Làm giàu từ đất

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều nông dân cần cù, chịu thương, chịu khó, 'bám đất, bám ruộng', ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội.

Mô hình trồng cây bưởi Diễn, cam canh, nhãn kết hợp chăn nuôi của gia đình anh Đinh Công Hậu và chị Nguyễn Thị Viện ở khu 15, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

(baophutho.vn) - Thời gian qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều nông dân cần cù, chịu thương, chịu khó, “bám đất, bám ruộng”, ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội.
Những ngày gần Tết Nguyên đán chúng tôi có dịp đến thăm mô hình của gia đình anh Đinh Công Hậu và chị Nguyễn Thị Viện ở khu 15, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn được nhiều người trong và ngoài huyện, tỉnh biết đến học tập, làm theo. Anh Hậu chia sẻ: Nhận thấy tiềm năng đất đai phù hợp phát triển kinh tế hộ, năm 1995 vợ chồng tôi quyết định vào nơi đây lập nghiệp, mua 0,5ha đất vườn để phát triển kinh tế và trồng keo. Đến năm 2003, vợ chồng tôi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu từ trồng cây công nghiệp sang trồng 45 gốc bưởi Diễn kết hợp với chăn nuôi. Cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt. Thấy đất đai, khí hậu phù hợp với phát triển cây ăn quả, gia đình tôi tiếp tục đầu tư cải tạo, quy hoạch lại vườn trồng thêm cam canh, nhãn và tăng quy mô chuồng trại phát triển chăn nuôi nhằm tận dụng nguồn phân chuồng bón cho cây trồng, giảm chi phí sản xuất. Hiện nay, gia đình tôi có 500 cây bưởi Diễn, 700 cây cam canh và 100 cây nhãn đang cho thu hoạch. Cùng với nguồn thu từ chăn nuôi, mỗi năm gia đinh có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Thu hoạch nho Hạ đen tại trang trại tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Hoa ở khu 1, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba.

Yêu thích nghề nông, quyết tâm làm giàu trên đất quê, từ nhiều năm nay, vợ chồng anh chị Nguyễn Thị Thùy Hoa, khu 1, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba đã bỏ nhiều công sức tích tụ đất đai, cải tạo đất vườn tạp thành trang trại tổng hợp với diện tích 6ha, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Mới đây, chị Hoa là người đầu tiên tại huyện đưa 2.000 gốc nho Hạ đen về trồng trên diện tích 1ha và đã gặt hái được thành công bước đầu. Đây được xem là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ mới, mở ra triển vọng, nâng cao thu nhập, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chị Hoa chia sẻ: “Cứ mỗi năm, vợ chồng tôi lại tích cóp thêm. Nguồn thu từ trang trại được tái đầu tư trở lại để trồng trọt và chăn nuôi. Đến nay, trang trại tổng hợp của gia đình tôi có diện tích 6ha, trồng các loại cây ăn quả, dược liệu kết hợp với chăn nuôi, bước đầu phát huy hiệu quả và mang lại nguồn thu..”
Tại xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập, với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, gia đình anh Hà Ngọc Lâm ở khu 4 đã đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu trên vùng đất khó, trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua học hỏi một số mô hình sản xuất kinh doanh trong và ngoài huyện, tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do khuyến nông huyện phối hợp với xã tổ chức, từ năm 2014 anh đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư vào chăn nuôi gà, đào ao thả cá kết hợp với trồng rừng.
Anh Lâm cho biết, trong chăn nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt công tác vệ sinh phòng dịch, chăm sóc đàn vật nuôi theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn sinh học. Chuồng trại được xây dựng thông thoáng và mái che được thiết kế cách nhiệt, giúp nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định theo mùa… Nỗ lực vượt khó, đến nay, gia đình anh có trên 6ha đất đồi rừng trồng quế và keo, hơn 2ha ao thả cá; kết hợp chăn nuôi gà, lợn… cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, được nhiều người trong và ngoài huyện đến tham quan, học hỏi, làm theo.
Có thể nói, thành công từ trang trại chăn nuôi gà thịt thương phẩm của các gia đình anh Hậu – chị Viện, chị Hoa, anh Lâm đã khẳng định sự bền vững thông qua việc tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp. Đó chỉ là số ít trong số những nông dân “bám đất, bám ruộng” làm giàu, phát huy hiệu quả sử dụng đất ngay tại quê hương. Trên địa bàn tỉnh, còn rất nhiều gương nông dân dám nghĩ, dám làm, bứt phá khỏi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt theo quy mô lớn, gắn sản xuất với nhu cầu của thị trường, trở thành điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu ngay tại quê hương theo hướng bền vững.

Quỳnh Anh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202202/lam-giau-tu-dat-182501