Lãi cao vẫn 'ăn mòn' lợi nhuận doanh nghiệp

Dù lãi suất đã 'dễ thở' hơn. Tuy nhiên, để hoạt động sản xuất, kinh doanh sinh lời với mức lãi suất hiện tại vẫn là một bài toán khó với DN, nhất là trong bối cảnh mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm hiện nay.

Để hoạt động sản xuất, kinh doanh sinh lời với lãi suất hiện tại vẫn là một bài toán khó với doanh nghiệp. Ảnh: Hải Linh

Để hoạt động sản xuất, kinh doanh sinh lời với lãi suất hiện tại vẫn là một bài toán khó với doanh nghiệp. Ảnh: Hải Linh

Ngoài ra, thủ tục giải ngân rườm rà, quá trình xét duyệt tín dụng kéo dài, tài sản bảo đảm bị định giá thấp… vẫn là những “ổ gà, ổ vịt” khiến đường tiếp cận vốn ngân hàng của DN thêm gập ghềnh.

Lãi cao, quy trình giải ngân tín dụng quá dài

Tại các Hội nghị kết nối ngân hàng - DN ở nhiều tỉnh như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội…. tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, mức lãi suất cho vay DN tiếp cận được vẫn cao, nhất là các khoản vay cũ, “ăn” vào chi phí của DN, khiến DN không có lãi.

Đại diện Công ty Nam Thắng (Bắc Ninh) cho biết, thời điểm cuối năm luôn là nỗi thấp thỏm của DN, vì lúc này, DN khát vốn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, mùa vụ cuối năm thường khó khăn trong tiếp cận tín dụng do ngân hàng thường có chủ trương siết hạn mức tín dụng (room). “DN đề xuất cuối năm không nên hạn chế room để hỗ trợ DN. Ngoài ra, cần phải cải cách thủ tục hành chính, tăng vay tín chấp, tăng bảo lãnh. Về lãi suất, tính trên tỷ suất sinh lời thì lãi suất như hiện nay khiến DN khó có lãi. Vì vậy, mong muốn là được giảm lãi suất để DN có thể cân đối tài chính”- đại diện DN này kiến nghị.

Với khối DN sản xuất, dù lãi suất cho vay của các ngân hàng đã "dễ thở" hơn, tuy nhiên, cân đối tài chính để sinh lời trên mức lãi hiện tại vẫn là một bài toán khó.

Còn khối DN bất động sản, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho hay, hiện nay, các DN bất động sản chưa tiếp cận được lãi suất thấp, nhất là với các khoản vay cũ. Ngân hàng thương mại hạn chế room tín dụng và có xu hướng ưu tiên lựa chọn khách hàng chấp nhận lãi suất cao.

Tương tự, Chủ tịch GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp thừa nhận, lãi suất cho vay tại công ty này đã giảm từ mức 10,5%/năm tháng 6/2023 xuống 9,5%/năm, song lãi vay vẫn đang ở mức cao. Ông Hiệp đề nghị ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay, nhất là trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm đã giảm sâu.

Ngoài lãi suất, thời gian thẩm định, giải ngân vốn quá dài cũng khiến DN rất sốt ruột. Theo ông Hiệp, Chủ tịch GP.Invest, quy trình này tại các ngân hàng thương mại sau khi giảm vẫn từ 2 - 3 tháng. “Nên rút gọn trong vòng 1 tháng, đồng thời, đơn giản hồ sơ vay vốn” - ông Hiệp đề xuất.

Hiện thủ tục, hồ sơ vay vốn ngân hàng vẫn rườm rà. Các ngân hàng yêu cầu DN cung cấp rất nhiều giấy phép con trong hồ sơ vay vốn. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng không cho DN vay tiền để chi giải phóng mặt bằng, trong khi chi phí này của DN chiếm rất lớn.

Chủ tịch Hiệp hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội Lê Vĩnh Sơn đề nghị các ngân hàng xem xét cắt giảm thủ tục hành chính để DN tiếp cận vốn với thời gian ngắn hơn. "Với một khoản vay vốn ngắn hạn thông thường, thời gian xem xét phê duyệt từ 1 - 3 tháng, khoản vay trung và dài hạn trung bình duyệt trong vòng 3 tháng, thậm chí có những khoản vay lên đến 6 tháng" - ông Sơn nêu thực trạng.

Một rào cản nữa trên hành trình tiếp cận tín dụng ngân hàng của DN là tài sản thế chấp. Giám đốc Công ty TNHH JFT Việt Nam Huỳnh Thị Ngọc Trâm chia sẻ, là DN chuyên sản xuất và cung ứng hoa cho thị trường Nhật Bản, khó khăn lớn nhất với DN vừa và nhỏ trên địa bàn Lâm Đồng là do khả năng tài chính, khả năng trả nợ thấp. Ngoài ra, DN sản xuất hoa công nghệ cao, giá trị tài sản trên đất rất lớn (nhà kính) song lại chưa được ngân hàng tính làm tài sản thế chấp. Bà Trâm đề nghị, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn về ghi nhận tài sản trên đất để DN tăng khả năng tiếp cận vốn.

