Kỳ vọng dòng vốn FDI năm 2023

Năm 2022 các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh thu hút được 623,8 triệu USD vốn FDI, tuy nhiên con số này không đạt như kỳ vọng. Năm 2023 để đạt mục tiêu phấn đấu thu hút hơn 1 tỷ USD, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, cải cách TTHC, xúc tiến, hỗ trợ đầu tư đối với các đối tác, thị trường tiềm năng.

Công ty TNHH Indochina Kajima (Liên doanh Indochina Capital và Tập đoàn Kajima - Nhật Bản) khởi công Dự án Core5 Quảng Ninh tại KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên), tháng 3-2023. Ảnh: Thanh Tùng

Công ty TNHH Indochina Kajima (Liên doanh Indochina Capital và Tập đoàn Kajima - Nhật Bản) khởi công Dự án Core5 Quảng Ninh tại KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên), tháng 3-2023. Ảnh: Thanh Tùng

Thời gian qua, tỉnh luôn xác định thu hút FDI là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Thu hút được dòng vốn FDI chất lượng sẽ giúp Quảng Ninh nhanh chóng mở rộng và tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng năng lực sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm mới cho người lao động. Đồng thời tạo thuận lợi để gắn kết nền kinh tế trong nước với hệ thống sản xuất, phân phối, trao đổi quốc tế, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế...

Từ quan điểm đó, tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư và không ngừng gia tăng lợi thế tại các KKT, KCN trên địa bàn. Theo thống kê của Ban Quản lý KKT tỉnh, 100% các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã đầu tư tốt hạ tầng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Tổng diện tích đất đã GPMB tại các KCN là 2.386,87ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 60,43%. Diện tích đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê khoảng 592ha...

Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Để thuyết phục các nhà đầu tư lớn, Quảng Ninh đã xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023. Trong đó tập trung nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng hình ảnh, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; hỗ trợ hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư... Bên cạnh đó, xây dựng Bộ tiêu chí thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện tài liệu xúc tiến đầu tư số gồm: Bản đồ KKT, KCN, quy hoạch sử dụng đất; bản đồ số... Tỉnh đang tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới, nâng cao hoạt động xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh cải cách TTHC... Đồng thời, ưu tiên tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ... bám sát định hướng không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị.

Theo đó, danh mục dự án FDI dự kiến thu hút vào các KCN năm 2023 của tỉnh gồm 18 dự án: 16 dự án đầu tư mới, 2 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng nguồn vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD, tăng trên 10% so với kịch bản tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh năm 2023 đã đề ra. Trong đó, tại TX Quảng Yên, KCN Bắc Tiền Phong thu hút 4 dự án; KCN Sông Khoai thu hút 6 dự án; KCN Đông Mai thu hút 3 dự án, tất cả đều là các dự án mới. KCN Hải Yên (TP Móng Cái) dự kiến thu hút 1 dự án mới; KCN Cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà) dự kiến thu hút 2 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án. Các dự án dự kiến thu hút đầu tư tại các KCN Bắc Tiền Phong, Đông Mai, Hải Yên cơ bản đủ điều kiện thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các dự án còn lại gặp một số khó khăn liên quan đến công tác GPMB, thiếu nguồn vật liệu san lấp mặt bằng đầu tư hạ tầng kỹ thuật... đang được các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương tháo gỡ.

Các doanh nghiệp logistics trong nước khảo sát tại TP Móng Cái, ngày 3-3-2023. Ảnh: Mạnh Trường

Các doanh nghiệp logistics trong nước khảo sát tại TP Móng Cái, ngày 3-3-2023. Ảnh: Mạnh Trường

Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh liên tục tổ chức các buổi tiếp, làm việc với các nhà đầu tư quốc tế đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong đó không ít nhà đầu tư đã thông tin kế hoạch đầu tư vào Quảng Ninh với số vốn hàng trăm triệu USD. Theo ông Nobuaki Jinnouchi - CEO Tập đoàn Yaskawa Electric (Nhật Bản), trong kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam, Yaskawa Electric đang dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy trên diện tích khoảng 12ha tại KCN Sông Khoai, tỉnh Quảng Ninh, tổng vốn đầu tư gần 100 triệu USD. Nhà đầu tư đang phối hợp với Tập đoàn Amata triển khai các thủ tục đăng ký đầu tư, dự kiến xây dựng nhà máy vào tháng 6/2023.

Từ đầu năm đến nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh đạt gần 494 triệu USD, bằng 40,9% kế hoạch thu hút FDI cả năm 2023. Đây là tín hiệu tích cực trong hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Đồng thời tiếp tục khẳng định Quảng Ninh là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mới đây nhất, ngày29/3/2023, Ban Quản lý KKT tỉnh đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 80 triệu USD, là: Dự án sản xuất vành xe bằng hợp kim luyện nhẹ thông minh tại KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên), vốn đầu tư 55 triệu USD, chủ đầu tư là Công ty TNHH Xiamen Sunrise Group; Dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam 2 tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), vốn đầu tư 15 triệu USD, chủ đầu tư là Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam; Dự án sản xuất dây đai an toàn ô tô tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), vốn đầu tư trên 10 triệu USD, chủ đầu tư là Công ty TNHH Samsong Vina. Đây đều là các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Các dự án hoàn thành sẽ góp phần gia tăng năng lực sản xuất của lĩnh vực này, đồng thời, từng bước hình thành các chuỗi sản xuất đồng bộ với giá trị gia tăng cao.

Hoài Anh (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/143268/ky-vong-dong-von-fdi-nam-2023