Kinh tế thế giới nổi bật (15-21/3): Nga chi đậm phát triển 12 'siêu' dự án, Mỹ vui nhờ giá khí đốt, Ba Lan kêu gọi EU cấm nông sản Belarus

Nga chi 130 tỷ USD để phát triển 12 'siêu' dự án, Mỹ được thúc đẩy nhờ giá khí đốt, Ba Lan kêu gọi EU cấm nhập nông sản Belarus, Trung Quốc ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng tích cực… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Ba Lan kêu gọi EU cấm nhập khẩu nông sản của Nga và Belarus. (Ảnh minh họa - Nguồn: DW)

Ba Lan kêu gọi EU cấm nhập khẩu nông sản của Nga và Belarus. (Ảnh minh họa - Nguồn: DW)

Kinh tế thế giới

Lợi nhuận từ giao dịch dầu trên toàn cầu lại vượt mức 100 tỷ USD

Hoạt động giao dịch dầu trên thế giới tiếp tục ghi nhận năm khởi sắc thứ hai liên tiếp khi lợi nhuận đạt hơn 100 tỷ USD. Theo phân tích từ công ty tư vấn Oliver Wyman LLC, mặc dù lợi nhuận năm 2023 giảm so với mức kỷ lục của năm 2022, nhưng cao hơn so với thời điểm năm 2008-2009.

Trong một cuộc phỏng vấn, nhà tư vấn Adam Perkins nhận xét, tỷ suất lợi nhuận khá tốt, điều này một phần do cung-cầu vẫn có chút hạn chế.

Nhiều nhà giao dịch trong ngành vẫn chưa công khai báo cáo kết quả kinh doanh, song lợi nhuận của các nhà giao dịch độc lập lớn dự kiến sẽ giảm trung bình hơn 30% so với mức kỷ lục của năm 2022.

Tuy nhiên, sự gián đoạn và thiếu hụt nguồn cung dầu diesel và dầu nhiên liệu đã bù đắp cho sự biến động nhẹ của dầu thô liên quan đến căng thẳng tại Ukraine, trong khi biên lợi nhuận giao dịch khí đốt và điện cũng vẫn tương đối cao.

Nhiều công ty mua, lưu trữ và vận chuyển dầu đang dần phục hồi so với thời kỳ được coi là có lãi nhất trong lịch sử, trong bối cảnh một cuộc đua nhằm củng cố vai trò là nhà cung cấp chiến lược về năng lượng, kim loại và thực phẩm khi phương Tây tiếp tục chậm chạp chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch. Nhu cầu dầu tiếp tục tăng trên toàn thế giới.

Nhiều công ty đã mua các nhà máy lọc dầu, tài sản lưu trữ, nhà máy điện và thậm chí cả các công ty thương mại khác, cũng như nhận được sự hỗ trợ lớn từ các quốc gia như Italy, Đức, Mỹ và Saudi Arabia để đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như khí đốt và đồng.

Kinh tế Mỹ

* Ngày 20/3 (theo giờ địa phương, tức rạng sáng 21/3 theo giờ Việt Nam), sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ lãi suất ổn định ở mức hiện tại 5,25-5,50%. Đồng thời Fed cho biết lãi suất dự kiến sẽ giảm 0,75 điểm phần trăm vào cuối năm 2024, trong bối cảnh cơ quan này ngày càng tiến gần đến mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%.

Tuyên bố chính sách sau cuộc họp của Fed nhất trí đánh giá hoạt động kinh tế của Mỹ đang mở rộng với tốc độ vững chắc, trong khi việc làm vẫn tăng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.

Tuy nhiên, tuyên bố tiếp tục lặp lại nhận định được đưa ra trong cuộc họp hồi tháng 1/2024, theo đó Fed không kỳ vọng cắt giảm lãi suất cho đến khi có niềm tin lớn hơn về việc lạm phát đang giảm một cách vững chắc về mức 2%.

* Bloomberg ngày 17/3 đưa tin, nền kinh tế Mỹ được thúc đẩy nhờ giá khí đốt giảm. Giá khí đốt tự nhiên của nước này giảm mạnh trong năm nay đang giúp thúc đẩy nền kinh tế, cắt giảm một số chi phí năng lượng ngay cả khi giá các nhu yếu phẩm khác tiếp tục tăng.

Hiện tại giá khí đốt đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 4 năm, giúp giảm áp lực cho người tiêu dùng. Dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất cho thấy hóa đơn khí đốt tiêu dùng đã giảm khoảng 9% trong tháng 2/2024 so với một năm trước đó. Giá khí đốt giảm nhấn mạnh tác động yếu dần của năng lượng đối với chi phí sinh hoạt ở Mỹ.

Kinh tế Trung Quốc

* Ngày 18/3, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố một loạt báo cáo kinh tế, phản ánh những dấu hiệu tăng trưởng tích cực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo đó, tổng sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng của Trung Quốc đã tăng 7% trong 2 tháng đầu năm nay. Tốc độ tăng trưởng này nhanh hơn 0,2 điểm phần trăm so với tháng 12/2023.

