Lãi suất cho vay giảm, vốn tín dụng vẫn khó hấp thụ
Mặc dù lãi suất cho vay của các ngân hàng tại Hà Tĩnh tiếp tục giảm, song nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân vẫn chậm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
BIDV Hà Tĩnh luôn hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Chi nhánh chủ động các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng. Đặc biệt, từ đầu năm lại nay, BIDV Hà Tĩnh thiết lập mặt bằng lãi suất cho vay thấp, song theo đánh giá, tín dụng tại ngân hàng vẫn tăng trưởng chậm.
Ông Trần Trọng Đức - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân II, BIDV Hà Tĩnh cho biết: "Từ đầu năm lại nay, BIDV đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Nếu như gói vay sản xuất - kinh doanh đầu năm có lãi suất 5,5%/năm thì nay giảm còn 4,8%/năm, gói vay tiêu dùng cá nhân từ 7,5%/năm thời điểm đầu năm thì nay còn 6,2%/năm. Lãi suất giảm khá sâu, những tháng đầu năm 2024, dư nợ của chi nhánh được cải thiện, song nhìn chung, mức tăng trưởng chưa như kỳ vọng. Theo đó, tổng dư nợ toàn chi nhánh hiện đạt gần 6.700 tỷ đồng".
"Nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm là do tình hình tài chính, căng thẳng địa chính trị thế giới đã ảnh hưởng đến trong nước. Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn, có không ít doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Ngoài ra, các doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu trên địa bàn ghi nhận lượng đơn hàng giảm, thậm chí có thời điểm không có đơn hàng buộc phải giảm quy mô hoạt động, cắt giảm lao động. Đối với tín dụng tiêu dùng, trong bối cảnh ảnh hưởng suy thoái kinh tế, thu nhập của người dân sụt giảm nên họ cắt giảm chi tiêu kéo theo tín dụng tiêu dùng khó tăng trưởng mạnh…" - ông Trần Trọng Đức phân tích.
Để sớm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng dư nợ 14% so với cuối năm 2023, BIDV Hà Tĩnh tiếp tục có các giải pháp giảm lãi suất cho vay với tất cả gói sản phẩm cho khách hàng cá nhân lẫn khách hàng doanh nghiệp. Ngoài ra, BIDV khuyến khích khách hàng ứng dụng vay vốn qua các phần mềm để vừa hưởng ưu đãi lãi suất, không mất phí trả nợ trước hạn cũng như tiết giảm thời gian của khách hàng. Cùng đó, BIDV tiếp tục đẩy mạnh giải ngân gói "tín dụng xanh" với lãi suất rẻ cho các đối tượng doanh nghiệp "nông nghiệp xanh", sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo sản phẩm OCOP...
Vietcombank Hà Tĩnh cũng đang nỗ lực tăng trưởng tín dụng bằng nhiều giải pháp như: công khai các thủ tục - quy trình vay vốn, đơn giản hóa thủ tục cho vay; nâng cao hiệu quả thẩm định để cho vay các khách hàng có phương án kinh doanh khả thi; giảm lãi suất cho vay ở mức thấp và ổn định trên thị trường. Ngoài ra, ngân hàng còn thiết kế các gói vay tiêu dùng mua ô tô, mua đất ở, mua nhà… với lãi suất ưu đãi nhằm kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, quý I/2024, nguồn vốn giải ngân tại “nhà băng” này vẫn kém.
Theo ông Dương Quốc Khánh – Trưởng phòng Doanh nghiệp, Vietcombank Hà Tĩnh, quý I/2024, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế thấp, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và nhu cầu vay tiêu dùng của người dân giảm... vì vậy, tín dụng đang giảm nhẹ so với đầu năm. Ngoài ra, thị trường bất động sản dù có những tín hiệu phục hồi, song vẫn chưa sôi động nên tín dụng bất động sản tăng chậm hơn các năm trước và tác động đến tăng trưởng chung. Tính đến ngày 14/3/2024, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt 14.980 tỷ đồng.
Ông Lê Hồng Phong - Giám đốc MSB Hà Tĩnh thông tin: "Tháng 1/2024, tín dụng của chi nhánh có sự tăng trưởng 7% do nhu cầu sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng gia tăng dịp tết Nguyên đán. Tuy vậy, từ tháng 2 trở đi, nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp giảm. Tính chung đến thời điểm này, dư nợ tín dụng của MSB Hà Tĩnh tăng trưởng khoảng 4% so với thời điểm cuối năm 2023 và mức tăng trưởng này chưa đáng kể so với kỳ vọng".
Ông Nguyễn Viết Sơn xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “2 năm qua, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá lợn hơi thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi "neo" ở mức cao. Trang trại chúng tôi nuôi lợn thương phẩm quy mô lớn theo hình thức tự chủ nên khi giá lợn hơi xuống thấp thì rất chật vật. Giá lợn hơi vẫn chưa được cải thiện, chúng tôi buộc phải giảm đàn nái từ 600 con xuống còn 300 con và tiến hành bán lợn giống chứ chưa dám nuôi thương phẩm, vậy nên chưa có nhu cầu vay thêm vốn ngân hàng”.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, tính đến đầu tháng 3/2024, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 96.625 tỷ đồng, chỉ tăng 0,6% so với thời điểm cuối năm 2023. Con số trên còn khiêm tốn so với định hướng tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh năm 2024 từ 14% trở lên so với cuối năm 2023.
Với mục tiêu đẩy vốn ra nền kinh tế, thời gian tới, ngoài các chính sách kích cầu tín dụng được “tung” ra thị trường, các tổ chức tín dụng tại Hà Tĩnh tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31 năm 2022 của Chính phủ, chính sách hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn theo Nghị quyết số 51 năm 2021 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Thông tư số 02 năm 2023 của NHNN Việt Nam về cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm, thủy sản…
Tuy nhiên, các “nhà băng” cũng đang trông chờ vào sự chung tay đồng hành với các giải pháp kích cầu tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn từ Chính phủ cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương và Hiệp Hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh với các giải pháp thiết thực hơn nữa. Từ đó mới có thể hy vọng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, dịch vụ gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm…