Lãi suất huy động bật tăng
Sau một năm lãi suất tiền gửi tiết kiệm 'giật lùi', gần đây các ngân hàng bắt đầu tăng trở lại. Động thái tăng lãi suất của nhiều ngân hàng đang là tâm điểm đáng chú ý trên thị trường tiền tệ.
Hiện nay đã có hơn 20 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong vòng một tháng qua. Bắt đầu từ 9/5, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa tiếp tục điều chỉnh lãi suất. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến mới nhất, kỳ hạn 1-6 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3%/năm, 3 tháng lên 3,3%/năm, 6 tháng là 4,2%/năm.
TPBank giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,9%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 18 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm, lên 5,3%/năm. Đáng chú ý, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 24 và 36 tháng lần lượt tăng 0,4 và 0,3 điểm phần trăm lên 5,6%/năm.
Trước đó ngày 26/4, TPBank tăng từ 0,1-0,3 điểm phần trăm lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn. Các ngân hàng tăng lãi suất còn kể đến như Á Châu (ACB): điều chỉnh tăng lãi suất huy động trực tuyến, với mức mức tăng khoảng 0,2% với các kỳ hạn từ 1 - 3 tháng. Theo đó, tiền gửi dưới 200 triệu đồng được ngân hàng này huy động với lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng lần lượt được niêm yết ở mức 2,5% - 2,7% - 2,9%/năm.
Hay Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng lãi suất huy động từ 0,2%-0,5%/năm. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng áp dụng cho sản phẩm tiền gửi online tăng 0,4%/năm, lên lần lượt 2,7% và 2,9%/năm.
Với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tăng thêm 0,5%/năm, lên mức 3,2%/năm. Ở các kỳ hạn dài hơn, như 6 tháng và 12 tháng, lãi suất huy động tăng thêm lần lượt 0,3%/năm và 0,2%/năm. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng được Sacombank niêm yết ở mức 4,9%/năm, kỳ hạn 24 tháng là 5,2%/năm và kỳ hạn 36 tháng là 5,4%/năm.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng khác như TPBank, VIB, Shinhan Bank, GPBank, BacABank, PVComBank, VietinBank… cũng tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1%-0,5%/năm. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng khả năng lãi suất sẽ nhích lên theo từng quý, song mức tăng lãi suất tiền gửi từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều.
Trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp kéo dài gần 1 năm qua, tiền gửi dân cư cũng ghi nhận dấu hiệu dịch chuyển bớt khỏi kênh ngân hàng thì việc các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động trở lại cũng là điều dễ hiểu.
Theo số liệu công bố mới đây của Ngân hàng nhà nước, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng lần đầu tiên suy giảm sau khi tăng liên tục 25 tháng trước đó. Đến hết tháng 1, tiền gửi dân cư đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, giảm 0,53% so với cuối năm ngoái.
Tương tự, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào cuối tháng 1/2024 là hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm hơn 165.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương đương giảm 2,41%.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến ngày 25/3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.
Lý giải về việc nhiều ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại chia sẻ việc tăng hay giảm lãi suất tiền gửi tùy thuộc vào chính sách huy động vốn của từng ngân hàng. Nhưng khi điều chỉnh tăng lãi suất có nghĩa là các ngân hàng dự báo lãi suất trong thời gian tới sẽ đi lên để đón dòng vốn giá rẻ.
Giới chuyên gia phân tích việc điều chỉnh lãi suất huy động của một số ngân hàng có thể hàm ý kịch bản lãi suất huy động có thể nhích tăng dần từ đầu quý tới. Đáy của lãi suất huy động đã qua, và thời gian này cải thiện nhẹ trong bối cảnh kinh tế dần hồi phục.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lai-suat-huy-dong-bat-tang-10279462.html