Lần đầu tiên EU đề xuất 'bóp nghẹt' dòng tiền của Nga, 3 dự án LNG vào 'tầm ngắm'

Lần đầu tiên Liên minh châu Âu (EU) đưa ra đề xuất trừng phạt nhắm vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, các đề xuất trên bàn đàm phán sẽ chỉ chạm tới một phần nhỏ trong số hàng tỷ USD mà Moscow nhận được hàng năm từ mặt hàng này.

Thời gian qua, EU đạt được rất ít tiến bộ trong việc trừng phạt lĩnh vực LNG của Moscow. (Nguồn: Seeking Alpha)

Theo 3 nhà ngoại giao của EU, Ủy ban châu Âu (EC) sẵn sàng ban hành lệnh cấm đối với các cảng của EU bán mặt hàng LNG của Nga. EC cũng sẽ yêu cầu hạn chế đối với 3 dự án LNG của Moscow. Các biện pháp này sẽ là một phần của gói trừng phạt thứ 14 sắp ban hành.

Các biện pháp trừng phạt LNG được thiết kế để ngăn chặn hoạt động kinh doanh của Moscow, chặn đứng đường vận chuyển năng lượng của nước này đi khắp thế giới.

Dù vậy, như được viết trong dự thảo đề xuất, lệnh cấm vẫn có thể thay đổi. Các lệnh trừng phạt sẽ chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1/4 trong số 8 tỷ Euro lợi nhuận mà Nga thu được từ LNG.

Thời gian qua, EU đạt được rất ít tiến bộ trong việc trừng phạt lĩnh vực LNG của Moscow.

Mặc dù mặt hàng này chỉ chiếm 5% lượng tiêu thụ khí đốt của khối vào năm ngoái nhưng đây vẫn là nguồn thu lợi quan trọng của Điện Kremlin.

Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ là những trung tâm lớn nhất về LNG. Những quốc gia này nhập LNG của Nga, sau đó, xuất khẩu sang các nước như Đức và Italy.

Về vấn đề cấm khí đốt, cấm LNG của Moscow đã được EU nhiều lần bàn bạc nhưng chưa thành hiện thực.

Khối 27 thành viên đã cấm nhập khẩu than và dầu thô bằng đường biển của Nga nhưng lệnh trừng phạt còn nhiều sơ hở khiến tiền vẫn liên tục chảy về Điện Kremlin.

Nga sẽ thiệt hại thế nào?

Việc ngăn chặn việc bán lại LNG của Nga cho EU sẽ yêu cầu Moscow phải cải tổ lại mô hình kinh doanh hiện tại - một thành tựu không hề nhỏ - theo Politico.

Nếu không có các cảng châu Âu làm điểm dừng chân thuận tiện, Nga sẽ phải sử dụng các tàu phá băng - được trang bị đặc biệt - để cắt băng ở Biển Bắc Cực, sau đó, đưa khí đốt đến châu Á.

Theo bà Laura Page, chuyên gia khí đốt tại công ty phân tích dữ liệu Kpler, điều đó sẽ gây tổn hại cho nhà máy Yamal LNG trị giá 27 tỷ USD của Nga ở Siberia.

Bà nói: “Nếu các doanh nghiệm LNG Nga không thể dừng chân ở châu Âu, họ có thể phải đưa các tàu chở dầu đi những hành trình dài hơn, tốn kém hơn".

Trong khi đó, ông Petras Katinas, nhà phân tích năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch cho hay, sự thay đổi nói trên sẽ khiến doanh thu LNG của Nga sụt giảm khoảng 2 tỷ Euro, dựa trên số liệu năm ngoái.

"Đó là số tiền rất lớn nhưng chỉ chiếm 28% lợi nhuận LNG của Nga và chỉ hơn 1/5 lượng xuất khẩu sang EU vào năm ngoái", ông nhận định.

Liệu có khả thi?

Theo vị chuyên gia này, lệnh cấm “là một bước tiến tốt đầu tiên nhưng nó chưa đủ nếu EU muốn "bóp nghẹt" dòng tiền của Điện Kremlin.

Thêm vào đó, ông ông Petras Katinas khẳng định, các biện pháp trừng phạt tiềm tàng đối với các dự án LNG của Nga - bao gồm Arctic LNG 2, nhà máy Murmansk và kho cảng LNG UST Luga - "chỉ trên giấy" bởi ba dự án này không bán hàng cho châu Âu.

Politico cũng cho rằng, các đề xuất của EU chứa đầy những phức tạp về mặt pháp lý. Vấn đề đặt ra là, không rõ liệu các biện pháp trừng phạt của EU có cho phép các công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng đang thực hiện một cách an toàn hay không?

Cho đến nay, EC đã không "đụng đến" LNG, bất chấp các yêu cầu liên tục từ các nước vùng Baltic và Ba Lan. Đề xuất mới dường như đang nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều nước.

Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne van der Straeten cho rằng: “Là một phần của gói trừng phạt mới chống lại Nga, chính phủ đang kêu gọi chấm dứt dần việc trung chuyển LNG của Nga tại các cảng châu Âu. Chúng ta phải… ngừng bổ sung thêm tiền vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine".

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thì tuyên bố, ông “rất ủng hộ” các hạn chế đối với LNG của Moscow. Và Bộ trưởng Năng lượng Italy Gilberto Pichetto Fratin khẳng định, nước này “không có lý do gì để phản đối” điều đó lệnh trừng phạt.

Áp lực cũng đang gia tăng đối với các nước EU trong việc thắt chặt các hình phạt đối với nhiên liệu hóa thạch của Moscow.

Một nhóm các công ty bảo hiểm tàu chở dầu viễn dương, kiểm soát phần lớn thị trường toàn cầu đã kêu gọi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga.

Theo các công ty này, biện pháp áp trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng “ngày càng khó thực thi” khi đất nước này có cách để "lách" lệnh cấm.

Bàn sâu hơn về lệnh cấm LNG Nga, Politico nhận thấy, Brussels có thể gặp khó khăn trong việc đưa tất cả 27 quốc gia "vào cuộc" với các hình phạt này. Đây một yêu cầu bắt buộc để bất kỳ lệnh trừng phạt nào được thông qua.

Đơn cử như Hungary, đất nước có thể phủ quyết động thái này. Và đối với một số quốc gia khác, gói trừng phạt sẽ phản tác dụng.

Một nhà ngoại giao EU giấu tên nói thẳng thắn: “Thật đáng thất vọng… khi chúng tôi đã chờ đợi đề xuất gói thứ 14 quá lâu”.

(theo Politico)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lan-dau-tien-eu-de-xuat-bop-nghet-dong-tien-cua-nga-3-du-an-lng-vao-tam-ngam-270231.html