Lát cắt ứng xử gia đình từ các câu chuyện của hòa giải viên tòa án
Ra tòa làm thủ tục để kiện nhau nhưng nhiều mâu thuẫn gia đình cuối cùng lại được hóa giải bởi sự lắng nghe, chia sẻ, phân tích của các hòa giải viên tòa án.
Giữ mái ấm gia đình
Luật sư, hòa giải viên TAND TPHCM Đỗ Ngọc Thanh cho biết vừa nhận được tin nhắn thông báo "đã làm lành với chồng" của người phụ nữ chuẩn bị làm thủ tục ly dị. Cô ấy tên là Nguyễn Thị N., ngụ tại Bình Dương. Trước khi cô có những quyết định quan trọng của cuộc đời, thì đã được gặp hòa giải viên.
Câu chuyện của N. như sau: đã hơn chục năm cưới chồng, sinh con và chăm sóc gia đình nhưng cô nhận thấy người chồng có tính cách hết sức vô tâm, vô trách nhiệm: "Chồng em đi làm từ 8h sáng tới 8h tối mới về, ăn xong còn không biết để chén bát vào trong bồn rửa. Em phải lo chăm sóc con cái, sửa sang nhà cửa, tìm đối tác để cho thuê. Trường con em học cách nhà 10 cây số, mỗi ngày đưa con đi đi về về hết 40 cây số khiến em muốn bệnh luôn. Nhiều lúc em mệt, nói chồng đưa con đi học nhưng ảnh nói "còn phải đi tập thể dục", trong khi công ty của chồng thì gần trường của con, chỉ cách có 3 cây số. Ảnh mặc nhiên coi tất cả công việc trong gia đình là công việc của em mỗi ngày".
Kể thêm về những nỗi niềm chịu đựng của mình, N. cho biết vào ngày cưới em gái của cô, bên gia đình cô đã mua vé máy bay, đặt khách sạn cho vợ chồng cô và các con chu đáo. Vậy nhưng tới khi bỏ tiền vào bì thư đám cưới, thì chồng cô đề nghị mỗi người chịu một nửa. Mười ba năm ở bên nhau, N. buồn bã khi tiết lộ rằng chồng chưa bao giờ tặng cô và ba mẹ vợ được món quà nào cả.
Mâu thuẫn được đẩy tới cao trào khiến N. quyết định thực hiện các thủ tục pháp lý cho việc ly hôn, quyết tâm kết thúc mối quan hệ, bởi cô thấy chồng không yêu thương và trân trọng mình.
"Thay vì có thể hỗ trợ cho N. để nhanh chóng tiến hành các thủ tục ly hôn, thì tôi đã chuyển hướng cuộc trò chuyện từ những khúc mắc và bất đồng sang một cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Với vai trò là người hòa giải, tôi đã mở ra không gian an toàn cho mỗi bên để bày tỏ quan điểm và cảm xúc của mình mà không sợ bị phán xét. Tôi kể chuyện cho N. nghe những câu chuyện của các cặp vợ chồng khác với những tình huống bi đát hơn nhằm khuyến khích sự trao đổi cởi mở về việc phân chia trách nhiệm, quản lý tài chính, và coi trọng nhu cầu lẫn nhau trong gia đình của cô. Dù bất đồng thế nào, hãy luôn giữ cho mình thái độ cởi mở để hiểu và yêu thương, bởi hạnh phúc không phải là điều tự nhiên mà có, mà là kết quả của sự nỗ lực không ngừng từ cả hai phía", luật sư, hòa giải viên Đỗ Ngọc Thanh đưa ý kiến.
Hơn thế nữa, hòa giải viên còn nhấn mạnh, để không đi đến bước ly hôn, cần phải biết dung hòa mối quan hệ vợ chồng để phù hợp với người bạn đời. Sự cố chấp hoặc quá mềm yếu đều có thể dẫn đến mất cân bằng là một phần nguyên nhân dẫn đến bất hòa. Trong đời sống hôn nhân, các quyết định trọng yếu khi đưa ra cần được dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau. Đặc biệt, trong đó, vai trò truyền thống giữa vợ và chồng là cách để duy trì mối quan hệ hôn nhân. Không chỉ là nói lên những mong muốn và nhu cầu của mình, mà còn là việc biết cách lắng nghe và đáp lại nhu cầu của người bạn đời một cách tôn trọng và yêu thương.