Trong cùng giai đoạn, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị được khảo sát ở mức 5,3% trong hai tháng đầu năm, tình hình việc làm nhìn chung ổn định.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) "bơm" thêm thanh khoản thông qua nghiệp vụ repo đảo ngược. Cụ thể, PBoC đã thực hiện nghiệp vụ repo đảo ngược 7 ngày trị giá 10 tỷ NDT (khoảng 1,41 tỷ USD) với lãi suất 1,8% vào ngày 18/3, động thái này nhằm duy trì thanh khoản trong hệ thống ngân hàng ở mức hợp lý và dồi dào.

* Ngày 18/3, Cục Phát triển du lịch Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, hai tháng đầu năm 2024, 7,8 triệu lượt khách du lịch đã đến thăm Hong Kong, tương đương 73% so với trước dịch bệnh Covid-19, tức là cùng kỳ năm 2018. Trong cùng thời gian đó, lượng du khách từ Đông Nam Á đến Hong Kong cũng đã quay trở lại mức 98% so với trước dịch bệnh.

Cùng với năng lực vận tải hàng không tiếp tục tăng, số lượng hành khách tại nhiều thị trường đồng loạt tăng lên và tỷ trọng hành khách trên các chặng đường dài cũng tiếp tục tăng.

Kinh tế châu Âu

* Ngày 19/3, tờ Financial Times dẫn những nguồn thạo tin cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến trong những ngày tới sẽ triển khai áp thuế suất 95 Euro (103,26 USD)/tấn đối với ngũ cốc từ Nga và Belarus, trong khi thuế 50% cũng sẽ được áp đặt đối với hạt có dầu và các sản phẩm từ chúng. Động thái này nhằm xoa dịu nông dân trong khối và một số quốc gia thành viên.

Gần đây, các nông dân trong Liên minh châu Âu (EU) đang kêu gọi thay đổi các hạn chế trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh về ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như kiến nghị chính phủ các nước áp thuế đối với nông sản nhập khẩu từ Ukraine, vốn được miễn thuế sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine năm 2022.

Những tuần qua, tại Ba Lan đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản đối liên quan đến các vấn đề này. Thủ tướng nước này Donald Tusk cũng kêu gọi EU cấm nhập khẩu nông sản của Nga và Belarus.

* Trong thông cáo ngày 20/3, Nghị viện châu Âu cho biết, EU đã đạt một thỏa thuận tạm thời về việc miễn thuế cho các nhà sản xuất thực phẩm Ukraine vào thị trường khối này đến tháng 6/2025, nhưng có những giới hạn mới đối với việc nhập khẩu ngũ cốc.

Các nhà đàm phán của Nghị viện châu Âu và nước Chủ tịch EU là Bỉ đã nhất trí thêm yến mạch, ngô, ngũ cốc và mật ong vào danh sách áp thuế khẩn cấp, nhưng vẫn giữ mức giới hạn là lượng nhập khẩu trung bình của hai năm 2022 và 2023.

Thỏa thuận tạm thời nói trên cần được Nghị viện châu Âu và chính phủ các nước thành viên EU phê duyệt.

* Viện Kinh tế tư nhân Đức (IW) cho biết, đầu tư nước ngoài vào Đức trong năm 2023 ở mức 22 tỷ Euro (24 tỷ USD), thấp nhất trong 10 năm. Số lượng các công ty Đức đầu tư ra nước ngoài tăng hơn 5 lần, dẫn đến dòng vốn chảy ra là 94 tỷ Euro (hơn 102 tỷ USD).

IW cho biết: “Dòng vốn chảy ra nước ngoài thậm chí còn cao hơn, ở mức 100 tỷ Euro trong năm 2021 và 125 tỷ Ruro vào năm 2022. Dòng vốn chảy ra lớn cho thấy đây không phải là hiện tượng đặc biệt mà là dấu hiệu của quá trình phi công nghiệp hóa”.

Nhiều khoản đầu tư nước ngoài được thực hiện ở Đức trong năm 2023 là những dự án hoặc thương vụ mua lại các công ty. IW cho biết đây là dấu hiệu cho thấy điều kiện không thuận lợi trong cạnh tranh toàn cầu.

* Chính phủ Nga đã xây dựng danh mục 12 “siêu” dự án để bảo đảm chủ quyền công nghệ, dự kiến khởi động từ năm 2025. Moscow sẽ chi 12.000 tỷ Ruble (hơn 130 tỷ USD) cho các siêu dự án này.

Theo nguồn tin của báo Vedomosti, danh mục 12 siêu dự án còn bao gồm Phát triển máy bay không người lái (đã khởi động năm 2024), Vi điện tử, Hàng không dân dụng, Phát triển ngành công nghiệp vũ trụ, Sản xuất tàu và thiết bị tàu thủy, Khoa học và trường đại học, Kinh tế dữ liệu và Nguyên tử và nguồn năng lượng mới.

* Hãng Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay, những người nắm giữ trái phiếu của Ukraine ở nước ngoài đang thảo luận về việc lập ra một ban chủ nợ để tham gia các cuộc đàm phán về tái cơ cấu nợ của nước này.

