Lạm phát hạ nhiệt đưa chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới

Chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức điểm cao kỷ lục sau khi thị trường đón nhận số liệu lạm phát dịu lại của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhà đầu tư nhiệt tình mua cổ phiếu vì tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ giảm lãi suất trong năm nay.

Nhân viên giao dịch ở Sàn giao dịch chứng khoán New York. Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite của chứng khoán Mỹ đều đóng cửa hôm 15-5 ở mức điểm cao kỷ lục. Ảnh: Reuters

Nhân viên giao dịch ở Sàn giao dịch chứng khoán New York. Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite của chứng khoán Mỹ đều đóng cửa hôm 15-5 ở mức điểm cao kỷ lục. Ảnh: Reuters

Số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 15-5 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 tăng 3,4%, chậm lại so với mức tăng 3,5% trong tháng 3. CPI cốt lõi, không bao gồm các mặt hàng thực phẩm và năng lượng, tăng 3,6% hàng năm, đánh dấu mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4-2021. Trên cơ sở hàng tháng, CPI cốt lõi tăng 0,3% trong tháng 4 so với mức tăng 0,4% trong ba tháng trước đó. Cả hai chỉ số lạm phát trên đều tăng phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế, sau khi bốn tháng liên tiếp tăng vượt dự báo.

Trong tháng 4, lạm phát chi phí nhà ở vẫn ở mức cao, tăng 5,5% hàng năm. Tuy nhiên, mức tăng giá hàng tháng của dịch vụ vận tải và chăm sóc y tế đã chậm lại trong khi giá thực phẩm không tăng.

Số liệu lạm phát hạ nhiệt giúp chứng khoán Mỹ lập đỉnh cao mới, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm. Chỉ số S&P đóng cửa với mức tăng 1,2%, và lập kỷ lục điểm số mới kể từ mức đỉnh gần nhất vào cuối tháng 3. Hầu hết 11 ngành chính của S&P 500, đều tăng điểm, với cổ phiếu công nghệ và bất động sản tăng mạnh nhất, lần lượt là 2,3% và 1,7%.

Chỉ số Nasdaq Composite, tập trung nhiều cổ phiếu công nghệ, tăng 1,4% và cũng đạt mức điểm cao kỷ lục. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm di chuyển nghịch chiều với giá, có lúc giảm xuống còn 4,71%, thấp nhất kể từ đầu tháng 4.

Lạc quan với tin tức lạm phát, nhà đầu tư trên thị trường lãi suất tương lai của Mỹ đang đặt cược Fed sẽ tiến hành 2 đợt giảm lãi suất trong năm nay.

“Thật nhẹ nhõm khi lần đầu tiên trong năm nay, CPI không cao hơn dự báo”, Eric Winograd, nhà kinh tế cấp cao về thu nhập cố định tại của AllianceBernstein nói. Dù vậy, ông lưu ý, không có gì bảo đảm lạm phát đang giảm về mức mục tiêu 2% của Fed trong ngắn hạn.

Số liệu lạm phát được công bố một ngày sau khi Chủ tịch Fed, Jerome Powell cảnh báo, Fed có thể duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến để kiểm soát giá cả.

Với thời điểm bầu cử Mỹ đang đến gần, vấn đề lạm phát cao đang làm giảm mức độ tín nhiệm của cử tri đối với năng lực điều hành kinh tế của Tổng thống Joe Biden. Ngay cả khi CPI hàng năm đã giảm mạnh từ mức đỉnh trong năm 2022, nhiều cử tri Mỹ vẫn không vui vì mức giá cả cao của nhiều loại hàng hóa.

Tâm lý người tiêu dùng Mỹ giảm mạnh trong tháng 5, theo kết quả sơ bộ trong cuộc khảo sát của Đại học Michigan công bố vào tuần trước. Tâm lý của người Mỹ trở nên u ám một phần do họ lo ngại giá cả và lãi suất sẽ tiếp tục tăng cao, gây áp lực lên ngân sách chi tiêu của họ.

“Con số lạm phát công bố hôm nay sẽ được một số người coi là tiến bộ nhưng những người khác coi đó là dấu hiệu cho thấy lạm phát vẫn là một vấn đề. Có lẽ đây không phải là tin đủ tốt cho chiến dịch tái cử của ông Biden” Erik Gordon, giáo sư tại Trường Kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan bình luận

Ryan Sweet, nhà kinh tế của Oxford Economics cho rằng, lạm phát cần tiếp tục xu hướng giảm tốc trong 2 đến 3 tháng tới để giúp Fed tự tin hơn.

“Để lạm phát di chuyển đáng tin cậy xuống mức mục tiêu 2%, Fed thực sự cần mọi thứ diễn ra hoàn hảo. Chúng ta vẫn chưa tới điểm đó”, Lara Rhame, nhà kinh tế trưởng người Mỹ tại FS Investments, nói.

Số liệu thị trường lao động tăng kém hơn dự báo trong tháng 4 báo hiệu tốc độ tạo việc làm của nền kinh tế chậm lại. Kết hợp với dữ liệu lạm phát mới nhất, Fed dự đoán rằng, nền kinh tế Mỹ không có sự tăng tốc mới. Một báo cáo riêng công bố hôm 15-5 cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ không thay đổi trong tháng 4 đã củng cố thêm niềm tin đó.

Lạm phát tăng chậm lại trong tháng 4 bảo toàn khả năng Fed giảm lãi suất vào cuối năm nay và làm dịu đi những lo ngại về việc cơ quan này cân nhắc tăng lãi suất. Hầu hết các nhà kinh tế kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay nhưng vẫn chưa thống nhất về thời điểm. Một số nhà kinh tế cho rằng, Fed sẽ không giảm lãi suất trước tháng 9.

Theo WSJ, Financial Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lam-phat-ha-nhiet-dua-chung-khoan-my-lap-dinh-moi/