Làm rõ nhu cầu, tạo giá trị gia tăng cho quy hoạch tỉnh
Theo TS. Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, cần làm rõ nhu cầu hoạch định cấp vĩ mô và cấp trung quy mô trong hệ thống cấu trúc thiết chế văn hóa, thể thao của quy hoạch tỉnh, để cải thiện các nội dung này, tạo giá trị gia tăng của quy hoạch tỉnh so với thông lệ hiện nay.
Chưa có mô hình thống nhất
Trình bày tham luận tại Hội thảo Văn hóa năm 2024, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, TS. Phạm Thị Nhâm cho biết, các nội dung văn hóa, thể thao được tích hợp trong quy hoạch dưới hai góc độ: ngành, lĩnh vực kinh tế và hạ tầng xã hội.
Cụ thể, dưới góc độ ngành kinh tế là những đóng góp của ngành này trong nhóm ngành thương mại dịch vụ, từ đó đóng góp vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), tăng trưởng, lao động việc làm,… của tỉnh.
Dưới góc độ hạ tầng xã hội là những chỉ tiêu chỉ số hạ tầng, nhằm bảo đảm những tiện ích xã hội mang tính cơ bản và bao trùm cho toàn thể người dân và một số hạ tầng trọng yếu nhằm đạt những mục tiêu phát triển chiến lược của ngành.
Quan sát thực tiễn cũng như kinh nghiệm từ việc Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) trực tiếp tham gia một số quy hoạch tỉnh, và tham gia góp ý cho nhiều quy hoạch tỉnh từ góc độ của ngành xây dựng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, TS. Phạm Thị Nhâmcho biết, tới nay, những chiến lược về văn hóa, thể thao cũng như những giải pháp hạ tầng đã được ngành văn hóa và các địa phương quận huyện đưa lên, với sự tham gia và thống nhất với tư vấn lập quy hoạch tỉnh và đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, theo đúng quy định của luật pháp. Trong đa số trường hợp, gần như không có khó khăn, do các thiết chế văn hóa, thể thao được đưa ra đề xuất thường là những công trình cụ thể, tương đối nhỏ về diện tích và ít mâu thuẫn với những mục tiêu sử dụng đất và phát triển khác.
Tuy nhiên, hiện nay, trong đa số quy hoạch tỉnh, có ba vấn đề được đặt ra. Thứ nhất, nội dung định hướng phát triển văn hóa, thể thao dưới góc độ một ngành lĩnh vực kinh tế và nội dung hạ tầng xã hội không được tách biệt rõ ràng và hay bị lẫn lộn, trùng lặp, do thiếu hướng dẫn chi tiết về sự phân biệt này cũng như những chỉ số chi tiết cần nghiên cứu trong từng phần ở nghị định và các văn bản hướng dẫn.
Thứ hai, giữa phần định hướng và phần hạ tầng thường thiếu mối liên hệ chặt chẽ. Nếu coi phần thiết chế hay hạ tầng là giải pháp nhằm đạt được các định hướng thì không đủ, vì các thiết chế chỉ là một nội dung trong định hướng phát triển ngành lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Thứ ba, có những khó khăn nhất định trong việc hoạch định chiến lược ngành văn hóa, thể thao. Về cơ bản không thể đánh giá và hoạch định lĩnh vực văn hóa, thể thao chỉ từ góc độ kinh tế. Hiện nay, chưa có mô hình thống nhất để tích hợp một cách bài bản lĩnh vực văn hóa, thể thao vào một hệ thống kinh tế ngành.
Cần có định hướng rõ ràng
TS. Phạm Thị Nhâmphân tích, thông thường, định hướng về lĩnh vực văn hóa, thể thao sẽ bao gồm ba nội dung chính. Một là, phát triển và nâng cao bản sắc văn hóa, sức khỏe người dân thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao đại chúng, cộng đồng. Đây có thể coi là phần mục tiêu xã hội, phi kinh tế của lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Hai là phát triển công nghiệp văn hóa như một lĩnh vực kinh tế, với những mục tiêu tăng trưởng, đóng góp GRDP rõ ràng.
Ba là, tích hợp yếu tố văn hóa, thể thao để phát triển các lĩnh vực khác như du lịch, bất động sản, giáo dục đào tạo... Đây là những tác động kinh tế thứ cấp của văn hóa, thể thao.
Đối với các thiết chế văn hóa, cũng cần làm rõ các loại thiết chế nào là cần và đủ để đạt được ba định hướng nói trên, trong từng trường hợp cụ thể của từng tỉnh. Song hiện nay, định hướng chung về mặt luật pháp cũng như các thông tư, nghị định hướng dẫn đối với lĩnh vực văn hóa còn rất chung chung và lỏng lẻo. Nhận định như vậy, TS. Phạm Thị Nhâm cho rằng, trên cơ sở ba nhóm nội dung này cần có định hướng rõ ràng cho lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao.
“Đối với nhóm thứ nhất, bao gồm các hoạt động văn hóa quần chúng, có một số chỉ tiêu, định mức, nhưng là chung cho các đô thị, sẽ không trả lời được câu hỏi cụ thể đối với từng đô thị thực tế, sẽ cần các yêu cầu gì để phát huy tối đa và tối ưu yếu tố văn hóa xã hội. Đối với nhóm thứ hai là lĩnh vực công nghiệp văn hóa, còn chưa có định nghĩa cụ thể về các ngành thuộc lĩnh vực này, cũng như các chỉ số phát triển định hướng cho lĩnh vực này. Đối với nhóm tác động thứ cấp, đa số tác động này chưa có phương pháp để định lượng. Ngay cả việc nghiên cứu định tính cũng chưa có định hướng để nêu bật được mối quan hệ giữa các lĩnh vực văn hóa, thể thao với các lĩnh vực khác”, TS Phạm Thị Nhâm chỉ ra.
Về hạ tầng hay thiết chế văn hóa, thể thao, về cơ bản có thể được nhìn nhận ở 3 cấp độ. Cấp độ vĩ mô toàn tỉnh là những chiến lược phân vùng phát triển lớn; cấp độ tầm trung là những cụm, tuyến mang tính chiến lược, có khả năng tích hợp với những chiến lược phát triển đất đai, du lịch; cấp độ chi tiết là những công trình, thiết chế văn hóa, thể thao cụ thể. Trong đó, vai trò chính của một quy hoạch cấp tỉnh nằm ở hai lớp trên.
Hiện nay, phần quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao chủ yếu nặng về danh sách chi tiết các công trình. TS. Phạm Thị Nhâm cho rằng,với cách thức như vậy, thông thường quy hoạch sẽ chỉ nhắc lại những danh mục dự án có sẵn mà ít tính chất định hướng chiến lược tổng thể. Do đó, không phát huy hết được tính tổng thể và chiến lược của quy hoạch tỉnh.
“Bởi vậy, nên có cải tiến trong lĩnh vực này trong lần điều chỉnh các quy hoạch tỉnh tới. Trong đó, làm rõ nhu cầu hoạch định cấp vĩ mô và cấp trung quy mô trong hệ thống cấu trúc thiết chế văn hóa, thể thao của quy hoạch tỉnh, để cải thiện các nội dung này, tạo giá trị gia tăng của quy hoạch tỉnh so với thông lệ hiện nay”, TS. Phạm Thị Nhâm nói.