Kiev cần đạt được một thỏa thuận về tái cơ cấu nợ trước khi thời hạn hai năm mà các trái chủ nắm giữ 20 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Ukraine cho phép hoãn thanh toán nợ, sẽ kết thúc vào tháng 8 tới.

Một nhóm chủ nợ chính thức có thể khởi động đàm phán với chính phủ Ukraine trước kỳ họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự kiến bắt đầu vào ngày 17/4 ở Washington.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Ngày 19/3, Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO) công bố dữ liệu cho thấy, trong tháng 2/2024, nước này đã đón 2,79 triệu lượt du khách, mức cao kỷ lục trong một tháng và cao hơn bất kỳ tháng nào kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát (2019). Hoạt động du lịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được cho là yếu tố tích cực thúc đẩy lượng du khách tới Nhật Bản.

Dữ liệu của JNTO cho thấy số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản trong tháng 1/2024 cũng đạt con số ấn tượng là 2,69 triệu lượt.

* Ngày 19/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định nâng lãi suất cho vay qua đêm ở mức 0-0,1%, tăng một chút so với âm 0,1%-0%, chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ được ngân hàng áp dụng từ năm 2016 nhằm thúc đẩy cho vay. Với động thái này, BoJ trở thành cơ quan tiền tệ lớn cuối cùng trên thế giới từ bỏ chính sách lãi suất âm.

* Kim ngạch xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc trong tháng 2/2024 đã giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu ô tô thân thiện với môi trường ngày càng sụt giảm.

Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE), tổng giá trị xuất khẩu ô tô của nước này đạt 5,16 tỷ USD trong tháng 2/2024, giảm so với mức 5,59 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2023, khi giá trị xuất khẩu đạt 4,98 tỷ USD.

Về số lượng, xuất khẩu ô tô trong tháng 2/2024 giảm 11% xuống 198.653 chiếc.

* Chính phủ Hàn Quốc hôm 20/3 đã áp dụng mức phạt tổng cộng 10,3 tỷ Won (tương đương 7,6 triệu USD) đối với 10 nhà sản xuất ô tô trong và ngoài nước vì bán ô tô không đủ tiêu chuẩn an toàn tại nước này.

Mức phạt này dựa trên các biện pháp khắc phục các bộ phận bị lỗi trong mẫu xe của các công ty bán ra thị trường từ tháng 1-6 năm ngoái.

Trong số 10 nhà sản xuất ô tô bị phạt thì có 9 công ty nước ngoài, bao gồm Volkswagen, Mercedes-Benz, Ford Sales & Service, Porsche, BMW và duy nhất một công ty Hàn Quốc là Hyundai Motor Co.

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngày 19/3, người đứng đầu Liên minh các nhà xuất khẩu ngũ cốc Nga Eduard Zernin cho hay, ý tưởng của Moscow về việc trao đổi ngũ cốc trong nhóm BRICS cho phép người mua có thể mua trực tiếp từ các nhà sản xuất đang thu hút được sự chú ý trước hội nghị thượng đỉnh của nhóm vào tháng 10/2024.

Trung Quốc và Ấn Độ là những nhà sản xuất lúa mỳ lớn nhất thế giới và Nga là nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất nên bất kỳ sàn giao dịch nào trên cơ sở của nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi cũng như Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ có ảnh hưởng toàn cầu.

* Theo Bộ Tài chính Malaysia (MOF), sự mất giá gần đây của đồng Ringgit (RM) chủ yếu là do USD mạnh lên và sự không chắc chắn về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Trong một văn bản trả lời chất vấn được đăng tải trên website của Quốc hội ngày 19/3, Bộ Tài chính cho rằng, yếu tố nói trên cũng đã ảnh hưởng đến các loại tiền tệ khác trong khu vực.

* Trung tâm Dự báo Kinh tế và Kinh doanh thuộc Đại học Phòng Thương mại Thái Lan (UTTC) ngày 19/3 đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2024 là 2,6%. Đây là mức giảm so với 3,2% như dự kiến trước đó, do sự phục hồi kinh tế mong manh, đầu tư tư nhân chậm lại, sức mua của người tiêu dùng yếu và việc giải ngân ngân sách năm 2024 bị trì hoãn.

* Cơ quan thống kê trung ương Indonesia (BPS) cho biết, xuất khẩu dầu cọ thô (CPO) và các sản phẩm phái sinh trong tháng 2 của nước này đã giảm hơn 30% xuống còn 1,20 tỷ USD so với con số 1,72 tỷ USD của tháng 1. Nguyên nhân là nhu cầu sụt giảm từ các quốc gia đối tác quan trọng như Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu.

Khối lượng xuất khẩu CPO trong tháng 2/2024 được ghi nhận ở mức 1,42 triệu tấn, giảm so với 2,06 triệu tấn của tháng trước và 2,10 triệu tấn trong tháng 2/2023.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-15-213-nga-chi-dam-phat-trien-12-sieu-du-an-my-vui-nho-gia-khi-dot-ba-lan-keu-goi-eu-cam-nong-san-belarus-264882.html