Kỳ 1: Từ cuộc đời lang bạt hải hồ

Tác giả bài viết đã được ở lại nhà trong 2 ngày 1 đêm để nghe cụ kể lại một câu chuyện dài với những chi tiết lạ lùng như thần thoại! Nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh của chiến sĩ cách mạng Lưu Công Danh, Chuyên đề Công an TPHCM kính mời độc giả đón xem loạt bài về cuộc đời vị 'Phật sống' rất đặc biệt này!

Chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cuốn hút nhiều người, nhiều giai cấp, nhiều thế hệ cùng tham gia. Trong đó, có một nhân vật rất độc đáo đã từng ăn trái cây thay cơm hơn 13 năm, từng tu thành "Phật" ở Ấn Độ, từng được đón rước long trọng ở nhiều nước, từng có vợ là chị em bạn dì với nữ Thủ tướng Inđira Ganđi của Ấn Độ...

Khi theo Đảng, theo cách mạng, ông từng là Trưởng ban trừ gian Long - Châu - Sa (Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc), Phó chỉ huy Tiểu đoàn 307 anh hùng, Giám đốc trại giam, Chủ nhiệm HTX... Khi ở tuổi gần 100, ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, vẫn "cứu nhân độ thế" - chữa bệnh bằng thuốc Nam rất hay. Ngày 16/02/1998, theo chỉ dẫn của nhà văn Trần Kim Trắc (1929 - 2018, nhà văn nổi tiếng của Nam Bộ), chúng tôi đã tìm được vị "cựu Phật" này trong một căn nhà nhỏ, đơn sơ, nằm trên đường Lâm Quang Ky, thị xã Rạch Giá, Kiên Giang. Cụ đang ung dung uống trà và đọc Báo CATP (sau này là Chuyên đề Công an TPHCM)...

Tác giả bài viết đã được ở lại nhà trong 2 ngày 1 đêm để nghe cụ kể lại một câu chuyện dài với những chi tiết lạ lùng như thần thoại! Nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh của chiến sĩ cách mạng Lưu Công Danh, Chuyên đề Công an TPHCM kính mời độc giả đón xem loạt bài về cuộc đời vị "Phật sống" rất đặc biệt này!

"Vị Phật" chúng tôi muốn nói đến tên thật là Lưu Công Danh, sinh ngày 29/12/1900 tại Rạch Giá, thường gọi là Ba Danh. Ngoài 20 tuổi, vì căm ghét một tên lính kín (mật thám cho Tây) chuyên hùa theo bọn cường hào, ác bá, cướp đất và ức hiếp nông dân nghèo nên ông đánh y chết. Tây ra lệnh truy nã, hình của ông được dán ở khắp các chợ. Đã vậy, phe đảng của bọn cướp đất cũng muốn báo thù nên truy lùng ông khắp nơi. Ông phải từ biệt vợ cả tên Nguyễn Thị Ngân (SN 1906, do cha mẹ cưới cho) cùng 2 con trai, 1 con gái còn nhỏ để trốn về An Giang tá túc ở nhà bà dì. Dì nấu cơm cho ăn, gói cho một cục to để ăn đường, cho thêm 5 cắc bạc rồi gạt nước mắt hối cháu trốn đi: - Nếu cháu ở đây, cả nhà dì sẽ chết!

Trên bước đường phiêu bạt, ông ghé đến vài nhà thân quen khác, các chủ nhà đều sợ liên lụy nên từ chối cưu mang ông. Đã hết đường sống ở quê nhà nên ông trốn sang Campuchia, ở khu cầu tàu số 9, sống bằng nghề khuân vác. Lao động ở đây rất nặng nhọc, mỗi ngày ông cùng các đồng nghiệp phải vác những khối hàng nặng lên xuống những cầu tàu cao chót vót để được 2 cắc bạc.

Hồi đó, có một võ sĩ người Miên tên Lý Nút đã 2 lần vô địch khu vực và đang đăng thông báo thách đấu. Nếu thắng Lý Nút sẽ được thưởng 25 đồng (tương đương với 122 ngày công khuân vác), nếu thua được lãnh an ủi 5 đồng. Ba Danh liền đăng ký thi đấu với Lý Nút, với tính toán nếu thắng sẽ có số vốn nho nhỏ để bỏ nghề khuân vác nặng nhọc, nếu thua cũng đủ tiền ăn cơm vài tháng. Ông cũng rất tin tưởng vào thân thể cường tráng cao hơn 1,7m, nặng hơn 80kg của mình và những ngón võ gia truyền được mẹ khổ luyện cho suốt nhiều năm tuổi thơ. 70 năm sau, ông kể lại với phóng viên Báo CATP:

