Kinh tế Việt Nam hướng tới đỉnh cao hơn

Theo PGS.TS. Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, dù năm 2024 được dự báo có nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% và hướng tới đỉnh cao hơn trong những năm tiếp theo. 'Cần tiếp tục duy trì sự ổn định chính trị và xã hội nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế', ông Dũng lưu ý.

Sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng

- Ông cảm nhận như thế nào về bức tranh kinh tế nước ta trong quý đầu tiên của năm nay?

- Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I.2024 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này dù không cao bằng cùng kỳ năm 2018 và 2019, nhưng cao thứ 4 trong 13 năm trở lại đây và cao hơn tốc độ tăng trưởng của quý I các năm 2020 - 2023. Điều này cho thấy nỗ lực, sát sao, kịp thời trong điều hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành và sự cố gắng, quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp, người dân trên con đường khôi phục và phát triển kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Tuy vậy, cũng phải nói rằng, vẫn đang có nhiều rủi ro hiện hữu với tăng trưởng.

- Cụ thể những rủi ro đó là gì, thưa ông?

- Trước tiên, về yếu tố quốc tế, có thể thấy được trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, gây nhiều khó khăn cho công tác dự báo.

Cụ thể, lạm phát tại một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn ở mức cao do tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; nợ công gia tăng; tăng trưởng thương mại toàn cầu chưa thể thoát khỏi trạng thái trì trệ. Không chỉ vậy, tăng trưởng của kinh tế thế giới nói chung và hai nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc nói riêng trong năm 2024 được dự báo sẽ chậm lại. Những vấn đề này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam và đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp sẽ là các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước.

Bên cạnh đó, các cuộc xung đột trên toàn cầu như xung đột Nga - Ukraine, xung đột Israel - Hamas, xung đột Iran - Israel nếu kéo dài sẽ khiến thế giới đối mặt với nhiều hệ lụy như giá năng lượng leo thang, cản trở giao thông và vận tải hàng hóa dịch vụ đẩy chi phí logistics trở nên đắt đỏ hơn, khiến các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị suy giảm lợi nhuận đáng kể.

- Về các yếu tố trong nước thì sao, thưa ông?

- Về yếu tố trong nước, động lực tăng trưởng truyền thống nhìn chung còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng nên năm 2024 dự báo vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tác động từ sự suy giảm của kinh tế thế giới dồn nén từ thời Covid-19 khả năng cao vẫn sẽ tác động tới Việt Nam ít nhất đến hết nửa đầu năm 2024 trước khi đón nhận dấu hiệu mới tích cực, khả quan hơn.

Xét trên từng khu vực kinh tế, công nghiệp và xây dựng tiếp tục gặp nhiều thách thức trước bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, cầu thế giới yếu, thị trường thế giới thu hẹp, lưu thông và luân chuyển hàng hóa thương mại khó khăn do giá cả tăng, khan hiếm nguyên vật liệu. Với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước, tình trạng đơn hàng giảm, chi phí đầu vào cao có lẽ vẫn là những thách thức khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng cũng sẽ tác động tiêu cực tới nhiều ngành sản xuất có liên quan. Đầu tư của khu vực tư nhân vẫn ở mức yếu do các doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm, giá nguyên vật liệu tăng và gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng gặp nhiều thách thức, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản còn nhiều rủi ro, cần có thời gian để xử lý, tăng trưởng tín dụng còn thấp.

- Vậy ông dự báo như thế nào về tăng trưởng năm nay?

- Mặc dù năm 2024 được dự báo có nhiều khó khăn nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực và quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ cũng như người dân và doanh nghiệp, tôi tin rằng nước ta sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% và hướng tới đỉnh cao hơn trong những năm tiếp theo.

Tiếp tục duy trì sự ổn định chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô

-Theo ông, đâu là các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, hướng tới những đỉnh cao mới?

- Tôi cho rằng có 5 nhóm giải pháp cần được quan tâm thực hiện. Đầu tiên là cần tiếp tục duy trì sự ổn định chính trị và xã hội nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động khó lường, việc duy trì được một nền tảng vĩ mô ổn định và bảo đảm được môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp có thể an tâm hoạt động sản xuất, thu hút được các dòng vốn đầu tư nước ngoài mới cũng như cải thiện hoạt động đầu tư tư nhân. Từ đó, tạo được động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, duy trì lãi suất ở mức vừa phải. Kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và kiểm soát tốt thị trường vàng, điều chỉnh linh hoạt, kịp thời theo diễn biến tình hình trong nước và quốc tế. Cải thiện các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ ba, về chính sách tài khóa, mở rộng đầu tư công theo hướng phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Kiểm soát tốt cán cân thu chi ngân sách nhà nước cũng như vấn đề nợ công quốc gia. Xem xét tiếp tục thực hiện các ưu đãi về thuế, phí, lệ phí với các lĩnh vực trọng tâm. Cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt thủ tục về thuế, tránh làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Thứ tư, kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác như thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực sản xuất ưu tiên, đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường công tác xúc tiến thương mại.

Cuối cùng, thể chế tốt sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế thông qua khuyến khích đầu tư tư nhân, thu hút các dòng vốn quốc tế, và cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do đó, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế sẽ là một trong những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

- Về phía Quốc hội, Chính phủ cần phải làm gì để thúc đẩy kinh tế phát triển?

- Theo tôi, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm.

Cùng với đó, giữ vững định hướng mục tiêu tổng quát là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bảo đảm các cân đối lớn. Quán triệt mục tiêu này đến các cấp, các ngành, các địa phương nhằm bảo đảm việc thực hiện các chính sách, giải pháp được tiến hành thông suốt, phù hợp.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; trong đó, cần xác định rõ mục tiêu, đối tượng và tiêu chí hỗ trợ. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, trên cơ sở đó xây dựng các chương trình hỗ trợ phù hợp, đáp ứng được nhu cầu thực tế của đối tượng được hỗ trợ. Chính phủ cần công khai, minh bạch trong quy trình triển khai các chương trình hỗ trợ, từ việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đến giám sát, đánh giá.

Ngoài ra, chúng ta đang đối mặt với các rủi ro địa chính trị, rủi ro từ sự thay đổi chính sách kinh tế thế giới khó lường trước được. Do đó, các cấp, các ngành, các địa phương cần nâng cao năng lực nhận biết và khả năng nắm bắt tình hình thực tiễn, khả năng dự báo những kịch bản có thể xảy ra, đồng thời lên phương án ứng phó theo các biến động, kịch bản khác nhau, nhằm bảo đảm việc điều hành của Chính phủ hiệu quả, đúng thời điểm.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/kinh-te-viet-nam-huong-toi-dinh-cao-hon-i369032/