Kỳ 2: Cần thêm những trợ lực để công nhân được sống an toàn

Trong quá trình phát triển đất nước, các đô thị lớn phát triển khu công nghiệp thì người lao động di cư tự nhiên từ nông thôn ra thành thị để tìm việc làm, tăng thu nhập là tất yếu. Sống trong những nhà trọ chật hẹp, cả người lao động và chủ trọ đều mong muốn sớm được hoàn thiện chính sách quản lý, chính sách với nhà đầu tư, với người lao động thu nhập thấp (cho vay, trả góp…). Chính sách gắn với pháp chế - công khai - minh bạch - sự tham gia (tham gia xây dựng và kiểm tra giám sát của chủ đầu tư, người mua nhà, Nhà nước, khuyến khích sự tham gia của tổ chức xã hội).

Nhiều rào cản để tư nhân hóa đầu tư nhà trọ công nhân

Thực tế cho thấy, tình trạng công nhân lao động ở những phòng trọ “xập xệ”, nhỏ như hộp diêm tù túng không phải là hiếm. Với thu nhập hạn hẹp, đó là sự lựa chọn tối ưu với công nhân nhiều năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng đó cũng có phần của chính chủ những nhà trọ khi quan tâm đến lợi nhuận nhiều hơn là đầu tư vào cơ sở hạ tầng của mình. Thế nhưng, khi tìm hiểu, nhiều chủ trọ muốn đầu tư xây dựng những dãy trọ khang trang, sạch đẹp, đảm bảo các yêu cầu về an toàn tuy nhiên họ cũng gặp nhiều “rào cản”.

Dãy nhà trọ ở thôn Bầu, xã Kim Chung được đầu tư xây dựng 3 tầng tuy nhiên diện tích phòng, không gian vui chơi nhỏ.

Dãy nhà trọ ở thôn Bầu, xã Kim Chung được đầu tư xây dựng 3 tầng tuy nhiên diện tích phòng, không gian vui chơi nhỏ.

“Đầu tư thì nhiều nhưng không biết bao giờ mới hoàn được vốn”, ông Lê Xuân Thập (thôn Bầu, xã Kim Chung) nói như vậy khi giới thiệu về dãy phòng trọ có diện tích 175m2.

Ông Thập cho biết, khu nhà trọ này được gia đình ông xây dựng từ cuối năm 2019 với số tiền đầu tư là 3 tỉ đồng. Tháng 5/2020, công trình hoàn thiện và bắt đầu đón công nhân lao động thuê. Với 14 phòng khép kín diện tích khoảng gần 20m2/phòng, ông Thập thu mỗi phòng 1,8 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước. Khu trọ được bố trí sân tầng 1 để xe, các tầng có ban công dùng chung; tầng trên cùng có chống nóng và có thể vui chơi.

“Khu trọ của tôi được xem là khu tương đối “cao cấp” hơn những phòng trọ khác bởi cơ sở vật chất mới hơn, hiện đại hơn. Nhưng nhẩm tính, với mức đầu tư và số tiền cho thuê như vậy, phải đến vài năm gia đình tôi mới thu hồi vốn”, ông Thập nói.

Ông Thập chia sẻ thêm, để có khu trọ này, gia đình ông có một khoản vốn sẵn có. Sau đó ông vay thêm người thân, bạn bè. Mặc dù không phải chịu lãi nhưng ông không dám đầu tư thêm dãy trọ nào để cho thuê. Điều ông mong muốn nhất là tiếp cận được nguồn vốn chính sách để sau khu trọ xuống cấp có thể cải tạo, sữa chữa, đảm bảo an toàn cho các phòng.

Không chỉ riêng ông Thập, tại thôn Bầu, các hộ dân đầu tư xây nhà cho thuê chủ yếu từ nguồn vốn cá nhân tích lũy, bán đất hoặc một số hộ được đền bù đất nông nghiệp, chính quyền tạo điều kiện hết sức. Hiện trong thôn vẫn còn nhiều nhà cấp 4 cho thuê trong tình trạng lụp xụp vì không có điều kiện kinh tế để đầu tư, hay đất chờ tách thửa cho con cái, hoặc gia đình chuẩn bị xây nhà nên không đầu tư nữa. Để đảm bảo sức khỏe tốt hơn cho công nhân, người lao động các cấp chính quyền xã, thôn đã tuyên truyền, khuyến khích, vận động chủ nhà thay tấm lợp fibroximăng bằng lợp tôn, làm hệ thống bơm nước trên mái để làm mát nhà vào những ngày hè nóng bức.

Nhiều chủ nhà trọ muốn nâng cấp, cải tạo dãy trọ khang trang hơn tuy nhiên họ cho biết, họ gặp khó khăn về vốn nên chưa thể cải tạo.

Nhiều chủ nhà trọ muốn nâng cấp, cải tạo dãy trọ khang trang hơn tuy nhiên họ cho biết, họ gặp khó khăn về vốn nên chưa thể cải tạo.

Là một trong những chủ trọ tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), ông Đỗ Mạnh Khơi cũng bày tỏ băn khoăn khi 5 phòng trọ của gia đình xây dựng từ năm 2010 đến nay cũng đã xuống cấp, ông rất muốn cải tạo, xây mới, đầu tư các phòng trọ khép kín, đảm bảo các tiêu chí an toàn cho dãy trọ nhưng do hiện tại ông đang thiếu nguồn vốn nên chưa đủ khả năng xây dựng lại.