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đến thăm nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trương Quốc Tuấn - người viết giới thiệu Hồi ký của vị "Phật sống" - Báo Kiên Giang đăng năm 2019

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đến thăm nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trương Quốc Tuấn - người viết giới thiệu Hồi ký của vị "Phật sống" - Báo Kiên Giang đăng năm 2019

- Lý Nút không to con bằng tôi, nhưng nó đen thui, rất khỏe, rất nhanh. Vào hiệp đầu, tay đeo găng của nó đấm tôi một phát sượt đỉnh đầu, nóng rát và tóc rụng một tháng. Tôi vừa choáng, vừa mất tinh thần, nhưng cố giữ cho hết hiệp. Sang hiệp 2, tôi đánh nó ngã lăn xuống sàn đài, trọng tài phải đếm đến 5 nó mới ngồi dậy nổi. Lúc nghỉ giải lao, thằng "làm nước" (săn sóc viên) nói nhỏ vào tai tôi: - Phải chi lúc nó ngã, ông táng cho một phát nữa thì nó thua rồi! Tôi tưởng thằng "làm nước" bày đúng nên sang hiệp 3, Lý Nút vừa chạm lưng xuống sàn trọng tài chưa kịp đếm tôi sáp vào thoi luôn mười mấy cú nữa làm Lý Nút nằm thẳng cẳng. Tôi chưa kịp mừng thắng trận thì hàng chục thanh niên từ phía dưới vừa hò hét vừa tràn lên khán đài. Chúng xúm đánh tôi túi bụi, dùng khăn rằn cột đá quất không thương tiếc vào người tôi. Đây là nhóm học trò, tay em của Lý Nút, chúng cho rằng tôi đã chơi phạm luật nên quyết đánh chết tôi để trả thù cho thầy, chủ! May sao cảnh sát có mặt kịp thời giải vây và đưa tôi vào nhà thương cấp cứu.

Tôi nằm nhà thương một tháng, chẳng lãnh được 1 cắc tiền thượng đài. May nhờ tay sếp cảnh sát mê võ đài do ngưỡng mộ tôi nên đã thu xếp, giúp đỡ mọi việc mới yên. Từ bệnh viện, tôi được đưa thẳng về nhà sếp. Ông ta nuôi tôi chăm chỉ như nuôi một con gà chọi. Khi tôi muốn đi đâu, ông ta cho xe Phờ-rô-các-xanh-đơ cắm cờ cảnh sát trưởng đưa đi. Chẳng ai dám trả thù hay hỏi han về tôi nữa. Một hôm sếp đi về khuya, gọi tôi ra phòng khách.

Ông ta nheo mắt nhìn tôi rồi thảy ra bàn một tấm ảnh kèm lệnh tầm nã tôi: - Ở Việt Nam vừa gởi sang đấy! Ông nói như vậy, mặt không thể hiện vui, buồn hay khó chịu. Một cảm giác lo sợ dâng lên trong lòng, tôi lại nghĩ đến việc nhanh chóng đánh gục ông ta, sau đó bỏ trốn. Nhưng ông ta bỗng nói với tôi một câu thật dịu dàng: - Đừng sợ, cứ ở đây. Tôi sẽ cho người về lục tỉnh điều tra lại!

Tác giả ghi chép lại lời kể của cụ Lưu Công Danh hồi tháng 02/1998

Tác giả ghi chép lại lời kể của cụ Lưu Công Danh hồi tháng 02/1998

Tôi ở lại mà cứ nơm nớp trong lòng. Nhân một lần được ông ta đưa lên Pat-tam-poong, tôi đã bỏ trốn. Tôi chạy mãi vào rừng, đến lúc vừa mệt, vừa nghe lao xao phía bờ suối thì nép vào bụi chờ. Thì ra đó là một đoàn người Campuchia đi lượm trái đười ươi về bán (trái này bán cho người ta làm thức uống giải khát). Tôi nói mình thất nghiệp, đói, xin nhập bọn. Họ đồng ý. Tôi không có bao bị nên phải cởi quần áo ra làm thứ đựng trái... Cứ vậy từ sáng sớm tôi theo họ vào rừng, tối mịt vác trái đười ươi về chợ thị trấn bán, sau đó tìm sạp chợ trống ngủ. Tình cờ tôi gặp một ông Ấn Độ, ăn vận sang trọng. Ông hỏi tôi bằng tiếng Ấn, tiếng Lào, tôi lắc đầu. Hỏi đến tiếng Miên, tôi trả lời được. Ông hỏi tôi có muốn làm đầy tớ với lương 6 đồng/tháng không? Tôi mừng rỡ gật đầu, ông đưa tôi về nhà.

