Lãnh đạo TP. Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Chiều 10/5, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Tháo gỡ khó khăn trên tinh thần rõ người, rõ việc

Căn cứ Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 4/4/2024 của UBND thành phố Hà Nội, Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được tổ chức nhằm tiếp tục đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Hội nghị do đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì, cùng với sự tham dự của đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; đại diện Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội; Thủ trưởng các sở, ngành của Thành phố và tổ chức, doanh nghiệp là nhà đầu tư của các dự án đang hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Đây là sự kiện tiếp theo trong chuỗi 6 hội nghị chuyên đề đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Chương trình công tác của UBND Thành phố.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mục tiêu của hội nghị là cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động và định hướng phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, việc chuyển giao quyền quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội; phổ biến quy định mới của pháp luật về khu công nghệ cao.

Đặc biệt, đại diện các Bộ và Sở, ban, ngành của Thành phố cùng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ trực tiếp đối thoại, trao đổi, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư đang hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn và rõ kết quả giải quyết.

Từ đó góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cởi mở và đổi mới, giúp UBND thành phố Hà Nội có thêm căn cứ để xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá phù hợp cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, góp phần sớm đưa nơi đây trở thành khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của Thủ đô và cả nước, đóng vai trò là vùng lõi của đô thị vệ tinh phía Tây Hà Nội trong tương lai.

Việc tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, hoạt động trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố Hà Nội trong đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Sự thành công của hội nghị sẽ không chỉ củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư đang hoạt động trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, mà còn hứa hẹn về một giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ cho các nhà đầu tư, trong đó các ngành công nghệ cao đóng vai trò mũi nhọn, tạo đột phá để nâng cao chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa bền vững, phát triển Thủ đô trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 1998, được coi là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là cầu nối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ cao mới. Đây là điểm thử nghiệm, thí điểm rút kinh nghiệm cho việc đẩy mạnh phát triển các Khu công nghệ cao trong cả nước.

Hoạt động nghiên cứu, sản xuất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Hoạt động nghiên cứu, sản xuất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện được quy hoạch xây dựng trên diện tích 1.586 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai của thành phố Hà Nội, được chia thành 8 khu chức năng và các khu vực phụ trợ.

Đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng. Các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các công nghệ cao thuộc 55 nhóm công nghệ cao, 31 nhóm sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Các dự án đã đi vào hoạt động đang góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề, doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 1/8/2023 của Chính phủ về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 167/NQ-CP ngày 9/10/2023 của Chính phủ về việc sửa đổi Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 119/NQ-CP, Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 10/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chính thức được bàn giao về UBND thành phố Hà Nội quản lý từ ngày 24/11/2023.

Với tinh thần chủ động và quyết liệt, ngay sau khi tiếp nhận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Ban Quản lý và các cơ quan có liên quan tìm hiểu, tổng hợp những tồn tại và vướng mắc, thảo luận các kiến nghị, đề xuất để tìm ra giải pháp đẩy mạnh sự phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong giai đoạn mới.

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/lanh-dao-tp-ha-noi-doi-thoai-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-tai-khu-cong-nghe-cao-hoa-lac-170443.html