“Xã Phú Nghĩa tập trung rất đông công nhân lao động thuê trọ, nhu cầu nhà trọ ở đây rất lớn. Chúng tôi rất mong muốn, Chính phủ, các bộ ngành liên quan tiếp tục cụ thể hóa, triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đã được quy định tại Luật Nhà ở, nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở cho công nhân thuê, đồng thời chú trọng triển khai cơ chế vay ưu đãi cho các hộ gia đình đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân”, ông Khơi bộc bạch.

Đa dạng hóa biện pháp nâng cao chất lượng sống

Việc thiếu chỗ ở tốt với công nhân dần trở thành chuyện “thường tình” ở các khu công nghiệp. Đi kèm với đó là những thiết chế văn hóa dường như đã trở thành xa xỉ. Công nhân lao động đều mong muốn sau những giờ làm việc được quay trở về những căn phòng trọ mà ở đó có môi trường sống an toàn, lành mạnh. Đặc thù của công nhân lao động là thường xuyên phải làm việc theo ca, kíp, việc đi lại của công nhân diễn ra cả ngày lẫn đêm, số công nhân tạm trú thuê trọ thường xuyên không cố định lâu dài gây khó khăn trong công tác quản lý. Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự trong các thôn nơi có công nhân thuê trọ có chiều hướng ngày càng phức tạp.

Để góp phần hạn chế xảy ra các vụ lộn xộn, gây mất trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho công nhân tại các khu nhà trọ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Thành phố đã tích cực vào cuộc. Điển hình, từ năm 2010, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã thí điểm xây dựng mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân tại xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn.

Việc thiếu chỗ ở tốt với công nhân dần trở thành chuyện “thường tình” ở các khu công nghiệp.

Việc thiếu chỗ ở tốt với công nhân dần trở thành chuyện “thường tình” ở các khu công nghiệp.

Đến năm 2012, LĐLĐ Thành phố phối hợp với Công an Thành phố triển khai nhân rộng Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân, đến nay, toàn Thành phố đã xây dựng được 92 Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân với hơn 20.000 công nhân tham gia. 100% các Tổ tự quản đã xây dựng được “Quy ước tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”, nhiều Tổ tự quản xây dựng được lịch sinh hoạt tổ hàng tháng, quý.

Các Tổ tự quản đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở, góp phần trong công tác phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy…

Ông Hà Quang Kính, chủ nhà trọ, Tổ trưởng Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân trên địa bàn xã Kim Chung cho biết, hiện tại khu nhà trọ có 28 phòng trọ với khoảng 40 công nhân lao động thuê trọ; có nội quy riêng với những quy định cụ thể về việc đăng ký tạm trú tạm vắng, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy…

“Công nhân lao động đi làm rất vất vả, vì vậy tôi luôn muốn tạo một môi trường sống an toàn, lành mạnh cho những người thuê trọ. Tại khu nhà trọ, tôi đã bố trí 2 bàn bóng bàn để công nhân có điều kiện giao lưu, giải trí, rèn luyện sức khỏe; vào ngày sinh nhật của người thuê trọ hoặc dịp cuối năm, tại khu trọ thường tổ chức ăn liên hoan để tạo không khí vui tươi, gắn kết; người thuê trọ cũng thường xuyên được tuyên truyền về kiến thức pháp luật, cách nhận biết và phòng tránh những thủ đoạn lừa đảo của các loại tội phạm…”, ông Kính chia sẻ.

Ở khu nhà trọ có Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, công nhân thuê trọ thường xuyên được tuyên truyền, tư vấn pháp luật với những nội dung như pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế; các chủ trương, chính sách có liên quan trực tiếp đến công nhân lao động; được tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao…

Công nhân lao động luôn mong muốn được tiếp cận mua, thuê những căn nhà đảm bảo các điều kiện an toàn.

Công nhân lao động luôn mong muốn được tiếp cận mua, thuê những căn nhà đảm bảo các điều kiện an toàn.

Ở cấp quận, huyện, LĐLĐ các quận, huyện đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an huyện, xã tổ chức tuyên truyền phát động xây dựng phong trào “toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phát động phong trào công nhân lao động tham gia phát hiện và tố giác tội phạm, thông báo tình hình hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn… Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự tại khu trọ luôn được đảm bảo, vì thế, mọi người trong khu trọ đều cảm thấy rất yên tâm.

Chị Nguyễn Thị Hoa (quê Phú Thọ), đang thuê trọ tại một khu nhà trọ có “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” trên địa bàn xã Kim Chung chia sẻ: “Trước đây, khi hai vợ chồng mới đến làm việc tại khu công nghiệp cũng đã chuyển một vài chỗ trọ vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng từ khi chuyển đến đây, thấy khu nhà trọ có Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân nên cảm giác rất an toàn, chủ nhà trọ cũng rất nhiệt tình, trách nhiệm và thân thiện nên vợ chồng tôi đã quyết định ở lâu dài”.

Những nỗ lực của các cá nhân, đơn vị là rất đáng ghi nhận để công nhân lao động có chỗ an cư đàng hoàng. Tuy nhiên để có được nhà ở đảm bảo an toàn, chất lượng cho người sử dụng thì cần một chiến lược dài hơi trong phát triển nhà ở, từ khâu quy hoạch, cấp phép, quản lý... Chính vì vậy, Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 -2030” chính là niềm mong chờ của đông đảo công nhân lao động.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Hoàn thiện pháp lý, huy động mọi nguồn lực phát triển nhà ở công nhân

Nguyễn Hoa - Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-2-can-them-nhung-tro-luc-de-cong-nhan-duoc-song-an-toan-163511.html