Kinh tế Nga vững vàng sau hai năm xung đột

Hai năm sau cuộc xung đột ở Ukraine, bất chấp sự trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế của Nga vẫn tỏ ra kiên cường hơn những gì báo chí phương Tây đánh giá. Nga đã tìm cách để tự bảo vệ mình trước những lệnh trừng phạt, đồng thời vẫn còn đủ nguồn lực để duy trì cuộc chiến tốn kém ở Ukraine bất chấp doanh thu từ dầu mỏ giảm và những thách thức dài hạn khác. Điều này cho thấy khả năng dẫn dắt nền kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Kinh tế Nga vẫn vững vàng

Theo dữ liệu kinh tế của Bộ kinh tế liên bang Nga công vào đầu tháng 2 năm nay, sau khi giảm 2,1% vào năm 2022 do tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế Nga vào năm 2023 đã lấy lại mức trước chiến tranh, một kết quả hoạt động tốt hơn nhiều so với dự đoán giữa năm 2022 của các chuyên gia kinh tế về sự suy thoái lớn trong cả hai năm xung đột. Tổng thống Vladimir Putin hôm 12/2 xác nhận “tăng trưởng kinh tế năm ngoái (năm 2023) cao hơn dự báo. Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Nga đã tăng thêm. Theo số liệu mới nhất là 3,6%.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Có nhiều yếu tố giúp cho nền kinh tế Nga vẫn duy trì vững vàng sau hai năm xung đột. Mặc dù chịu sự trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là về xuất khẩu dầu khí, nhưng Nga đã dần thích nghi và điều chỉnh. Ngân sách của Nga đã giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí. Dầu khí Nga chiếm khoảng một nửa nguồn thu liên bang vào năm 2022. Tỉ lệ đó đã giảm xuống chỉ còn 1/3 vào năm ngoái. Để bù đắp tổn thất thương mại với phương Tây, Nga tăng cường tìm kiếm các đối tác thay thế như Trung Quốc và Ấn Độ. Lĩnh vực ô tô - biểu tượng cho sự cởi mở của Nga đối với vốn nước ngoài - hiện do các nhà sản xuất Trung Quốc thống trị.

Nhu cầu trong nước tăng mạnh mẽ nhờ lĩnh vực quốc phòng. Quân đội Nga cần nguồn cung cấp vật chất - những thứ như vũ khí, đạn dược và nhiều trang thiết bị liên quan khác. Nhu cầu này đã thúc đẩy các ngành sản xuất những hàng hóa đó - đặc biệt là trong nước, vì nhập khẩu vào Nga bị hạn chế do lệnh trừng phạt từ phương Tây. Mức lương tăng để thu hút người lao động trong các lĩnh vực đang thiếu hụt nhân lực cũng thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng xã hội của người dân.

Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars của Nga di chuyển trên Quảng trường Đỏ trong cuộc duyệt binh nhân Ngày Chiến thắng, kỷ niệm 78 năm chiến thắng Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai, ở thủ đô Moscow, Nga ngày 9 tháng 5 năm 2023. Nguồn: Sputnik/Gavriil Grigorov/Pool

Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars của Nga di chuyển trên Quảng trường Đỏ trong cuộc duyệt binh nhân Ngày Chiến thắng, kỷ niệm 78 năm chiến thắng Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai, ở thủ đô Moscow, Nga ngày 9 tháng 5 năm 2023. Nguồn: Sputnik/Gavriil Grigorov/Pool

Tự chủ về vũ khí và sản xuất hàng hóa. Nga có khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất các mặt hàng quan trọng như dầu, khí đốt tự nhiên và lúa mì, điều này đã giúp Moscow vượt qua nhiều năm trừng phạt. Nga cũng có thể tự cung cấp cho mình hầu hết các nhu cầu quốc phòng, ngay cả đối với các loại vũ khí phức tạp.

Hassan Malik, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu và chuyên gia về Nga tại công ty quản lý đầu tư Loomis Sayles có trụ sở tại Boston cho rằng “Mặc dù các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại của phương Tây chắc chắn đã có một số tác động nhỏ đến nền kinh tế Nga, nhưng tác động này đặc biệt hạn chế đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga, vốn phần lớn đang tự cung tự cấp”.

Chính phủ Nga đã triển khai các loại khoản vay trợ cấp khác cho các doanh nghiệp, nhằm kích thích hơn nữa nhu cầu trong nền kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách Nga cũng nhanh chóng vào cuộc để ổn định thị trường, chính sách tiền tệ và nền kinh tế sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

Duy trì nợ nước ngoài ở mức thấp và xuất khẩu mạnh. Nga bước vào cuộc xung đột. Nợ nước ngoài ít và tài khoản vãng lai của nước này thặng dư một phần nhờ tác động của xung đột lên giá cả hàng hóa.

