Làm chủ công nghệ hàng đầu thế giới: Doanh nghiệp Việt tự tin 'bẻ gãy' ô nhiễm

Với việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại nhất thế giới, tất cả nguồn nước từ các trại chăn nuôi bò TH đều được 'bẻ gãy' ô nhiễm, đảm bảo đạt tiêu chuẩn và quay trở lại phục vụ đồng ruộng.

Với tầm nhìn xa và rộng của Anh hùng Lao động Thái Hương khi xác định Kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn là “lời giải” cho bài toán phát triển bền vững của doanh nghiệp, từ khi triển khai dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tập trung quy mô lớn, Tập đoàn TH đã "đón đầu xu thế Phát triển Xanh" đầu tư công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới vào sử dụng.

Từ đó đến nay, mọi hoạt động của tập đoàn này đều tuân thủ quy trình sản xuất khép kín: “Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch.”

Và cũng trên nền tảng chiến lược phát triển bền vững đó, sau 15 năm phát triển, TH đã đào tạo được một đội ngũ chuyên gia người Việt giỏi nghề, làm chủ công nghệ, giúp TH trở thành doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam thực thi kinh tế tuần hoàn, Kinh tế Xanh.

“Đánh bay” ô nhiễm bằng công nghệ

Những ngày Hè, cái nắng nóng ở miền Tây xứ Nghệ khiến chúng tôi như trong “chảo lửa,” mồ hôi vã ra như tắm. Vậy mà, khi đặt chân tới Cụm trang trại bò sữa của TH, mọi thứ lại dịu mát lạ thường. Trên khắp những cánh đồng rộng xưa kia vốn canh tác chưa hiệu quả thì nay tràn ngập sắc xanh của cỏ cây, hoa lá.

Bên trong các trại bò sữa, đâu đâu cũng sạch sẽ bởi quy trình sản xuất khép kín từ đồng cỏ xanh tới ly sữa tươi sạch TH true MILK. Từ cách thức trồng trọt, chăn nuôi và quản lý trang trại cho tới sản xuất, tiêu thụ năng lượng; đầu tư công nghệ xử lý nước thải, sản xuất phân bón hữu cơ,… cho thấy một mô hình kinh tế tuần hoàn đang thực sự chuyển động ở giữa vùng đất đỏ xứ Nghệ.

Tại đây, bằng cách mang về các công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới trong chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, đào tạo và chuyển giao công nghệ, Anh hùng Lao động Thái Hương đã xây dựng nên được đội ngũ nhân tài về công nghệ, kỹ thuật thiết bị. Đó là những người đang có khả năng nắm trong tay các công nghệ hàng đầu trên thế giới. Họ có thể vận hành, sửa chữa, phát triển các hệ thống máy móc, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.

Một trong những công nghệ mà Tập đoàn TH đang ứng dụng, vận hành hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, là hệ thống 4 nhà máy xử lý nước thải và nhà máy sản xuất phân bón “xanh” (phân bón hữu cơ), biến nước thải, phân bò cùng với các loại thức ăn thừa, chất thải hữu cơ… thành tài nguyên.

Hệ thống vòi bơm xử lý nước thải. (Ảnh: Vietnam+)

“Bằng cách đầu tư công nghệ đầu cuối, đến nay, chúng tôi đã nắm trong tay được ‘chìa khóa’ phát triển kinh tế tuần hoàn,” ông Tal Cohen – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH nói và nhấn mạnh đây cũng là cách TH đồng hành, ủng hộ thông điệp của Chính phủ “Cam kết đi đôi với hành động” trong quá trình thực hiện các mục tiêu hướng tới “Net Zero.”

Dẫn phóng viên đi thăm quan trang trại, ông Phạm Vinh Sơn, Giám đốc Bộ phận bảo trì - Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH, cho hay ở Cụm trang trại bò sữa TH, nguồn phát thải ra môi trường duy nhất hiện nay là nước thải. Tuy nhiên, với việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại nhất thế giới, tất cả nguồn nước từ các trại chăn nuôi bò đều được “bẻ gãy” ô nhiễm, sau khi xử lý, nguồn nước đảm bảo đạt tiêu chuẩn QCVN 62/BTNMT, quay trở lại phục vụ đồng ruộng.

Đứng trên lối vào khu bể xử lý nước thải của Nhà máy xử lý nước thải TH, ông Sơn bảo rằng công nghệ xử lý nước thải mà TH sử dụng là công nghệ độc quyền của Hà Lan, có chức năng khuấy, sục nước thải công suất lớn; có hệ thống Biomass với công nghệ hiếu khí giúp tạo ra nguồn khí gas sạch, có thể sử dụng để phát điện hoặc vận hành máy móc ở trong trang trại.

