Lan tỏa hơn nữa tinh thần của Ngày Tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài

Các hoạt động triển khai Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã nhận được sự hưởng ứng tích cực ở cả trong và ngoài nước, đa dạng về hình thức và nội dung, tạo được sân chơi, môi trường giao lưu cho bà con kiều bào.

Ngày 8/9, Hội thảo Tổng kết triển khai Kế hoạch “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2023” có sự tham dự của gần 80 đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương có đông NVNONN; các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành về ngôn ngữ và văn hóa và nhiều giảng viên uy tín trực tiếp tham gia công tác giảng dạy tiếng Việt cho NVNONN; đại diện các cơ quan báo chí.

Toàn cành Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Toàn cành Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đặc biệt, hội thảo kết nối trực tuyến tới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các hội đoàn, cơ sở dạy tiếng Việt của cộng đồng và đông đảo đại biểu kiều bào từ gần 50 điểm cầu tại nhiều quốc gia.

Chương trình cũng được ghi hình và phát trực tiếp trên các nền tảng số của Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Truyền hình Quốc hội và kênh Quốc Tế Media của báo Thế giới và Việt Nam.

Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá kết quả triển khai tổ chức các hoạt động liên quan đến Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2023 của các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan ở trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam và cộng đồng NVNONN; qua đó cổ vũ, khuyến khích bà con NVNONN học tập và sử dụng tiếng Việt.

Đồng thời, Hội thảo cũng đề xuất phương hướng, biện pháp, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc trong cộng đồng NVNONN; tăng cường triển khai các hoạt động Tôn vinh tiếng Việt ý nghĩa cả trong nước và ngoài nước; từ đó thúc đẩy việc gìn giữ, học tập và sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

Tại đây, các đại biểu đã nghe 10 tham luận từ đại diện các bộ, các cơ quan, tổ chức các chuyên gia giáo dục, cùng đại diện các cơ quan và kiều bào tại các địa bàn.

Các tham luận chủ yếu xoay quanh các nội dung về tình hình triển khai các hoạt động tôn vinh tiếng Việt ở trong nước và tại các địa bàn trong năm 2023; thuận lợi và khó khăn trong hoạt động gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài và đề xuất các phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2024.

Cùng chung tay tôn vinh tiếng Việt

Ông Đinh Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về NVNONN cho biết năm 2023 là năm đầu tiên triển khai đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023-2030. Đây là Đề án mang tính đột phá, tạo dấu ấn quan trọng hàng năm trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng với những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh sự giàu đẹp của của tiếng Việt.

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác tiếng Việt được thể hiện nhất quán trong các văn bản của Bộ Chính trị về công tác NVNONN, NQ36, CT45 đến gần đây là KL12, là những chủ trương quan trọng tạo điều kiện triển khai các hoạt động tôn vinh tiếng Việt, tạo động lực và môi trường ngày càng rộng mở, đáp ứng nguyện vọng cấp thiết về học tập tiếng Việt trong cộng đồng.

Phạm vi triển khai các hoạt động tôn vinh tiếng Việt ngày càng rộng mở và lan tỏa từ trong nước ra nhiều địa bàn có đông cộng đồng NVNONN và cả các địa bàn có ít người Việt Nam sinh sống như Qatar, Srilanka, Mông Cổ, Hungary…

Để đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc triển khai các hoạt động nêu trên một cách đồng bộ trong một năm vừa qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN ghi nhận và đánh giá cao sự hưởng ứng tích cực, nỗ lực tham gia và phối hợp chặt chẽ hiệu quả của các cơ quan, bộ, ban, ngành, tổ chức liên quan, cũng như sự đồng hành của các CQĐD và đặc biệt là vai trò chủ thể của các hội/đoàn và các cá nhân NVNONN.

