Kỳ thi lớp 10 THPT: Cần có 'van giảm áp'

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến kỳ thi vào lớp 10 THPT, để giành được một 'suất' vào trường công lập, học sinh cuối cấp đang phải 'chạy đua' cho việc ôn luyện.

Năm học 2024-2025, số lượng học sinh thi vào lớp 10 THPT trên cả nước khoảng 135 nghìn em, nhiều hơn năm ngoái khoảng 5 nghìn học sinh. Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến kỳ thi, để giành được một "suất" vào lớp 10 công lập, học sinh cuối cấp lúc này đang phải "chạy đua" cho việc ôn luyện. Cô Trần Hằng, giáo viên trường THCS Thăng Long, Hà Nội chia sẻ.

"Rất lo, bởi cứ bình quân 2 học sinh đi thi thì chỉ có một học sinh đạt được nguyện vọng. Số còn lại, các con sẽ phải học những trường ngoài công lập, các trường bán công, các trường đào tạo nghề hay trung tâm giáo dục thường xuyên.

Áp lực có khi học sinh tự tạo ra cho mình, bởi có những bạn ngay từ đầu năm đã đưa ra mục tiêu cho riêng mình và cứ phải phấn đấu; áp lực có thể đến từ việc bố mẹ kỳ vọng, giao nhiệm vụ và đưa ra mục tiêu hơi cao so với năng lực của con mình. Cho nên, dễ thấy hình ảnh là các con học xong trên lớp là chiều lại đi học thêm, ăn vội rồi lại phải đi học... Nhìn những hình ảnh đó rất tội, rất thương".

Chị My, phụ huynh có con sắp thi vào lớp 10 THPT cho biết.

"Gia đình cảm thấy áp lực, các con cảm thấy áp lực. Làm thế nào để bố mẹ cân bằng giữa công việc của mình cũng như thời gian đưa đón, chăm sóc con để con có sức khỏe tinh thần và thể chất, tiếp tục với kỳ thi một cách tốt nhất.

Thứ hai là bố mẹ lúc nào cũng sát sao với những kết quả của con trên lớp, sát sao với kết quả trong những kỳ thi khảo sát để có thể tư vấn đồng hành với con đăng ký nguyện vọng một cách chính xác nhất, tránh những nguyện vọng cao quá không với tới được sẽ gây ra sự sang chấn về tâm lý cho con.

Cái nữa, đó là theo dõi trên các kênh thông tin chính thức để xem và biết là ở trường này thì có tiêu chí để đăng ký xét tuyển như thế nào và mục đích để tư vấn cho con đăng ký nguyện vọng chuẩn xác nhất".

Sự quan tâm và đồng hành của gia đình trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng, giúp các sĩ tử giải tỏa áp lực. Cha mẹ cần phải là một người quan sát tốt, nên thường xuyên trò chuyện để thấu hiểu con suy nghĩ gì, cảm xúc ra sao, đang gặp khó khăn gì trong việc học tập... rồi cùng con tháo gỡ hoặc khuyến khích con tự tìm ra giải pháp cho chính mình; chuyên gia tâm lý Trang Hạ đưa ra lời khuyên.

"Hãy cố gắng biến nó trở thành một trải nghiệm quan trọng trong cuộc sống, đó không phải là thắng thua, không phải học giỏi học kém, không phải là thi trượt thi đỗ mà tất cả những gì chúng ta có nó là của cải, tài sản để chúng ta đi tới tương lai. Nghĩ được thế, bố mẹ sẽ đỡ cảm giác áy náy và các con chắc sẽ đỡ áp lực trong "cuộc đua" sắp tới".

Cũng theo chuyên gia, để giảm tải áp lực mùa thi, các sĩ tử nên phân bổ thời gian học tập hợp lý, không nên thức quá khuya ôn bài, ngủ phải đủ giấc để đầu óc được tập trung, học tập được hiệu quả. Đồng thời, nên duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tham gia các hoạt động thể chất nhẹ để duy trì sức khỏe, và quan trọng nhất là phải chuẩn bị hành trang tâm lý thật thoải mái, "thắng không kiêu, bại không nản", sẵn sàng "vượt vũ môn".

Thái Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/ky-thi-lop-10-thpt-can-co-van-giam-ap-102240507091600448.htm