Kỳ 3: Hà Nội cần nỗ lực bảo vệ danh hiệu Thành phố sáng tạo

Theo TS Nguyễn Văn Hoạt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Hà Nội nên xác định rõ danh hiệu Thành phố sáng tạo không phải được trao tặng vĩnh viễn, mà để bảo vệ được thương hiệu này, TP sẽ phải thực hiện những cam kết của mình như đã thể hiện trong hồ sơ đăng ký như những thành phố thành viên khác.

15 năm mở rộng địa giới hành chính: Hà Nội phấn đấu trở thành TP sáng tạo tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới

Một tiết mục biểu diễn tại Khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Ảnh: Khánh Huy

Một tiết mục biểu diễn tại Khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Ảnh: Khánh Huy

Xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội chưa được như kỳ vọng

TS Nguyễn Văn Hoạt cho rằng việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội chưa được như kỳ vọng. Hầu hết sản phẩm sáng tạo của Hà Nội còn thiếu sự độc đáo, thiếu tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa.

Bên cạnh đó, TP chưa có Trung tâm sáng tạo, chưa có megashow. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa ở Hà Nội mới chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, chưa có các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng.

So với các thành phố sáng tạo khác có nền công nghiệp văn hóa phát triển trên thế giới, các hoạt động sáng tạo đang diễn ra ở Hà Nội có khoảng cách khá xa. Có những lĩnh vực thiếu vắng vai trò quản lý Nhà nước.

Theo kế hoạch, chỉ còn hơn 1 năm nữa, Hà Nội sẽ phải hoàn thành cam kết với UNESCO như trong Hồ sơ khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, song đến nay, nhiều nội dung vẫn chưa được triển khai như: kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; Tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo, diễn đàn mạng lưới thành phố sáng tạo Đông Nam Á, mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ,…

TS Nguyễn Văn Hoạt cho rằng nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Tháng 10/2019, Hà Nội mới gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo, đầu năm 2020 tình hình đại dịch COVID-19 bắt đầu có diễn biến phức tạp, nhiều kế hoạch, chương trình tổ chức các hoạt động đã bị hoãn lại.

Môi trường thể chế dù đã có nhiều thay đổi, song vẫn chưa tạo được sự đột phá, chưa có khả năng giải phóng sức sáng tạo, thúc đẩy đa dạng các biểu đạt văn hóa dựa trên sự kết nối nguồn tài nguyên văn hóa với khoa học - công nghệ; chưa có những chính sách hiệu quả nhằm huy động nguồn đầu tư thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa cũng như phát triển thành phố sáng tạo.

Số lượng các dự án liên quan đến thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hóa còn ít, chưa đủ sức thâm nhập và tác động sâu rộng tới nhận thức của những người tham gia vào hoạt động quản lý, sản xuất và dịch vụ văn hóa, cũng như với toàn xã hội. Chưa kể, hầu hết cộng đồng người dân TP còn mơ hồ với khái niệm Thành phố sáng tạo.

Hà Nội chọn thiết kế - một khái niệm bao trùm nhiều lĩnh vực công nghiệp văn hóa

Tại buổi tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp”, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo cho rằng: Đã 2 năm, nhưng danh hiệu Thành phố sáng tạo mới chỉ được những người liên quan, nằm trong hệ thống chính quyền và các cơ quan tham gia vào tiến trình vận động quan tâm…

Tiến hành khảo sát trên mạng xã hội Facebook, với 471 người tham gia, có đến 67,9% chưa biết Hà Nội đã được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo, trong đó 14,6% trả lời chưa biết Thành phố sáng tạo là gì.

Trong 7 lĩnh vực được xác định để UNESCO xét ghi danh trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, gồm: thủ công và nghệ thuật truyền thống, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông và âm nhạc, Hà Nội chọn thiết kế - một khái niệm bao trùm nhiều lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Theo ông Lê Quốc Vinh, nếu lựa chọn giá trị dẫn dắt hay ý tưởng trung tâm của Thành phố sáng tạo Hà Nội là thiết kế thì phải làm cho giá trị đó in đậm trong tâm trí, nhận thức của các đối tượng liên quan, thông qua việc dẫn dắt họ trải nghiệm những hoạt động mang tính thiết kế sáng tạo của Hà Nội.

Ông Vinh cho rằng, đối tượng chính là những người đang sinh sống tại Hà Nội, bạn hàng, đối tác, khách du lịch trong và ngoài nước, những người mà chúng ta muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Thủ đô, mua bán, nhập khẩu các sản phẩm sáng tạo sản xuất từ nơi đây, hấp dẫn họ đến học tập và tham gia vào hoạt động kinh tế sáng tạo, hoặc ít nhất cũng chọn Hà Nội để đến du lịch, tham quan, tìm hiểu chất văn hóa sáng tạo của con người vùng đất này.

Nội dung thực hiện các sáng kiến, chương trình của Hà Nội khi tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO: Trong Mục 11.1. Hồ sơ ứng cử “Thành phố sáng tạo”, Hà Nội đề ra 3 sáng kiến, chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh vai trò của văn hóa và sáng tạo trong phát triển bền vững của TP và 3 sáng kiến, chương trình Hà Nội đề ra thực hiện ở cấp độ quốc tế.

Theo quy định, khi trở thành thành viên, Hà Nội cần phải thực hiện các nội dung này và báo cáo về việc đã thực hiện kế hoạch trong Báo cáo giám sát thành viên bắt buộc bốn năm/1lần. Hà Nội cũng nên xác định rõ danh hiệu này không phải được trao tặng vĩnh viễn, mà để bảo vệ được thương hiệu này, Hà Nội sẽ phải thực hiện những cam kết của mình như đã thể hiện trong Hồ sơ đăng ký như những thành phố thành viên khác.

(Còn nữa)

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-3-ha-noi-can-no-luc-bao-ve-danh-hieu-thanh-pho-sang-tao-363420.html