Lạm phát toàn cầu khó hạ nhiệt

Đà tăng chóng mặt của giá hàng hóa, đặc biệt là giá dầu và vàng, đang làm phức tạp thêm nỗ lực kiểm soát lạm phát của các ngân hàng T.Ư trên thế giới.

Giá hàng hóa thế giới tăng chóng mặt

Ngay cả trước khi Iran tấn công trả đũa Israel liên quan đến việc Đại sứ quán nước này ở Syria bị tấn công vào đầu tháng 4, giá dầu đã tăng đáng kể do lo ngại căng thẳng leo thang ở Trung Đông cũng như việc siết nguồn cung của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới (OPEC) và các nước đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+.

Giá dầu mỏ đã ghi nhận mức tăng 15% kể từ đầu năm đến nay trong bối cảnh gia tăng căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông cùng với nhu cầu cao hơn dự báo.

Lạm phát tháng 3 của Mỹ tăng vượt dự kiến có thể buộc Fed phải kéo dài chính sách thắt chặt tiền tệ lâu hơn. Ảnh: AFP

Trong phiên giao dịch ngày 12/4, giá dầu Brent đã tăng vọt lên hơn 92 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 10/2023, khi thị trường lo ngại nguồn cung bị gián đoạn khi xung đột giữa Iran và Israel leo thang.

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng liên tục thiết lập các kỷ lục mới trong tháng 4 và leo dốc hơn 15% kể từ đầu năm đến nay nhờ nhiều yếu tố, bao gồm việc tăng dự trữ vàng của các ngân hàng T.Ư toàn cầu, căng thẳng địa chính trị và kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giá kim loại quý trong ngày 12/4 đã chạm mức cao nhất thời đại là 2.431,29 USD/ounce trước dự báo về cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel. Giá vàng thường có mối quan hệ nghịch đảo với lãi suất. Khi lãi suất giảm, vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu, vốn mang lại lợi nhuận thấp hơn.

Giá đồng trong tháng 4 đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2022. Giá cà phê cũng nhảy vọt trong khi đà tăng kỷ lục của giá ca cao khiến thị trường socola rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá nguyên liệu thô cao hơn khiến lo ngại về lạm phát vẫn dai dẳng và chưa thể sớm quay về mức mục tiêu do các ngân hàng T.Ư đặt ra để cân nhắc bắt đầu giảm lãi suất.

Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản tháng 3 tăng cao hơn dự kiến (chủ yếu do đà tăng của giá xăng và giá điện) đã làm giảm kỳ vọng về khả năng Fed sớm nới lỏng chính sách tiền tệ.

Giám đốc đầu tư của Northern Trace Capital LLC Trevor Woods đánh giá: “Đợt phục hồi mới nhất của giá hàng hóa toàn cầu đang có nguy cơ cản trở kế hoạch đảo chiều chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm nay của các ngân hàng T.Ư trên thế giới”.

Trong khi đó, Công ty quản lý tài sản Pacific Investment Management Co. mới đây cảnh báo rằng Fed có thể phải tăng lãi suất nếu lạm phát tiếp tục tăng nhiệt. Các thị trường hiện đang dự báo lãi suất của Fed sẽ ở mức khoảng 4,9% vào cuối năm nay, cao hơn nhiều so với kỳ vọng 3,8% vào đầu năm nay.

Giá vàng và dầu mỏ sẽ biến động ra sao?

Tác động của cuộc xung đột Iran - Israel tới thị trường dầu mỏ toàn cầu là rất lớn vì Iran hiện là nhà sản xuất lớn thứ ba trong OPEC với sản lượng hơn 3 triệu thùng/ngày. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nước Cộng hòa Hồi giáo đã sản xuất khoảng 3,25 triệu thùng dầu thô/ngày trong tháng 3. Tehran hiện đang xuất khẩu tới 1,5 triệu thùng dầu/ngày, chiếm 1,5% nguồn cung dầu toàn cầu. Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào trong khả năng cung cấp cho thị trường toàn cầu đều có thể khiến giá dầu leo cao.

Các nhà phân tích cho rằng, vấn đề then chốt đối với giá dầu trong dài hạn là liệu việc vận chuyển qua eo biển Hormuz có bị ảnh hưởng hay không. Eo biển này nằm giữa Oman và Iran - là tuyến đường vận chuyển quan trọng, vận chuyển khoảng 20% tổng nguồn cung dầu của thế giới. Các thành viên OPEC gồm: Ả Rập Saudi, Iran, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait và Iraq vận chuyển phần lớn dầu xuất khẩu qua eo biển Hormuz.

Các chuyên gia dự báo giá dầu thế giới trong năm nay có khả năng quay lại mốc 100 USD/thùng, thậm chí cao hơn nếu căng thẳng giữa Iran và Israel tiếp tục leo thang. Giám đốc Dịch vụ Dầu mỏ Toàn cầu tại Tập đoàn năng lượng Rapidan Energy (Mỹ) Clay Seigle cảnh báo: "Sự gián đoạn tại eo biển Hormuz sẽ rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới, có khả năng đẩy giá dầu lên 3 con số, đến mức hủy hoại nhu cầu dầu".

Không chỉ dầu mỏ, giá vàng cũng được dự báo sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới do tình hình bất ổn địa chính trị trên thế giới cùng với việc Fed hạ lãi suất. Chia sẻ với chuyên trang Mint, Giám đốc Hàng hóa và Tiền tệ tại công ty tài chính HDFC Securities (Ấn Độ) Anuj Gupta nhận định: “Trên thị trường quốc tế, giá vàng đang giao dịch trong khoảng từ 2.360-2.400 USD/ounce. Khi vượt qua rào cản 2.400 USD, giá vàng có thể tăng lên mức 2.430 USD/ounce trong vòng một vài tuần”.

Lạc quan hơn, các nhà phân tích của Citigoup do Aakash Doshi - Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Citi Bắc Mỹ dẫn đầu dự báo giá vàng sẽ đạt mức 3.000 USD/ounce trong vòng 6-18 tháng tới. Theo các chuyên gia của Citigoup, khả năng Fed mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc một kịch bản suy thoái kinh tế tiềm ẩn trong năm 2025 sẽ tạo thêm lực đẩy mới cho giá kim loại quý.

Bất kỳ cuộc tấn công nào vào các cơ sở sản xuất hoặc xuất khẩu dầu ở Iran đều sẽ đẩy giá dầu thô Brent chạm mốc 100 USD. Riêng việc đóng cửa eo biển Hormuz còn có thể khiến giá dao động từ 120 - 130 USD.

Chủ tịch của Lipow Oil Andy Lipow

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-phat-toan-cau-kho-ha-nhiet.html