Về phía DN bất động sản, nhiều DN phản ánh, hiện nay tài sản bảo đảm của DN đang thấp hơn giá trị thị trường do thị trường bất động sản đóng băng, không có nhiều giá tham chiếu. Các ngân hàng cũng chỉ chấp nhận tài sản thế chấp là bất động sản, không nhận trái phiếu, cổ phiếu, máy móc thiết bị.

Cách nào giải bài toán “vốn treo, doanh nghiệp nhịn”?

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, chuyện DN than thiếu vốn, khó tiếp cận vốn rẻ, ngân hàng lại kêu ế vốn phải đỏ mắt tìm DN không phải là chuyện mới.

Để rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt, gắn hiệu quả hoạt động của nhân viên (KPI) bao gồm thời gian phê duyệt của từng bộ phận chuyên môn, đạt mục tiêu trong vòng 1 tháng với tất cả các khoản vay.
Chủ tịch Hiệp hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội Lê Vĩnh Sơn

Giải quyết tình trạng này không phải bằng vấn đề cơ chế, mà là bài toán của thị trường. Ngân hàng thắt điều kiện vay quá chặt, DN không thể tiếp cận vốn thì buộc phải xem xét, song nếu ngân hàng cho vay ào ào”, cho vay dễ dãi cũng sẽ nảy sinh ra nhiều hệ lụy. “Việc một số ngân hàng bị rơi vào tình trạng giám sát đặc biệt thời gian qua chính là bài học cho thấy luôn phải nâng cao công tác quản trị rủi ro trong quá trình cho vay” - ông Tú cho hay.

Liên quan đến vấn đề lãi suất, lãnh đạo các ngân hàng lớn đều cho rằng lãi suất cho vay đã giảm khá sâu. Đơn cử, tại BIDV, năm 2023, ngân hàng đã có 10 lần giảm lãi suất huy động và cho vay, lãi suất cho vay giảm trên 20% so với trước. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ quanh
6 - 6,5%, trung dài hạn 8 – 9%. BIDV đã giảm thu nhập 4.300 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay với khách hàng.

“Lãi suất cho vay trung dài hạn tại BIDV sẽ đánh giá lại 3 – 6 tháng một lần, bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ, thì với mặt bằng lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng sẽ giảm, nên gần như không còn các khoản vay lãi suất cao” – Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm thông tin.

Đại diện các ngân hàng thương mại cho rằng, chính ngân hàng cũng đang loay hoay với túi “tiền ế”, mong muốn được đẩy tiền ra nền kinh tế song nhiều DN đang co cụm lại, thậm chí thu hẹp kinh doanh, nhu cầu vay vốn không có. DN khó khăn, tiềm ẩn rủi ro cho cả ngân hàng và DN.

Để gỡ được vốn, một mình ngân hàng không thể giải quyết được, mà cần sự vào cuộc từ cả 3 bên: ngân hàng, DN và các cơ quan chức năng. “Gỡ khó cho DN và ngân hàng, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển thị trường vốn, bảo đảm là kênh dẫn vốn trung dài hạn của nền kinh tế, giảm bớt áp lực cho hệ thống ngân hàng. Chính phủ nghiên cứu các biện pháp gia tăng hiệu quả của bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, nhằm chia sẻ rủi ro với hệ thống ngân hàng. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường trợ giúp DN mở rộng thị trường….” - đại diện một ngân hàng đề xuất.

Mặt khác, DN cũng phải thực hiện các biện pháp tái cấu trúc, cắt giảm các mảng hoạt động chưa hiệu quả, bảo đảm tài chính, phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của DN. Ngoài ra, phải tăng cường mở rộng, tìm kiếm các đối tác đầu ra, nhà phân phối để nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hóa, giảm thiểu hàng tồn kho.

Mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã rất thấp. Với các khoản vay dài hạn, ngân hàng đang kinh doanh hòa vốn. MB đang cho vay mới với khách hàng cá nhân khoảng 7 - 8%/năm, cho vay tổ chức 8 - 9%/năm; trong khi lãi suất thế giới đang rất cao, ở Mỹ lên đến 10%/năm, mà đồng tiền của chúng ta so với đồng USD thì đang mất giá. Như vậy, kỳ vọng lãi suất thấp hơn nữa là rất khó.
Tổng Giám đốc MB Phạm Như Ánh

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lai-cao-van-an-mon-loi-nhuan-doanh-nghiep.html