Chuyên gia Malik giải thích: “Những diễn biến như vậy đã bù đắp rất nhiều cho các động thái của phương Tây như đóng băng tài sản dự trữ của ngân hàng trung ương Nga”.

Nga cũng đã phân bổ gần 1/3 ngân sách năm 2024 của mình cho chi tiêu quốc phòng, bất chấp mọi lệnh trừng phạt mà nước này phải gánh chịu.

Cờ Nga tung bay trên cây cầu bắc qua sông Moskva để kỷ niệm Ngày Bảo vệ Tổ quốc, được tổ chức hàng năm vào ngày 23 tháng 2, tại thủ đô Moscow. Nguồn: VERA SAVINA / AFP

Cờ Nga tung bay trên cây cầu bắc qua sông Moskva để kỷ niệm Ngày Bảo vệ Tổ quốc, được tổ chức hàng năm vào ngày 23 tháng 2, tại thủ đô Moscow. Nguồn: VERA SAVINA / AFP

Nga tiến hành xung đột bên ngoài biên giới nên người dân không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột.

Các nhà kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Nga sẽ chậm lại ở mức trên 1% trong thời hạn dự báo đến năm 2028. Mối quan hệ thương mại bị cắt đứt với phương Tây, cùng với sự dịch chuyển dân số, sẽ là nguyên nhân dẫn đến kết quả yếu kém. Tuy nhiên, nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ của đất nước sẽ cung cấp cho Nga một tấm đệm tài chính quan trọng để tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự.

Uy tín của Tổng thống Putin tăng cao

Sau khi xung đột nổ ra, một số nhà bình luận phương Tây suy đoán rằng xung đột sẽ khiến nền kinh tế của Nga kiệt quệ, những thành công của tổng thống Putin trong việc dẫn dắt Nga trở thành cường quốc kinh tế trước đó có thể sẽ sụp đổ cùng với uy tín của ông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kinh tế Nga vẫn đứng vững trước các lệnh trừng phạt. Điều này khiến uy tín của Tổng thống Putin và chính phủ của ông vẫn gia tăng chứ không hề suy giảm.

Thủ đô Moscow, Nga

Thủ đô Moscow, Nga

Theo kết quả cuộc khảo sát năm 2023 của Trung tâm Nghiên cứu Dư luận toàn Nga (VTsIOM), số người Nga tin tưởng Tổng thống Vladimir Putin ở mức hơn 80%. Theo một cuộc thăm dò khác do Quỹ “Quan điểm Xã hội” tiến hành, đa số người Nga (chiếm 83%) đánh giá tốt công việc của ông Putin với tư cách là Tổng thống Nga. Những con số này cao hơn tỷ lệ 69 % tán thành ông Putin vào tháng 1 năm 2022, trước khi xung đột xảy ra.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (ở giữa), cùng với Thống đốc Vùng Tula Alexei Dyumin (bên trái) và Tổng giám đốc Shcheglovsky Val Alexei Visloguzov (bên phải), thăm nhà máy công nghiệp quốc phòng Shcheglovsky Val, ở tỉnh Tula, Nga ngày 23 tháng 12 năm 2022. Nguồn: Sputnik

Tổng thống Nga Vladimir Putin (ở giữa), cùng với Thống đốc Vùng Tula Alexei Dyumin (bên trái) và Tổng giám đốc Shcheglovsky Val Alexei Visloguzov (bên phải), thăm nhà máy công nghiệp quốc phòng Shcheglovsky Val, ở tỉnh Tula, Nga ngày 23 tháng 12 năm 2022. Nguồn: Sputnik

Vào tháng 1 năm nay, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định “người dân Nga vẫn luôn dành cho tổng thống Putin mức độ tín nhiệm cao”. Tỷ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo này luôn duy trì trên 80% trong nhiều năm, điều này cho thấy người dân đánh giá cao hiệu quả lãnh đạo đất nước của tổng thống Putin, giúp nước Nga vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây và duy trì ổn định.

Uy tín của tống thống Putin đã được tạo dựng qua 4 nhiệm kỳ, với thời gian tại nhiệm 15 năm. Ông Putin tuyên bố tham gia ứng cử nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3 tới. Đến cuối tháng 1/2024, ủy ban bầu cử liên bang Nga chính thức chấp thuận tư cách ứng viên của ông Putin sau khi kiểm tra chữ ký cử tri ủng hộ. Nếu chiến thắng, ông sẽ giữ chức Nguyên thủ Quốc gia của Nga nhiệm kỳ thứ 5, tức là thêm 6 năm nữa, cho đến năm 2030.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/kinh-te-nga-vung-vang-sau-hai-nam-xung-dot-221481.htm