Lần hồi, tôi biết ông tên là Ba-ra-him, một người rất giàu, đang làm "khạo" (tức chủ doanh nghiệp khai thác gỗ) ở Campuchia. Trong công việc làm ăn, ông thường phải chiều lụy các kiểm lâm người Việt Nam ở Pat-tam-poong. Có lần, ông bận việc nên sai tôi mang quà cho các quan kiểm lâm. Thấy tôi là người đồng hương, các quan kiểm lâm rất thích. Họ hỏi tôi nhà cửa, sau đó cứ chủ nhật lại chở vợ con đến chơi. Ông Ba-ra-him rất mừng, vì từ ngày tôi kết giao với nhóm kiểm lâm, việc khai thác, vận chuyển gỗ của ông dễ dàng hơn rất nhiều. Ông cho tôi bận xà rông như người Ấn, được đi xe hơi, xài tiền tha hồ. Ông thường giới thiệu tôi là con rơi của ông ta với một phụ nữ người Việt, bị thất lạc 20 năm nay mới gặp lại. Ông đặt tên tôi là Ba-ra-him Hát-ha-cốp...

Bìa cuốn Hồi ký của vị "Phật sống" xuất bản năm 2003 (NXB Văn học)

Bìa cuốn Hồi ký của vị "Phật sống" xuất bản năm 2003 (NXB Văn học)

Khi đã tròn 103 tuổi (2003), cụ Lưu Công Danh có kể cuộc đời mình cho tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân ghi chép để ra tập hồi ký "Phật sống" Lưu Công Danh. Tác giả bài này đã đọc hồi ký đó, nhưng không thấy nói về trận thượng đài với võ sĩ Campuchia Lý Nút. Có thể cụ đã ngoài trăm tuổi nên quên hoặc vì lý do khác... Chúng tôi nhắc lại trận so găng này (ngày 30/4/1998 đã đăng trên Đặc san CATP và cụ cùng con cháu đã đọc) để hiểu thêm về cuộc đời gian truân, anh hùng, hào hiệp, nhân ái của vị "Phật sống"! 5 năm sau khi Báo CATP đăng loạt bài về cụ Lưu Công Danh, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã cho ghi chép và xuất bản hồi ký về cuộc đời của vị "Phật sống" theo cách mạng (NXB Văn học - 2003), trước khi cụ tạ thế, với lời giới thiệu rất trân trọng:

"TẤM GƯƠNG CỤ LƯU CÔNG DANH (1900 - 2003)

Ở Kiên Giang có một con người mà cuộc đời luôn có những thăng trầm, biến đổi, từ đi tìm kế sinh nhai, qua nhiều nước, tới việc tu hành thành Phật, trở về, tham gia kháng chiến, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là cụ Lưu Công Danh, được nhân dân gọi bằng cái tên trìu mến: "Ông Phật sống đi làm cách mạng". Chuyện về ông như một huyền thoại nhưng rất thật, được người đời mến mộ.

Năm 2003 này, cụ Lưu Công Danh tròn 103 tuổi. Cụ đã sống, lao động, phấn đấu hơn một thế kỷ. Cụ là người có tinh thần yêu nước thương dân nồng nàn, ghét cay ghét đắng mọi áp bức bất công. Hơn một thế kỷ qua, cụ đã đi qua nhiều nước trên thế giới, chịu biết bao gian khổ, trong đó phần lớn thời gian dành cho tu Phật, cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang và cho nghề Y cao quý.

Cuộc đời và tấm lòng của cụ Lưu Công Danh thật cao quý, đáng để cho mọi người học tập, noi theo. Vì thế, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên giang chủ trương viết và xuất bản quyển hồi ký ghi lại chuyện cuộc đời cụ. Đây có thể xem như một tác phẩm văn học bởi sức hấp dẫn của các sự kiện và bởi tính trung thực cao khi ghi chép lại cuộc đời cụ, một nhân vật có thật nhưng quá đặc biệt cả về cuộc sống, sự nghiệp lẫn tính cách.

Cuốn hồi ký "Phật sống" Lưu Công Danh có thể còn chưa thật đầy đủ do được thực hiện trong lúc tuổi của cụ Lưu Công Danh đã rất cao, sức khỏe đã giảm sút. Tuy nhiên, với tấm lòng trân trọng đối với một con người đã có nhiều cống hiến cho đời, cho sự nghiệp cách mạng, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xin trân trọng giới thiệu với đồng chí, đồng bào trong ngoài tỉnh, với bạn đọc gần xa tập sách quý này!

Thị xã Rạch Giá, Kiên Giang, ngày 01/01/2003

Trương Quốc Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy Kiên Giang"

(Còn tiếp...)

LẠI VĂN LONG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/ky-1-tu-cuoc-doi-lang-bat-hai-ho_156095.html