Sau các buổi hòa giải ấy, N. đã thông báo lại rằng, cô và chồng đã tìm lại được niềm vui trong cuộc sống chung. Họ đã cùng nhau bắc những "cây cầu" giao tiếp, học cách lắng nghe và thấu hiểu nhau hơn. Cô cũng không quên gửi lời cảm ơn tới luật sư, hòa giải viên Đỗ Ngọc Thanh vì đã giúp vợ chồng cô nhận ra rằng mỗi khúc mắc, dù nhỏ nhất được tháo gỡ, đều có thể trở thành cơ hội để gắn kết nhau hơn. Chồng N. sau đó đã nhận ra những sai lầm, xin lỗi vợ và cố gắng sửa chữa các sai lầm đó.
"Với tôi, mỗi cuộc gọi như thế không chỉ đánh dấu kết thúc 1 cuộc khủng hoảng mà còn mở đầu cho chương mới trong cuộc đời của họ và đó cũng chính là niềm vui mà nghề đã mang lại", luật sư, hòa giải viên Đỗ Ngọc Thanh chia sẻ.
Cùng ngồi xuống để đối thoại
Kết thúc công việc ở Chi cục Thi hành án quận Phú Nhuận, TPHCM, hòa giải viên Lê Thị Lệ Duyên đã tham gia công tác hòa giải của TAND TPHCM từ tháng 8/2023. Từ đó tới nay, chị đã tham gia hòa giải được gần 15 vụ.
Trò chuyện với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, hòa giải viên Lê Thị Lệ Duyên nhắc tới câu chuyện của người phụ nữ tên Trần Thị A., sinh năm 1968. Chị A. và chồng cũ đã ly hôn nhiều năm nay, họ có 3 người con. Hai người con gái đầu đã lớn, cậu con út còn nhỏ, đang học lớp 7. Sau khi đạt các thỏa thuận ly hôn và nuôi con, chị A. đồng ý cho cả 3 con ở với cha.
"Sau ly hôn, chị A. sang nước ngoài làm việc, sinh sống và lấy chồng mới, anh ấy là người nước ngoài. Khi đã yên ổn công việc, nơi định cư, chị quay trở về Việt Nam, muốn đưa các con sang Pháp. Tới lúc này, chị và chồng cũ mới có các phát sinh về việc phải thay đổi quyền nuôi con", hòa giải viên Lê Thị Lệ Duyên kể chuyện.
Theo đó, nếu như muốn đưa tên các cháu vào hồ sơ làm thủ tục bảo lãnh, thì đương nhiên vợ chồng chị A. phải cùng làm các thủ tục để thay đổi quyền nuôi con.
"Tôi nói rằng, việc chị A. đưa các con đi nước ngoài sinh sống, học tập sẽ tốt hơn cho tương lai của con trẻ. Anh hãy suy nghĩ về việc này, vì lợi ích, quyền lợi của tụi nhỏ. Và các con cũng muốn đi theo mẹ, nên mong anh hãy tạo điều kiện. Sau một hồi trò chuyện, thì cả hai người đã cùng đạt được các thỏa thuận, giữ hòa khí rất tốt đẹp", hòa giải viên Lê Thị Lệ Duyên kể lại.
Theo hòa giải viên Lê Thị Lệ Duyên, việc ngồi với nhau để tìm được ra phương cách giải quyết tốt nhất, giải quyết nhẹ nhàng các mâu thuẫn, chính là công việc và mục đích hướng tới của công tác hòa giải. Còn đối với những vụ không hòa giải thành, thì hòa giải viên hy vọng các bên sẽ tìm được hướng giải quyết hài hòa ở giai đoạn tòa thụ lý. Các vụ việc liên quan tới tình cảm gia đình có xu hướng hòa giải thành công hơn là các vụ việc tranh chấp đất đai, thừa kế... do đương sự không hợp tác, không cung cấp được đủ tài liệu chứng cứ về nguồn gốc đất.
Theo TAND TPHCM, năm 2023, công tác triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án của TAND hai cấp đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Kết quả đã giải quyết 2.200/3.868 đơn khởi kiện chuyển sang hòa giải, đối thoại, đạt tỉ lệ 56,86%. Trong đó, hòa giải thành công 1.082 trường hợp, đạt tỉ lệ 49,1%. Các hòa giải viên đều là những người có kinh nghiệm, uy tín, giúp tòa án giải quyết nhiều vụ việc, giảm khối lượng các vụ án phải đưa ra xét xử.
Điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên
Điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên được quy định tại Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 như sau:
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Hòa giải viên:
+ Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư;
+ Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại;
+ Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của TAND tối cao cấp, trừ người đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp, Kiểm sát viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên.