Lắng nghe những đứa trẻ lầm lỗi… trải lòng

Ngày 25/4, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) phối hợp với VKSND quận Hà Đông và một số đơn vị trên địa bàn tổ chức buổi đối thoại với các thanh thiếu niên có quá khứ lầm lỗi, thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn quận.

“Nhân chi sơ, tính bản thiện”

Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng Công an quận Hà Đông dự và chủ trì buổi đối thoại. Cùng dự, có các đồng chí Phó trưởng Công an quận, các đồng chí Đội trưởng, Trưởng Công an phường; đại diện lãnh đạo VKSND quận Hà Đông cùng các Kiểm sát viên; lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận; Trung tâm Giáo dục thường xuyên; Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội cùng 250 thanh thiếu niên và 50 phụ huynh.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng Công an quận Hà Đông (phải) chủ trì buổi đối thoại. Ảnh: H.Nguyên.

Hội trường hơn 300 chỗ của Công an quận Hà Đông chật kín người. Hình ảnh những thanh thiếu niên nam, nữ đủ lứa tuổi, có những gương mặt non trẻ, nhiều thanh thiếu niên mang trên mình những hình xăm trổ, những bậc phụ huynh vóng dáng tảo tần khuya sớm vì gia đình, con cai… thực sự đã để lại trong những người tham dự buổi đối thoại nhiều cảm xúc.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, đây là một trong những hội nghị quan trọng được Công an quận Hà Đông tổ chức, trên cơ sở báo cáo và được sự chỉ đạo, chuẩn y của Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội và Quận ủy, UBND quận Hà Đông, hướng đến mục tiêu cao nhất là vì sự an toàn, bình yên của con trẻ.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng Công an quận Hà Đông phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: H.Nguyên.

“Mục đích của buổi đối thoại là để chúng ta ngồi đây cùng lắng nghe các cháu chia sẻ, tâm sự, trải lòng về những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của bản thân các cháu, của các phụ huynh; nguyên nhân vì sao các cháu lại “lầm đường, lạc lối”?, để từ đó chúng ta cùng nhau rút ra những bài học kinh nghiệm, kiến thức về pháp luật; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm sống; giải đáp cho các cháu hiểu biết hơn về pháp luật, nhằm giúp cho các cháu chọn cho mình được lối đi đúng đắn, để không còn nhưng hành vi vi phạm pháp luật”, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền cho biết.

Đại diện lãnh đạo VKSND quận Hà Đông và lãnh đạo Phòng GD&ĐT tham dự buổi đối thoại. Ảnh: H.Nguyên.

"Nhân chi sơ, tính bản thiện", con người khi mới sinh tất cả đều thiện. Điều quan trọng là làm sao nuôi dưỡng được tính "thiện" ấy. Tôi cho rằng, môi trường gia đình là quan trọng nhất. Các bậc làm cha, làm mẹ phải luôn có trách nhiệm gần gũi, quan tâm, chia sẻ, định hướng cho con trẻ. Để những đứa trẻ được lớn lên trong vòng tay yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ, sự dạy bảo ân cần nhưng nghiêm khắc, sự định hướng trong cuộc sống khi lớn lên để con trẻ biết chịu thương, chịu khó, sống có ý thức trách nhiệm, đây là những điều cốt lõi để nuôi dưỡng tính "thiện" ở mỗi con người", Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền chia sẻ.

Những con đường dẫn đến ...lầm lỗi

Buổi đối thoại diễn ra trong không khí chân tình, cởi mở. Có lẽ chưa bao giờ, những đứa trẻ đã từng lầm lỡ thể hiện được sự gần gũi, tình cảm đặc biệt và tin tưởng vào lực lượng Công an như trong buổi đối thoại này. Nhiều em đã không ngại bị tổn thương khi mở lòng mình, chia sẻ, tâm sự về những điểm yếu, hoàn cảnh của bản thân dẫn đến lầm lỗi và những ân hận, nhận thức sâu sắc về hành vi vi phạm pháp luật. Việc này, có lẽ đối với các em là cả một quá trình và chưa bao giờ dễ dàng, nhưng điều này chứng tỏ rằng các em đã thay đổi cách sống, thay đổi nhận thức trong hành động, nhìn thẳng vào quá khứ lầm lỡ để sửa mình, để sống tốt đẹp hơn.