Theo quy trình xử lý của nhà máy, nước thải từ trang trại sẽ được đưa vào các bể hiếu khí. Tại các bể này, chất ô nhiễm sẽ bị phân hủy. Tức là toàn bộ ô nhiễm nitơ sẽ được “bẻ gãy.”

Ngoài ra, nước thải bằng quá trình oxy hóa dưới tác động của các vi sinh hiếu khí sẽ được sục khí liên tục, cung cấp oxy để vi sinh vật hoạt động bình thường. Tại đây, hỗn hợp của các sinh vật hiếu khí, nước thải và sinh khối tạo thành bùn hoạt tính có thể sử dụng để làm phân bón hữu cơ, thân thiện với môi trường. Phần nước còn lại sau khi được xử lý tại các bể hiếu khí sẽ được dẫn sang bể lắng cặn, xử lý đạt chuẩn và trở lại tự nhiên, giúp tiết kiệm tài nguyên nước.

Trang trại bò sữa TH bên cạnh sông Sào. (Ảnh: Vietnam+)

“Nguồn nước trên sau khi được xử lý hoàn toàn đảm bảo an toàn. Ngay như Singapore, cả khu vực hồ lớn nước thải nhưng có đủ thời gian cho quần thể vi sinh vật phân hủy, sau đó nguồn nước lại được đưa lên xử lý thành nước sinh hoạt. Như vậy, xét về quy trình sản xuất khép kín thì ở Cụm trang trại bò sữa của TH hoàn toàn không phát thải,” ông Sơn nhấn mạnh.

Biến chất thải thành “phân xanh”

Không chỉ “đánh bay” ô nhiễm nước thải, Tập đoàn TH cũng đã thành công với việc đưa công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới vào sản xuất, “biến” chất thải của bò cùng với các sản phẩm phụ và rác thải thành phân bón “xanh” để bồi bổ dinh dưỡng cho đất.

Trong câu chuyện với phóng viên, ông Phạm Vinh Sơn không ít lần chia sẻ niềm tự hào khi nói rằng TH là tập đoàn duy nhất ở Việt Nam hiện nay vừa chăn nuôi bò sữa, vừa sản xuất được phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng nhất.

Nhà máy sản xuất phân bón xanh của TH được xây dựng từ năm 2010 để phục vụ hệ sinh thái của cụm trang trại. Đến cuối năm 2021, nhà máy này tiếp tục được củng cố thêm công nghệ để làm phân bón sạch và bán ra thị trường.

Ông Sơn cũng khẳng định công nghệ mà TH đang sử dụng để làm phân bón hữu cơ là công nghệ hiện đại nhất thế giới về sản xuất phân bón hiện nay, được sản xuất ở Đức với khả năng giúp giảm phát thải khí metan (CH4).

“Phân bò, nếu không xử lý bằng phương pháp sinh học hiếu khí (là quá trình sử dụng các vi sinh vật hiếu khí để phân hủy các chất hữu cơ thích hợp có trong nước thải trong điều kiện được cung cấp oxy liên tục) thì toàn bộ phân bò sẽ chuyển thành khí CH4 gây phát thải khí nhà kính. Vì thế, tất cả các công đoạn đều được xử lý ủ hiếu khí có đảo trộn thì ô nhiễm trong phân sẽ bị ‘bẻ gãy,’ không cho khí cacbonic (CO2) phân hủy trong điều kiện này để thành CH4, mà CO2 sẽ đi vào các chất dinh dưỡng ở trong hợp chất hữu cơ,” ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, khi nói về kinh tế tuần hoàn là nói tới nông nghiệp 4F (bao gồm Farm - Food - Feed - Fertilizer), tức là trang trại - thành phẩm - thức ăn chăn nuôi - phân bón hữu cơ. Với phân bón hữu cơ, hiện nay, tất cả các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa và ngay cả bò thịt ở trong nước chưa ai làm được, ngoại trừ TH. Sản phẩm phân bón “xanh” của TH hoàn toàn đảm bảo đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn pháp lý hiện hành.

Thực tế, sản phẩm phân bón “xanh” của TH không chỉ đảm bảo phục vụ nhu cầu “làm giàu” dinh dưỡng cho đất ở trong hệ sinh thái của mình, mà hiện nay đã được phân phối ra thị trường tại nhiều khu vực ở trong nước đối với phân bón dạng bột có hàm lượng dinh dưỡng 20-30%. Loại phân bón “xanh” này đang được người dân sử dụng để trồng sầu riêng, bơ, mít ở Tây Nguyên; chăm bón cho mắc ca ở Vân Hồ, tỉnh Sơn La; “bồi bổ” cho đất ở vùng trồng cà rốt của tỉnh Hải Dương.

Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ. (Ảnh: Vietnam+)

Nói thêm về ý nghĩa của việc sản xuất phân bón “xanh” TH, ông Sơn cho rằng sản xuất, sử dụng, canh tác phân bón hữu cơ là một trong những “chìa khóa” cho nông nghiệp hữu cơ cũng như nông nghiệp bền vững. Thế nhưng, ở Việt Nam hiện nay vẫn đang phải mua, phải nhập phân hữu cơ từ nước ngoài. Thực tế, ở trong nước hiện mới sản xuất được 2 triệu tấn phân bón hữu cơ/năm và phải nhập tới 11 triệu tấn phân bón các loại.

Thế nhưng, việc sử dụng phân bón hóa học, có thể sẽ mang lại hiệu quả tức thì nhưng sau 10, 20 năm thì sẽ “làm hỏng” đất đai. Còn phân bón hữu cơ thì không như vậy, phân hữu cơ tự nhiên sẽ luôn làm giàu cho đất. Vì thế, khi chủ động biến nguồn chất thải thành tài nguyên quý, tiên phong sản xuất phân bón “xanh” để bồi bổ cho đất, chuỗi sản xuất khép kín tuần hoàn “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch” của TH ngày càng được củng cố bền vững.

Giải pháp trên không chỉ giúp TH cắt giảm chi phí mà còn giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường. Do đó, đại diện TH cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng công suất đối với dạng phân bón viên nén, bởi đây là loại phân phù hợp với nông nghiệp ở các tỉnh miền núi, có địa hình đất dốc như ở Tây Nguyên, Tây Bắc vì loại phân bón hữu cơ này đảm bảo rằng khi mưa xuống, phân bón sẽ không bị rửa trôi.

Về quy trình sản xuất phân bón xanh, ông Sơn cho biết toàn bộ chất thải của bò, sau khi đã tách ra làm nền chuồng rồi, sẽ còn phần dư - đó là thức ăn thừa, các phế phẩm ủ chua, nguồn thực phẩm hữu cơ. Các loại nguyên liệu sau khi được đưa vào máy phối trộn sẽ được ủ trong 45-48 ngày với phương pháp lên men hiếu khí, mỗi luống nguyên liệu được đảo trộn 12-15 lần từ khi bắt đầu cho đến khi thành phẩm.

Phân bón hữu cơ dạng viên nén. (Ảnh: Vietnam+)

Trong quá trình đó, nhiệt độ, độ ẩm của luống ủ được theo dõi bằng các loại cảm biến. Nguyên liệu sẽ được bổ sung các loại men vi sinh nhập khẩu từ Mỹ với khả năng cố định đạm, cố định phốt pho và phân giải cellulose.

Hiện nay, mỗi ngày, nhà máy của TH xử lý khoảng 1.000 tấn chất thải với độ ẩm 70%, từ nguồn phân của hơn 60.000 “cô” bò sữa ở trang trại, cộng với thức ăn thừa, bã mía và bùn sinh học sinh ra trong quá trình xử lý nước thải của các trang trại.

Trong quá trình xử lý hiếu khí có đảo trộn để làm phân bón, nước sẽ bay hơi do vi sinh vật phân hủy đã tạo ra nhiệt và làm tơi nguồn chất thải. Như vậy, từ 1.000 tấn chất thải ban đầu, đến hết quy trình, lượng phân bón “xanh” thành phẩm sẽ ở mức 262 tấn và độ ẩm trong phân chỉ còn lại khoảng 30%, tức là đạt tiêu chuẩn.

“Phân bón xanh của chúng tôi sản xuất hiện nay hoàn toàn đáp ứng đủ 3 tiêu chí, đó là phân bón hữu cơ, sinh học và vi sinh,” ông Sơn nói và nhấn mạnh việc Tập đoàn TH tiếp tục sản xuất phân bón này cũng nằm trong hệ sinh thái bền vững. Ngoài tự sử dụng, phần dư sẽ được phân phối ra thị trường nhằm giúp người nông dân khắp cả nước giảm phân bón hóa học.

“Như vậy, với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới và các phương án sản xuất ‘xanh’ theo quy trình khép kín, giờ đây rác - phân - nước thải của bò ở khắp trang trại bò sữa của TH đã trở thành tiền, thành tài nguyên” ông Sơn tự hào nhấn mạnh.

Trong một lần tới thăm một số mô hình của Tập đoàn TH tại Nghệ An vào năm 2022, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết ông ấn tượng với các ứng dụng khoa học công nghệ của TH tại các trang trại, nhà máy.

Người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng việc tiếp nhận và làm chủ những công nghệ hàng đầu để phát triển là phù hợp với xu thế hiện nay. Chiến lược của TH xuất phát từ nhận thức đúng đắn là muốn phát triển bền vững thì phải ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo./.

Toàn cảnh Tại trang trại TH tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lam-chu-cong-nghe-hang-dau-the-gioi-doanh-nghiep-viet-tu-tin-be-gay-o-nhiem-post943187.vnp