Kinh tế 2024 dự báo còn khó, doanh nghiệp Việt vẫn kỳ vọng 'cất cánh'

Thống kê đến quý IV năm 2023, hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy có sự cải thiện. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết việc kinh doanh thực tế vẫn còn 'khắc nghiệt'.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, năm 2024, ngành dệt may còn phải đối diện với nhiều khó khăn như việc áp dụng mở rộng của nhà sản xuất, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, đơn hàng xuất khẩu dự kiến tiếp tục giảm, xu thế số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao… Tuy nhiên, May 10 vẫn quyết tâm đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng vượt 6,6% so với năm 2023. Để đạt được kết quả này, ông Việt cho biết, doanh nghiệp sẽ tập trung và chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong và ngoài nước.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ Việt Nam cho rằng, một trong những điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp có thể kỳ vọng 'cất cánh' trong năm 2024 đó là, ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Hình minh họa.

Hình minh họa.

Năm nay, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%. Theo các chuyên gia, mục tiêu này chúng ta có thể đạt được bởi Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế vì sự ổn định về kinh tế, chính trị và khả năng hội nhập nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, để phòng ngừa các rủi ro trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều phức tạp, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là cần tiếp tục củng cố môi trường kinh doanh và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tư nhân để tận dụng tối đa tác động của diễn biến địa chính trị toàn cầu đối với đầu tư và thương mại quốc tế.

Trần Long

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/kinh-te-2024-du-bao-con-kho-doanh-nghiep-viet-van-ky-vong-cat-canh-102240116141615866.htm