Làm sao ổn định tinh thần cho học sinh vụ sập trần trường học ở Nghệ An?

Theo chuyên gia tâm lý giáo dục, sau khi vụ sập trần lớp học ở Nghệ An xảy ra thì không chỉ các em học sinh bị thương mà cả những học sinh chứng kiến vụ việc cũng sẽ bị ám ảnh, lo sợ.

Mấy ngày qua, sự việc nhiều học sinh Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) phải nhập viện điều trị do trần nhà lớp học bất ngờ bị sập khiến dư luận bàng hoàng và xót xa.

Một em học sinh bị chấn thương cột sống

Liên quan đến vụ việc trần lớp học bất ngờ bị sập khiến nhiều học sinh phải nhập viện, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, vụ việc xảy ra vào sáng 21/12, tại phòng 26 lớp 11A9, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner. Khi 50 học sinh trong lớp đang học thì bất ngờ trần nhà bị sập. Có 10 học sinh bị thương được đưa đi cấp cứu tại BVĐK 115 Nghệ An.

Hiện trường sau vụ sập trần lớp học tại Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An).

Hiện trường sau vụ sập trần lớp học tại Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An).

Qua đánh giá và điều trị, có 7 học sinh chỉ bị xây xước nhẹ và được đưa về nhà tiếp tục học tập. Trong số 3 học sinh bị chấn thương nặng thì có 2 em đang tiếp tục được điều trị tại BVĐK 115 Nghệ An và sức khỏe đang hồi phục. "Riêng có một học sinh bị nặng hơn và nghi bị chấn thương cột sống nên được gia đình, trường học chuyển viện điều trị tại BV Việt Đức".

Theo ông Hoàn, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner do tổ chức SOS quốc tế đầu tư xây dựng cách đây 30 năm. Tại thời điểm xây dựng, chất lượng công trình được đánh giá tốt nhưng do trần làm bằng gỗ nên sau 30 năm xây dựng tình trạng bị xuống cấp. "Trước đó Trường Phổ thông Hermann Gmeiner đã mời các chuyên gia về đánh giá chất lượng các phòng, lớp học. Sau đó, một số phòng học đã được thay trần mới. Tuy nhiên một số lớp chưa kịp thay dẫn đến việc đáng tiếc ngày 21/12. Hiện Trường Phổ thông Hermann Gmeiner cũng như các cơ quan chức năng đang gấp rút đánh giá, khắc phục cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng để làm mới lại toàn bộ trần lớp học tránh trường hợp đáng tiếc vừa qua".

Bác sĩ thăm khám cho một học sinh Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) bị chấn thương cột sống.

Bác sĩ thăm khám cho một học sinh Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) bị chấn thương cột sống.

Cần làm gì để ổn định tinh thần cho các em học sinh?

Sau vụ việc này, trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống, chuyên gia Phạm Thị Lan - Giám đốc Trung tâm Tâm lý Giáo dục An Nguyên cho rằng, đây là một sự việc nghiêm trọng, hậu quả lớn. Nhất là khi nó lại diễn ra trong phạm vi nhà trường, phòng học - nơi có các thầy cô và các em học sinh hàng ngày vẫn học tập, trau dồi tri thức, kĩ năng…

Chuyên gia tâm lý giáo dục Phạm Thị Lan.

Chuyên gia tâm lý giáo dục Phạm Thị Lan.

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Lan, sau khi sự việc xảy ra thì không chỉ những em học sinh bị thương mà cả những học sinh chứng kiến vụ việc cũng sẽ bị ám ảnh, lo sợ, sang chấn về mặt tâm lý, không muốn đến lớp - nơi đã diễn ra sự việc.

"Để các em ổn định lại tinh thần thì không phải một sớm một chiều. Tôi cho rằng, nhà trường ngoài việc thăm hỏi, động viên các em còn cần phải có những buổi trò chuyện, làm công tác tư tưởng, tâm lý cho các em đã bị thương và cả những em chứng kiến sự việc. Hướng dẫn các em những hoạt động, giải pháp để cải thiện tình hình hiện tại về mặt tâm lý.

Đặc biệt là phải làm tâm lý cho bạn học sinh bị chấn thương nặng. Vì đối với những em học sinh này có thể các em sẽ sinh ra mặc cảm, tự ti, bi quan, thiếu niềm tin, nghị lực… do sự cố sập trần gây ra.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần làm việc lại với phụ huynh để phụ huynh bớt hoang mang, lo sợ, yên tâm khi con cái đi học ở trường và phối hợp với nhà trường làm công tác trấn an tâm lý tốt nhất cho các em, có thể tìm đến các nhà tâm lý để được hỗ trợ".

Để ngăn chặn và phòng chống các sự việc đau lòng, đáng tiếc tương tự xảy ra, chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng: "Chúng ta cần đánh giá được hiện trạng về cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị dạy học trong mỗi nhà trường. Đồng thời xây dựng các phương án, giải pháp thay thế, sửa chữa đối với những phòng học không đảm bảo an toàn. Có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ giữa các bên liên quan theo định kỳ.

Đối với ban giám hiệu nhà trường và đội ngũ giáo viên, nhân viên hàng ngày làm việc trong nhà trường, phòng học, nếu thấy các dấu hiệu hư hỏng không đảm bảo an toàn nên báo cáo lại với các cấp quản lý và đưa ra những cảnh báo với mọi người.

Một điều quan trọng nữa đó là các em học sinh cũng cần được học và trang bị những kiến thức, kĩ năng đối phó với các tình huống không đảm bảo, mất an toàn trong môi trường học tập và trong cuộc sống để có thể hạn chế những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra".

Nhận định từ luật sư

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, đây là vụ tai nạn thương tâm và gây nguy hiểm cho nhiều em học sinh.

Theo luật sư, trước tiên, nhà trường phải đảm bảo ổn định tinh thần cho các em học sinh, đảm bảo cho các học sinh tiếp tục học tại các lớp đảm bảo an toàn, với lớp xảy ra sự cố, cơ quan chức năng sẽ phong tỏa để tiến hành xác minh làm rõ nguyên nhân. Đồng thời, nhà trường có trách nhiệm bồi thường hỗ trợ cho các em học sinh chi phí cứu chữa và các chi phí phát sinh trong quá trình nằm viện.

Ngoài tiền bảo hiểm thân thể mà các em được hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm, những thiệt hại vật chất, thiệt hại về sức khỏe, tinh thần trong vụ tai nạn này, người có lỗi gây thiệt hại, hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường. Trách nhiệm trước tiên thuộc về nhà trường khi vụ tai nạn xảy ra trong quá trình học sinh học tập tại trường này.

Tại Điều 605, Bộ luật Dân sự quy định, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại phải liên đới bồi thường.

Do vậy, sự việc này nhà trường phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng của nhà trường gây ra. Trường hợp người thi công có lỗi trong việc để công trình gây thiệt hại, người thi công phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ quá trình thi công trần gỗ được thực hiện ra sao, có dấu hiệu vi phạm hay không để xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

Nếu có vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất lên tới 12 năm, ngoài ra còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm và phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-sao-on-dinh-tinh-than-cho-hoc-sinh-vu-sap-tran-truong-hoc-o-nghe-an-169231229075858492.htm