Ban Chỉ huy Công an quận Hà Đông tham dự buổi đối thoại. Ảnh: H.Nguyên.

Em B.C.Đ. (SN 2007, phường Phú Lương) chia sẻ câu chuyện của bản thân: “Năm 2022, trong một lần thách thức trên facebook, cháu đã rủ thêm 26 bạn mang theo hung khí để đi đánh nhau với một nhóm ở phường Đồng Mai. Sau vụ việc, cả 2 nhóm tổng số 48 người đã bị Tòa án xét xử về tội Gây rối trật tự công cộng và Cố ý gây thương tích”.

Các đại biểu tham dự buổi đối thoại. Ảnh: H.Nguyên.

“Khi bị bắt giữ, được các chú Công an giải thích, cháu đã hiểu việc làm của cháu là vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội. Cháu rất ân hận, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ của bản thân mà đã kéo theo các bạn khác cùng vi phạm pháp luật. Hiện, cháu đang được các chú Công an phường và chính quyền địa phương giúp đỡ để cháu bỏ qua mặc cảm, hòa nhập cộng đồng. Cháu đã nhận thức được việc làm sai của mình. Cháu xin hứa sẽ không tái phạm nữa”, B.C.Đ. chia sẻ.

Chia sẻ về hoàn cảnh khiến bản thân phạm tội, em N.K.K (trú tại phường Mộ Lao) cho biết, bố mẹ em ly dị, hai chị em K. ở với nhau. Người chị gái chỉ lo cho K. được hàng ngày mấy bữa cơm. Hoàn cảnh gia đình như vậy nên K. thường tự ti, mặc cảm. K. đã giao du với nhóm bạn thường xuyên bỏ học, chơi game, đua đòi hút thuốc lá điện tử.

Em N.K.K chia sẻ về hoàn cảnh gia đình khiến bản thân mặc cảm, tự tin và dẫn đến hành vi phạm tội. Ảnh: H.Nguyên.

“Trong khi không có tiền tiêu xài lại được bạn xấu rủ đi trộm xe máy để lấy tiền nên cháu đã đồng ý tham gia. Chúng cháu đã trộm cắp 1 chiếc xe máy Honda SH tại phường Mộ Lao. Sau đó, được sự tuyên truyền, vận động của các chú Công an và chị gái, cháu đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của bản thân nên đã đến Công an phường Mộ Lao đầu thú để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Do cháu chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên được cơ quan Công an đồng ý cho gia đình bảo lãnh đưa cháu về nhà quản lý, giáo dục”, N.K.K. cho biết.

“Giờ đây, cháu nhận thức rất rõ việc làm của cháu là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Cháu rất ân hận. Cháu xin hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa”, N.K.K nói với giọng nghèn nghẹn.

Từng là học sinh cá biệt, L.T.Đ. (trú tại phường Yên Nghĩa) chia sẻ về quá khứ của mình: “Hồi học cấp 2, cháu không nghe lời bố mẹ, thầy cô giáo, thường tụ tập giao du với bạn xấu. Khi thi lên cấp 3, cháu không đỗ vào trường công lập nên cảm thấy thiếu tự tin, chán nản rồi thường xuyên bỏ học. Cháu đòi bố mẹ mua cho xe máy, điện thoại di động, nhiều lần tụ tập với bạn xấu, tham gia đua xe trái phép và đánh nhau. Khi bố mẹ phát hiện, khuyên bảo nhưng cháu không nghe lời. Đến khi bị đưa về Công an quận Hà Đông làm việc, cháu mới nhận thức được việc làm của bản thân là vi phạm pháp luật. Cháu rất ân hận. Do chưa đủ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nên cháu được gia đình bảo lãnh cho về nhà”.

