thuế tăng 3% lên 819 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 819 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với năm 2022.

Lợi nhuận ròng cả năm đạt 408 tỷ, tăng 9% so với năm 2022 và cũng là mức cao kỷ lục của doanh nghiệp.Trong cơ cấu doanh thu năm, mảng nông nghiệp đóng góp 40%, mảng thực phẩm chiếm 60%.

Năm 2023, tập đoàn đặt mục tiêu 15.156 tỷ doanh thu thuần và 402 tỷ lợi nhuận ròng. Như vậy, PAN mới thực hiện được 87% chỉ tiêu doanh thu và vượt 6 tỷ so với kế hoạch lợi nhuận năm.

Về tình hình tài chính, cuối năm 2023, quy mô tài sản của PAN đạt 20.215 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm do tăng tới 3 lần khoản chứng khoán kinh doanh, từ 2,2 tỷ lên 6,7 tỷ. Đây cũng là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.

Dù không được thuyết minh song theo báo cáo soát xét bán niên 2023 thì đây là khoản đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng tại các ngân hàng thương mại và hưởng lãi suất từ 5,65% đến 9%/năm. Các chứng chỉ tiền gửi trên được thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay ngắn hạn của PAN.

Ngoài ra, tập đoàn còn ghi nhận 2.372 tỷ đồng tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng. Số lãi từ tiền gửi đóng góp quan trọng vào mức lãi kỷ lục của PAN trong năm 2023 với gần 500 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2022.

Cuối năm 2023, tổng dư nợ vay của PAN là 8.982 tỷ, chiếm 44% tổng nguồn vốn và vượt vốn chủ sở hữu (8.341 tỷ). Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm chủ yếu với 8.379 tỷ đồng, đều là vay ngân hàng còn 600 tỷ là dư nợ trái phiếu.

Năm qua, tập đoàn đã vay tổng cộng 22.294 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 18.513 tỷ. Tổng chi phí lãi vay năm 2023 là 457 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, cuối năm 2023, CTCP PAN Farm, một thành viên chuyên về mảng nông nghiệp của PAN đã phát hành thành công lô trái phiếu “ba không” có trị giá 200 tỷ đồng, nâng dư nợ trái phiếu lưu hành lên 800 tỷ đồng.

Cụ thể, lô trái phiếu có mã PAFCH2325003, phát hành ngày 23/11/2023, kỳ hạn hai năm đến ngày 23/11/2025. Trái phiếu chào bán cho đối tượng là tổ chức chuyên nghiệp với khối lượng phát hành 2.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng giá trị 200 tỷ đồng. Lãi suất công bố 8%/năm, trả lãi định kỳ 6 tháng/lần vào cuối kỳ.

Đây là trái phiếu "ba không" với không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm. Tổ chức lưu ký là Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC).

Như vậy, sau đợt phát hành này, PAN Farm có ba lô trái phiếu đang lưu hành.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/kinh-doanh-da-mang-pan-thu-ve-loi-nhuan-cao-nhat-tu-truoc-den-nay.html