Lần đầu tiên có vaccine sốt xuất huyết tại Việt Nam: Không cần phải xét nghiệm trước khi tiêm

Vaccine sốt xuất huyết do Tập đoàn Dược phẩm Takeda Pharmaceuticals ('Takeda') sản xuất đã chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép lưu hành và sử dụng trong phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cho người dân từ 4 tuổi trở lên.

Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam từ trước tới nay, với chỉ định cho các đối tượng trong độ tuổi trên, không phân biệt người đã từng hoặc chưa mắc bệnh bao giờ, tức là không cần phải xét nghiệm trước khi tiêm.

Bà Katharina Geppert, Tổng Giám đốc Takeda Việt Nam chia sẻ: “Việc Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vaccine sốt xuất huyết là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực chung phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, đánh dấu một cột mốc to lớn đối với Takeda nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung.

Vaccine sẽ trở thành công cụ phòng ngừa bổ sung cho công tác quản lý bệnh sốt xuất huyết toàn diện, góp phần giảm thiểu tác động của căn bệnh này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan quản lý, chuyên gia y tế, các hội chuyên môn, các viện nghiên cứu, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức tư nhân cũng như nhiều bên liên quan khác để cùng chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam và các quốc gia khác”.

Dự kiến, vaccine sốt xuất huyết sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong cả nước từ tháng 9 năm 2024

Dự kiến, vaccine sốt xuất huyết sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong cả nước từ tháng 9 năm 2024

Sốt xuất huyết là một bệnh do virus lây truyền qua muỗi và gây ra nhiều mối đe dọa đối với sức khỏe toàn cầu khi lưu hành ở hơn 125 quốc gia. Trong Hội nghị Tổng kết về Hoạt động phòng chống dịch tại khu vực phía Nam hồi cuối năm 2023, đại diện Bộ Y tế đã nhấn mạnh mối đe dọa tiềm ẩn của dịch sốt xuất huyết vào năm 2024sau khi nghe báo cáo số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng đáng kể so với TP.HCM vào năm 2023, báo hiệu một xu hướng đáng lo ngại.

Ngày 25 tháng 4 năm 2024, Bộ Y tế vừa công bố số ca mắc sốt xuất huyết trong nước lên tới 16 nghìn ca, trong đó có một trường hợp tử vong. Đồng thời, Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế cũng công bố sự tồn tại của cả bốn tuýp huyết thanh gây sốt xuất huyết dengue, trong đó tuýp DEN-2 chiếm tới 88% tổng số ca nhiễm năm 2023 và 70% tổng số ca nhiễm năm 2024.

Trao đổi về những thách thức do căn bệnh sốt xuất huyết gây ra, PGS.TS.BS. Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương không chỉ nói đến các nguy cơ sức khỏe đối với cá nhân và cộng đồng, mà còn đề cập tới tác động kinh tế và xã hội đáng lo ngại của sốt xuất huyết.

“Sốt xuất huyết rất khác với các bệnh truyền nhiễm khác, vì đây là bệnh có nguy cơ lan rộng thành dịch cho một quốc gia, bất kể độ tuổi cũng như tình trạng đã từng nhiễm trong quá khứ của người dân.

Chi phí điều trị cũng ảnh hưởng tới thu nhập của hộ gia đình, trong khi bệnh cũng để lại những ảnh hưởng tâm lý lâu dài cho cá nhân và tác động đến an sinh xã hội. Cùng với biến đổi khí hậu, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ngày càng gia tăng đã tạo áp lực và gây quá tải cho các cơ sở y tế trong nước.

Bên cạnh công tác kiểm soát véc tơ, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức điều trị hợp lý và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để quản lý bệnh sốt xuất huyết và giảm tỷ lệ tử vong, việc Bộ Y tế phê duyệt vaccine sốt xuất huyết là rất đáng hoan nghênh vì vắc xin là biện pháp góp phần phòng ngừa đặc hiệu giúp bảo vệ người dân Việt Nam khỏi bệnh sốt xuất huyết”, PGS.TS.BS Phạm Quang Thái nhấn mạnh.

Dự kiến, vaccine sốt xuất huyết vừa được phê duyệt sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong cả nước bắt đầu từ tháng 9 năm 2024.

Đến nay, vaccine do Takeda sản xuất đã được phê duyệt ở hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Brazil, Argentina, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.

Vaccine cũng đã được phê duyệt và sử dụng cho chương trình tiêm chủng quốc gia tại Brazil và Argentina.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lan-dau-tien-co-vaccine-sot-xuat-huyet-tai-viet-nam-khong-can-phai-xet-nghiem-truoc-khi-tiem-post576612.antd