Em L.T.Đ. chia sẻ về quá khứ lầm lỗi và những lỗ lực của bản thân với quyết tâm “ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó”. Ảnh: H.Nguyên.

Em L.T.Đ nói tiếp: “Sau lần vấp ngã đó, cháu luôn được bố mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè gần gũi, chia sẻ, động viên, giúp đỡ làm cho cháu thay đổi cách suy nghĩ, ý thức được bản thân. Cháu đặt ra quyết tâm cho mình là “ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó” để quay trở lại trường lớp học tập”.

“Cháu đã nỗ lực học tập, kết quả kỳ thi tốt nghiệp cấp 3, cháu đủ điểm đỗ 3 trường đại học, nhưng cháu đã chọn chuyên ngành Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa để học, vì cháu thích lĩnh vực này. Học Cao đẳng thời gian ngắn, khi ra trường dễ tìm kiếm việc làm, có thu nhập để phụ giúp bố mẹ và gia đình… Qua câu chuyện của bản thân, cháu muốn nói với các bạn đang ngồi trong hội trường này rằng, không có gì là không thể thay đổi được và sự thay đổi bây giờ sẽ là không muộn vì chúng cháu vẫn còn trẻ. Điều quan trong nhất là phải biết nghe lời cha mẹ, tránh xa bạn xấu, ý thức được bản thân để nỗ lực phấn đấu, có ý chí vươn lên trong cuộc sống”, L.T.Đ chia sẻ.

Bài học đắt giá cho các bậc cha mẹ

Câu chuyện của L.T.Đ. và những chia sẻ của em được cả hội trường chăm chú lắng nghe, không ít người xem em như là một tấm gương phản chiếu bản thân mình. Đúng là không có gì là không thể thay đổi được, điều quan trọng là phải biết lắng nghe, tự mình ý thức được bản thân để phấn đấu, nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống.

Trung tá Vương Hồng Sâm - Đội trưởng Đội điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Hà Đông phân tích tác hại của thuốc lá điện tử tại buổi đối thoại. Ảnh: H.Nguyên.

Tại buổi đối thoại, ông L.T.L., bố của em L.T.Đ. xúc động gửi lời cảm ơn Công an quận Hà Đông, chính quyền địa phương cùng các thầy, cô giáo đã động viên, giúp đỡ con mình vượt qua lỗi lầm để làm lại cuộc đời, trở thành người có ích.

Ông L.T.L. cho biết, thời điểm con trai vi phạm pháp luật, khi đó L.T.Đ. đang học lớp 11; tính tình bồng bột, chưa hiểu biết pháp luật, chưa lường được hậu quả việc mình làm. “Khi con vướng vào pháp luật, gia đình chúng tôi rất buồn, chỉ mong cháu biết sợ để mà thay đổi, làm lại cuộc đời. Cháu như vậy là cũng có một phần lỗi của gia đình chưa quan tâm thường xuyên đến cháu. Hình phạt mà cháu phải nhận không chỉ là bài học đắt giá cho cháu mà cũng là bài học đắt giá cho bố mẹ, khi vợ chồng chúng tôi đã không giáo dục, dạy bảo, định hướng và quản lý tốt con của mình”, Ông L. nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng phòng pháp luật Hành chính - Hình sự, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sơ Tư pháp TP Hà Nội trả lời những câu hỏi của nhiều bạn trẻ tại buổi đối thoại. Ảnh: H.Nguyên.

“Ngồi ở đây hôm nay, tôi muốn chia sẻ rằng, các bậc làm cha, làm mẹ hãy cố gắng dành thời gian quan tâm, giáo dục, quản lý con cái, hãy là bạn với các con. Khi con mắc lỗi, hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân, gần gũi, tâm sự động viên con. Hãy nhìn nhận lỗi của các con cũng một phần là do cha mẹ”, ông L.T.L. chia sẻ.