Ngoài ra, các bộ, ban, ngành trong nước đã rất chủ động và tích cực trong việc thiết kế và triển khai các hoạt động tôn vinh tiếng Việt, lồng ghép vào nhiều Đề án hoạt động sẵn có nhằm tôn vinh giá trị tiếng Việt và văn hóa dân tộc.

Các cơ quan đại diện cũng đã phối hợp với các hội/đoàn người Việt tổ chức nhiều các hội thảo/tọa đàm về tiếng Việt, phương pháp dạy và học tiếng Việt ở nhiều nơi trên thế giới.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đáng chú ý, nhờ ý thức về tôn vinh tiếng Việt và các giá trị của văn hóa truyền thống Việt Nam được nâng cao, bà con kiều bào đã dần trở thành chủ thể, chủ động kết nối với trong nước, đề xuất nhiều sáng kiến, tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy công tác tiếng Việt trở thành một phong trào sôi nổi, thực chất vừa giúp đoàn kết cộng đồng vừa tăng cường gắn kết với quê hương.

Ngoài ra, các hội/đoàn người Việt tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đã tích cực thành lập các Ban tiếng Việt, chuyên trách về công tác tiếng Việt, mở thêm các lớp học, giới thiệu nhiều chương trình học tiếng Việt cho con em kiều bào, kêu gọi thêm sự hỗ trợ của các giáo viên tiếng Việt tình nguyện.

Những giải pháp thiết thực trong giai đoạn mới

Năm 2023, các hoạt động triển khai Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN nhận được sự hưởng ứng tích cực ở cả trong và ngoài nước, đa dạng về hình thức và nội dung, tạo được sân chơi, môi trường giao lưu cho bà con kiều bào. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan, các hoạt động đã và đang triển khai còn hạn chế về quy mô, địa bàn, đối tượng tham dự, chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu, mục đích đề ra.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thiện Nam – Khoa Tiếng Việt, Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, khẳng định, ngày 8/9 đã trở thành một trong những động lực truyền cảm hứng, tạo niềm tin và trách nhiệm cho mỗi người Việt hay bất cứ ai yêu, muốn gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt ở nước ngoài, đặc biệt là trong các cộng đồng kiều bào.

Từ góc nhìn của một người có hơn 40 năm giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và kiều bào, ông Nam đã nêu ra một số biện pháp cụ thể trong sứ mệnh chung là gìn giữ lan tỏa tiếng Việt, như Chính phủ cần tăng cường đầu tư vào việc tạo điều kiện tốt nhất có thể cho sứ mệnh gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt; nâng cao chất lượng và số lượng của việc đào tạo giáo viên tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài; tập trung vào khâu học liệu...

Bà Vũ Chi Mai - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản khẳng định Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023 - 2030” là một trong các hoạt động hết sức có ý nghĩa đối với cộng đồng người Việt Nam trong khu vực Kyushu nói riêng và Nhật Bản nói chung, vì trong thời gian qua, tại Nhật Bản nói chung và khu vực Kyushu nói riêng, vấn đề này chưa được quan tâm và thúc đẩy đúng mức với nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan.

Vì vậy, Tổng Lãnh sự quán đã chỉ đạo các hội đoàn người Việt căn cứ khả năng, nhu cầu học tiếng Việt trong cộng đồng, nắm bắt những khó khăn, thách thức trong việc dạy và học tiếng Việt để xây dựng một số chương trình, kế hoạch tổ chức việc dạy và học tiếng Việt; kế hoạch đào tạo giáo viên chuyên trách và bán chuyên trách dạy tiếng Việt; xây dựng các chính sách hỗ trợ cho công tác dạy và học tiếng Việt ở Fukuoka và khu vực Kyushu...

