Lần đầu ghi nhận loài quắm đen ở miền Trung

Việc ghi nhận loài quắm đen cho thấy, khu vực cửa sông Ô Lâu, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có tầm quan trọng trong công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư.

Sáng 15-5, Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung cho biết, trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng khu hệ chim và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn các loài chim ở vùng đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam” do TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ nhiệm đề tài đã lần đầu ghi nhận 14 cá thể loài quắm đen (plegadis falcinellus) tại khu vực cửa sông Ô Lâu, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

 Các cá thể quắm đen ghi nhận tại khu vực cửa sông Ô Lâu. Ảnh: LÊ MẠNH HÙNG

Các cá thể quắm đen ghi nhận tại khu vực cửa sông Ô Lâu. Ảnh: LÊ MẠNH HÙNG

Theo TS Hồ Thắng, trước đây quắm đen chỉ được ghi nhận là loài định cư hiếm tại Nam bộ và lang thang qua Đông Bắc. Quắm đen là một trong những loài chim nằm trong họ cò quăm (threskiornithidae), bộ bồ nông (pelecaniformes), một trong những họ hiện ghi nhận nhiều loài chim quý hiếm trong Danh lục đỏ của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cũng như Sách đỏ Việt Nam như: cò thìa (platalea minor), quắm đầu đen (threskiornis melanocephalus), quắm lớn (pseudibis gigantea), quắm cánh xanh (pseudibis davisoni).

 Quắm đen tại khu vực cửa sông Ô Lâu. Ảnh: LÊ MẠNH HÙNG

Quắm đen tại khu vực cửa sông Ô Lâu. Ảnh: LÊ MẠNH HÙNG

Hiện quắm đen được đánh giá có quần thể suy giảm, tại Việt Nam chỉ còn ghi nhận nhiều tại một số khu vực ĐBSCL, như: Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Đất Mũi (Cà Mau), các sân chim Bạc Liêu, khu Bảo tồn thiên nhiên Láng Sen (Long An).

Việc lần đầu tiên ghi nhận loài quắm đen cho thấy khu vực cửa sông Ô Lâu, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có tầm quan trọng trong công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư.

VĂN THẮNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lan-dau-ghi-nhan-loai-quam-den-o-mien-trung-post739902.html