Cùng chia sẻ tại buổi đối thoại, bà T.T.T.X (trú tại phường Kiến Hưng), con trai bà điều khiển xe máy trên 50cc khi chưa đủ 18 tuổi, gây tại nạn giao thông làm chết người. Được sự giúp đỡ, động viên của lực lượng Công an, con trai bà đã vượt qua sợ hãi, mặc cảm và thi đỗ đại học.

“Để con tôi vi phạm pháp luật là có phần lỗi của gia đình, đã cho con điều khiển xe máy khi cháu chưa đủ tuổi. Đây không chỉ là bài học đắt giá của riêng con tôi, của gia đình tôi, mà còn là bài học cho các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là phải quản lý, nhắc nhở các con, không cho phép các con được điều khiển xe máy trên 50cc, tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi, đủ điều kiện. Không nên vì bận rộn công việc mà giao xe máy cho con tự đi đến trường. Điều này không chỉ gây nguy cơ mất an toàn cho con mình, mà còn gây ra nhiều mối đe dọa cho xã hội”, bà X. chia sẻ.

Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: H.Nguyên.

Theo báo cáo, trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên trên địa bàn quận Hà Đông diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ phạm tội, số đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hóa, các hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động và nguy hiểm hơn như: Giết người, cướp tài sản, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy... Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng không còn đơn giản là do bồng bột, thiếu suy nghĩ mà đã có sự tính toán, chuẩn bị.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, nổi lên tình trạng các thanh thiếu niên tụ tập thành các nhóm (có cả học sinh) thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích..., thậm chí còn mang theo hung khí (dao kiếm, tuýp sắt gắn dao bầu...) để giải quyết mâu thuẫn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự và môi trường giáo dục.

Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn quận Hà Đông xảy ra 23 vụ việc liên quan đến thanh thiếu niên đang sinh sống trên địa bàn vi phạm pháp luật gồm: 1 vụ giết người, 2 vụ cướp tài sản, 1 vụ cướp giật tài sản, 6 vụ gây rối trật tự công cộng, 7 vụ trộm cắp tài sản, 6 vụ cố ý gây thương tích, xô xát đánh nhau. Công an quận Hà Đông đã điều tra làm rõ 23 vụ - 149 đối tượng, trong đó có 68 đối tượng liên quan đến học sinh thuộc các trường THCS và THPT trên địa bàn quận Hà Đông.

Cùng với đó, tình trạng học sinh mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử (đặc biệt là thuốc lá điện tử có chứa tinh dầu là chất ma túy) tại một số trường học ngày càng gia tăng và có xu hướng diễn biến phức tạp. Hiện nay, hầu hết các thanh thiếu niên đều được tiếp cận thông tin và sử dụng mạng xã hội. Các đối tượng buôn bán trái phép thuốc lá điện tử thường trong độ tuổi rất trẻ, bỏ học từ sớm, không có công ăn việc làm ổn định; đẩy mạnh việc quảng cáo để mua bán trên mạng xã hội. Với tính cách của giới trẻ là thường hay tò mò, thích khám phá và thử những cảm giác khác lạ nên rất bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ mua và sử dụng thuốc lá điện tử.

Từ năm 2022 đến nay, Công an quận Hà Đông đã tiếp nhận và giải quyết 12 vụ, 17 trường hợp liên quan đến học sinh sử dụng thuốc lá điện tử; điều tra xử lý 6 vụ, 6 đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên tàng trữ, sử dụng và mua bán trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, không đội mũ bảo hiểm khi sử dụng xe máy, xe đạp điện, chở quá số người quy định, lạng lách, “đánh võng”... có xu hướng gia tăng nhanh. Đây là hành vi không chỉ gây mất trật tự an toàn giao thông cho chính người điều khiển phương tiện và cho cả những người đang tham gia giao thông trên cùng tuyến đường. Từ năm 2022 đến nay, Cơ quan CSĐT Công an quận Hà Đông đã khởi tố 7 vụ/ 7 đối tượng vi phạm về tham gia giao thông đường bộ rất nghiêm trọng do người chưa thanh niên gây ra.

Hồng Nguyên

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/giao-duc/lang-nghe-nhung-dua-tre-lam-loi-trai-long-156952.html