'Kinh doanh khí đốt của Nga sẽ không bao giờ hồi phục'?

Ngành kinh doanh khí đốt của Nga đang phải đối diện vô vàn khó khăn, thậm chí khó lòng quay về mức cũ.

Tại thời điểm khí đốt của Nga ngừng cấp cho Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2022, các nhà lãnh đạo tại Moskva coi đây là động thái hợp lý nhằm đáp trả những hành động của phương Tây.

Giá nguyên liệu thô ngay lập tức tăng vọt, điều này cho phép Moskva kiếm được nhiều tiền hơn, bất chấp khối lượng xuất khẩu giảm, giúp Nga tạm thời vượt qua khó khăn từ các lệnh trừng phạt khắc nghiệt.

Trong khi đó, những quốc gia thuộc EU vẫn đang mua tới 40% khí đốt từ Liên bang Nga vào năm 2021 lại đang phải chuẩn bị cho kịch bản xấu đó là lạm phát và mất điện diễn ra một cách thường xuyên.

Nhưng thật bất ngờ khi chỉ hai năm sau, nhờ mùa đông ôn hòa và lượng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ với khối lượng lớn, các kho dự trữ của châu Âu đã đầy hơn bao giờ hết.

Trong khi đó Gazprom - tập đoàn khí đốt quốc doanh khổng lồ của Nga lại không thể kiếm được lợi nhuận tương tự, ấn phẩm The Economist đã đưa ra nhận định nói trên.

Theo các nhà phân tích kinh tế của ấn phẩm, Nga luôn gặp khó khăn trong việc chuyển hướng 180 tỷ mét khối khí (80% tổng lượng nhiên liệu xuất khẩu vào năm 2021) mà nước này từng bán sang châu Âu.

Hiện tại không quốc gia khách hàng mới nào của Nga có hệ thống truyền dẫn tương đương với Nord Stream - một tuyến đường ống dẫn tới Đức để cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng ở châu Âu.

Ngoài ra ngành công nghiệp Nga cũng thiếu các phương tiện làm lạnh nhiên liệu xuống mức -160°C cũng như các tàu chở dầu chuyên dụng cần thiết để vận chuyển khí đốt dưới dạng LNG.

Tuy nhiên cho đến gần đây, trường hợp kể trên chỉ là một sự khó chịu nhỏ. Từ năm 2018 đến năm 2023, chỉ có 20% tổng đóng góp xuất khẩu hydrocarbon cho ngân sách Nga là từ khí đốt.

Ngay cả bây giờ, bất chấp lệnh trừng phạt, Liên bang Nga vẫn tiếp tục bán rất nhiều dầu thô với giá tốt cho các khách hàng ở châu Á, đó là Trung Quốc cùng với Ấn Độ.

Mặc dù vậy các nhà phân tích phương Tây tin rằng hiện tại, trong bối cảnh xung đột kéo dài ở Ukraine, Moskva cũng cần nguồn thu từ khí đốt. Đối với Nga, tất cả những điều này khiến việc khôi phục doanh số bán khí đốt trở nên quan trọng.

Thật không may, xuất khẩu sang châu Âu - nơi cho đến gần đây vẫn chiếm một nửa tổng lượng nguyên liệu thô xuất khẩu ra nước ngoài, sẽ lại giảm trong năm 2024 này.

Về mặt lý thuyết, Liên bang Nga hiện có hai lựa chọn: xây dựng đường ống dẫn đến nơi khác và tăng xuất khẩu hoặc tăng nguồn cung LNG. Tuy nhiên, dường như không còn hy vọng quay trở lại châu Âu và việc đặt cược vào Trung Quốc là sai lầm.

Nước này không cần khối lượng lớn khí đốt qua đường ống vì các công ty Trung Quốc mua rất nhiều nhiên liệu hóa lỏng từ phương Tây. Điều này đóng vai trò như một biện pháp bảo hiểm chính trị chống lại nguy cơ cuối cùng rơi vào tình trạng đối đầu và rạn nứt các mối quan hệ.

Danh sách khó khăn này có nghĩa là Nga sẽ không bao giờ có thể lấy lại được phần lớn doanh thu mà họ từng nhận được từ kinh doanh khí đốt.

Khi quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tiếp tục diễn ra trên khắp thế giới, thời kỳ vàng son của khí đốt dự kiến sẽ kéo dài nhiều nhất chỉ vài thập kỷ.

Vì vậy, thật vô nghĩa khi chờ đợi doanh số bán hàng phục hồi về mức trước đó, ngay cả khi nhận sự trợ giúp của Trung Quốc, ấn phẩm The Economist kết luận.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kinh-doanh-khi-dot-cua-nga-se-khong-bao-gio-hoi-phuc-post575498.antd