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka cho biết, Tổng Lãnh sự quán sẽ chỉ đạo Ban công tác cộng đồng, bộ phận lãnh sự phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn người Việt Nam tại Kyushu tập trung triển khai các hoạt động trọng tâm thời gian tới như: tiếp tục phối hợp với Ủy ban NNVNVNONN triển khai hoàn thiện tài liệu, ấn phẩm về việc tuyên truyền, tôn vinh ngày tiếng Việt; động viên kiều bào hưởng ứng, tham gia tích cực Cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt” năm 2024; tổ chức các hoạt động tri ân các cá nhân, tổ chức hội đoàn có đóng góp tích cực trong phong trào giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt; xây dựng Tủ sách tiếng Việt tại các địa phương khác như Okinawa, Kumamoto, Kitakyush; tiếp tục mở các lớp học tiếng Việt, lớp đào tạo giảng viên không chuyên trách dạy tiếng Việt tại các đại phương khác trong khu vực Kyushu...

Tại hội thảo, nhiều đại biểu tham gia Hội thảo cũng chỉ ra nhiều khó khăn và thách thức thực tế ở ngoài nước như việc xây dựng giáo trình và đào tạo đội ngũ giáo viên tình nguyện giảng dạy tiếng Việt chưa phù hợp với từng địa bàn, nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế…

Theo ông Lê Trọng Hà - Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary, số trẻ em người Việt tại Hungary tham gia các lớp học tiếng Việt chưa nhiều, nhu cầu nói tiếng Việt còn hạn chế. Bởi vậy, thời gian tới, Đại sứ quán coi thực hiện đề án là nhiệm vụ trọng tâm, lồng ghép với các hoạt động đối ngoại tại địa bàn, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.

Ông Lê Xuân Lâm - Chủ tịch Hội đồng Trường tiếng Việt Lạc Long Quân, Ba Lan, cũng nhấn mạnh cần phải có các chương trình dạy học hấp dẫn, đa dạng để trẻ thích thú học tập. Cùng với thầy cô, cha mẹ cần phải đồng hành với các con ngay từ khi còn nhỏ, trong các hoạt động hằng ngày mới có thể gìn giữ, phát huy tiếng Việt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Mai Phan Dũng phát biểu kết luận hội thảo. (Ảnh: An Lê)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Mai Phan Dũng phát biểu kết luận hội thảo. (Ảnh: An Lê)

Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Mai Phan Dũng đưa ra một số một số giải pháp, kiến nghị nhằm triển khai hiệu quả Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2024.

Theo đó, các giải pháp tập trung giải quyết thách thức ở các nhóm vấn đề cốt lõi như: tạo môi trường học tập hấp dẫn, phong phú về nội dung và hình thức để tạo nền tảng cho cộng đồng kết nối, chia sẻ và bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt, nhất là trong thế hệ trẻ NVNONN; đa dạng hóa, đổi mới các giáo trình học tiếng Việt trên cơ sở tận dụng các nền tảng kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ thông tin, kêu gọi sự chung tay, hỗ trợ về nguồn lực tài chính, sáng tạo của tri thức kiều bào trong công đồng NVNONN trên toàn thế giới để đáp ứng nhu cầu các nhóm đối tượng, địa bàn.

Ông Mai Phan Dũng cũng cho biết bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hình thức giảng dạy, đào tạo dạy và học tiếng Việt cho NVNONN cả về phương pháp giảng dạy, kiến thức tiếng Việt và văn hóa, lịch sử Việt Nam qua hình thức trực tiếp và trực tuyến; đồng thời tiếp tục duy trì việc tổ chức tập huấn trực tiếp tại địa bàn, có nghiên cứu điều chỉnh phù hợp với đặc điểm từng khu vực; tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, đăng phát thông tin trên nhiều nền tảng, kênh truyền thông để lan tỏa rộng rãi đến công chúng ở cả trong và ngoài nước về các hoạt động tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

Các giải pháp này sẽ tác động tích cực, giúp lan tỏa tình yêu tiếng Việt, nâng cao hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

An Lê

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lan-toa-hon-nua-tinh-than-cua-ngay-ton-vinh-tieng-viet-o-nuoc-ngoai-241350.html