Kinh tế Việt Nam khởi đầu quý I suôn sẻ cho một năm hứa hẹn
Theo Chứng khóa MB (MBS), kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong quý 1/2024 với mức tăng trưởng GDP cao nhất trong 4 năm gần đây.
Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 3/2024 của MBS, GDP quý 1/2024 ước tính tăng 5.6% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng quý 1 cao nhất trong 4 năm gần đây.
GDP năm 2024 được dự đoán đạt mức 5.9%-6.1% và GDP quý 2 sẽ tăng 5.8%-6.0% dựa trên đà phục hồi của sản xuất, hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh mẽ khi tiền gần về thời điểm tăng trưởng trước đại dịch.
Theo nhóm ngành, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng 6.2% cao nhất trong ba khu vực, đóng góp 41.6%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2.9%, đóng góp 6.0% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Khu vực dịch vụ tăng 6.1%, đóng góp 52.2%.Tiêu dùng trong nước tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, giảm giá như giảm thuế VAT, lãi suất cho vay giảm.
Sản xuất công nghiệp tăng tốc, xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 tăng 10% so với tháng trước (+4.1% svck). Tính chung 3 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 5.7%.
Các ngành ghi nhận hoạt động sản xuất tăng trưởng mạnh trong tháng bao gồm: sản xuất sản phẩm tử cao su và plastic (+29% svck), sản xuất thiết bị điện (+25% svck), sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (+14% svck).
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 34 tỷ USD, tăng 37.8% so với tháng trước (+14.2% svck). Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý 1/2024 là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản.
Về nhập khẩu, kim ngạch tháng 3/2024 ước đạt 31 tỷ USD, tăng 9.7% svck và 33.4% so với tháng trước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Dự báo xuất khẩu Việt Nam năm 2024 sẽ tăng 10-12%, thặng dư cán cân thương mại đạt 21 - 24 tỷ USD.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 3/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0.2% so với tháng trước nhưng tăng 3.9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý 1/2024, CPI tăng 3.7% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2.8%.
Dự kiến CPI bình quân năm 2024 sẽ dao động ở mức 3.5% - 3.6%, nằm trong kế hoạch đề ra của chính phủ (4%-4.5%). Tuy nhiên, lạm phát trong năm sau có thể chịu rủi ro bởi giá thép xây dựng nội địa tăng, EVN tăng giá điện, giá lương thực tăng và giá dầu biến động.
Dù lạm phát vẫn nằm trong mức ổn định nhưng cần theo dõi sát sao các rủi ro tiềm ẩn để có biện pháp kịp thời nhằm giữ ổn định lạm phát trong năm 2024.
Kể từ đầu tháng 3, diễn biến lãi suất liên ngân hàng giảm từ mức lãi suất 1.4% xuống còn 0.8%. Việc duy trì mức lãi suất thấp như hiện tại của NHNN tác động tích cực đến mở rộng kinh doanh và gia tăng trữ lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp, giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong 6 tháng tới.
Những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế theo số liệu 3 tháng đầu năm 2024 được kỳ vọng sẽ tiếp diễn và đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14-15%.
Tỷ giá USD/VND liên tục đạt mức đỉnh mới, hiện đang giao dịch tại 25,003 VND/USD.
Tỷ giá được dự đoán sẽ dao động trong khoảng 24,500 - 24,800 VND/USD trong quý 2 năm nay dưới tác động nhiều yếu tố như: việc kiểm soát và bình ổn thị trường vàng; chênh lệch lãi suất giữa USD và VND được thu hẹp góp phần hạn chế hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất và giảm áp lực mất giá đối với VND; những yếu tố vĩ mô tích cực là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.
MBS dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại so với quý 1. Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội từ sự phục hồi của nền kinh tế, đồng thời cần có biện pháp để ứng phó với các rủi ro.
Nhà đầu tư nên theo dõi sát sao diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.