Nói không với khai thác hải sản bất hợp pháp (Kỳ 1)

Tàu bị tịch thu, ngư dân bị giam tù nơi đất khách quê người, còn gia đình thì khánh kiệt vì nợ nần chồng chất. Đó là câu chuyện buồn của nhiều ngư dân khi đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Một buổi sáng tháng 4, chúng tôi tìm về vùng biển xã Bình Châu (Bình Sơn). Ngư dân nơi đây nổi tiếng với nghề lặn biển. Họ có mặt khắp các ngư trường trong cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là địa phương từng có nhiều tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác thủy sản trên biển. Trước năm 2017, xã Bình Châu dẫn đầu cả nước về số lượng tàu cá có hành vi xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Do đó, nhiều ngư dân bị cơ quan chức năng nước ngoài bắt giam, tịch thu tài sản, vì khai thác hải sản trái phép, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn chồng chất.

Xem video...

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm về xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển để gặp anh Nguyễn Văn Minh (38 tuổi). Ngôi nhà của anh Minh nằm sâu trong con hẻm nhỏ, nép mình bên cạnh mũi Ba Làng An, mặt nhìn ra Biển Đông. Đang vào mùa biển nên anh Minh vắng nhà. Anh Minh theo tàu đi bạn để có thu nhập lo cho cuộc sống gia đình và dành dụm trả nợ. Bà Nguyễn Thị Liêm (63 tuổi), mẹ anh Minh ngồi ôm đứa cháu 14 tháng tuổi trước hiên nhà, trầm ngâm dõi mắt về phía biển xa xăm như mong đợi một phép màu nào đó. Có lẽ vậy, gần 5 năm qua, kể từ ngày con trai bà (anh Minh) bị bắt giữ vì xâm phạm vùng biển Malaysia, bà Liêm không đêm nào ngon giấc được.

Từ đó, cuộc sống gia đình bà Liêm lâm vào cảnh khánh kiệt, vì món nợ 2 tỷ đồng vay của ngân hàng không có tiền để trả. Sau hơn 2 năm bị giam giữ, anh Minh mới được về nước.

Bà Liêm ngậm ngùi nhớ lại, tôi không bao giờ quên buổi chiều hôm ấy, khi con trở về trên mình chỉ có chiếc quần đùi, thân hình tiều tụy, lòng đau như xát muối, hai mẹ con ôm nhau nghẹn ngào. Đó là những giọt nước mắt tủi thân, của nỗi nhớ thương và cả niềm hạnh phúc khi gia đình đoàn tụ.

Ngày anh Minh trở về lành lặn, gia đình bà Liêm vui mừng khôn xiết. Nhưng sau niềm vui đoàn tụ là vô số những nỗi lo dai dẳng, do nợ nần chồng chất. Và rồi, sau bao đêm trằn trọc với những nỗi lo đó, anh Minh quyết định tiếp tục gắn bó với biển, bằng cách xin đi bạn với các chủ tàu để kiếm tiền trả nợ.

“Chồng đi bạn, vợ làm công nhân mỗi tháng kiếm được hơn chục triệu đồng thì không biết bao giờ mới trả hết món nợ 2 tỷ đồng? Mỗi khi nhân viên ngân hàng xuống đòi nợ, tôi lại xin cho con trả dần. Gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, không biết số phận rồi sẽ ra sao? Từ một gia đình khấm khá ở địa phương, giờ đây phải chạy cơm từng bữa”, bà Liêm chia sẻ với giọng đượm buồn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bình Thạnh (Bình Sơn) phát tờ rơi tuyên truyền về chống khai thác IUU cho ngư dân trước khi tàu xuất bến. Ảnh: T.L

Cán bộ Đồn Biên phòng Bình Thạnh (Bình Sơn) phát tờ rơi tuyên truyền về chống khai thác IUU cho ngư dân trước khi tàu xuất bến. Ảnh: T.L

Gia đình chị Nguyễn Thị Hương (41 tuổi), cùng xóm với gia đình bà Liêm cũng cùng chung cảnh ngộ. Chồng chị Hương là ngư dân Võ Văn Thành cũng từng bị tù giam và tịch thu tàu vì xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Theo chị Hương, trong một chuyến biển vào mùa đông năm 2019, anh Thành bị lực lượng chức năng của Malaysia bắt giữ, vì tàu cá do anh làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước này. Chiếc tàu cá cùng tài sản trên tàu tổng trị giá gần 6 tỷ đồng bị cơ quan chức năng Malaysia tịch thu. Còn anh Thành thì bị phạt tù.

Chị Hương rùng mình khi nhớ lại cảm giác khi hay tin chồng bị bắt giữ ở Malaysia. Sau chuyến biển định mệnh đó, gia đình chị Hương lâm vào cảnh khốn cùng, bởi gánh nặng con cái, nợ nần chồng chất. Bao nhiêu vốn liếng tích góp, dự định xây nhà mới đành gác lại, chị dành số tiền này và vay mượn khắp nơi để trả dần số tiền 1,5 tỷ đồng vay của ngân hàng và chờ ngày chồng về.

Bị tuyên án 6 tháng tù giam, nhưng mãi đến 2 năm sau, anh Thành mới về nước, vì ảnh hưởng của “cơn bão” dịch Covid-19. Anh đã trải qua những ngày khốn khổ trên nước bạn và tiếp tục có những ngày tháng dài nợ nần chồng chất khi về lại quê nhà.

Rời nhà chị Hương, chúng tôi tìm đến nhà anh Tiêu Viết Chánh, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu. Anh Chánh là ngư dân từng bị phạt 3 năm tù giam vì xâm phạm vùng biển nước ngoài. Anh Chánh đã mãn hạn tù, trở về bên gia đình đã 5 năm, nhưng hậu quả của việc xâm phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn hiện hữu.

Xem video...

Anh Chánh vẫn không thể nào quên được những ngày tháng bị giam ở nước bạn, do đánh bắt trái phép ở quốc đảo Papua New Guinea. Những tháng ngày kinh hoàng nơi đất khách quê người là bài học đắt giá với anh.

Theo lời anh Chánh, trong một chuyến biển cách đây 8 năm, anh cùng các thuyền viên đang lặn bắt hải sâm thì bị lực lượng chức năng quốc đảo Papua New Guinea phát hiện và bắt giữ. Đôi tàu trị giá 6 tỷ đồng của anh Chánh bị tịch thu, còn anh thì bị phạt tù đến 3 năm. Gia đình anh phải chạy vạy khắp nơi để xoay sở nộp phạt. Thế là, bao nhiêu vốn liếng tích góp cả đời bổng chốc tan thành nước biển.

Sau khi về nước, anh Chánh xin đi bạn để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình và trả dần những khoản vay còn dang dở. Với anh Chánh, việc khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài vẫn đang là nỗi ám ảnh không thể nào quên trong cuộc đời anh. Bởi lẽ, khi xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản, không chỉ mất tài sản, bị phạt tiền, mà còn nguy hiểm đến tính mạng, vì phải ăn uống kham khổ, để lại vô số những nỗi lo cho gia đình.

Xem video...

Nội dung: Nhóm PV
Thiết kế, trình bày: L.H

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202405/emagazine-noi-khong-voi-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap-ky-1-d054ed3/