Lấy con người làm trung tâm ở lưu vực Mê Kông

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị mọi chính sách đối với lưu vực sông Mê Kông cần bảo đảm sinh kế bền vững của người dân

Ngày 5-4, tại thủ đô Vientiane của Lào đã diễn ra Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (gọi tắt: Ủy hội), với chủ đề "Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Kông".

Tham dự hội nghị có Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Thái Lan Surasri Kidti Monton cùng lãnh đạo và đại diện các đối tác đối thoại, đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng.

Tại hội nghị, các nước khẳng định cam kết chính trị cao nhất đối với việc thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Kông 1995, ủng hộ vai trò của Ủy hội là diễn đàn hợp tác hàng đầu về nước trong khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải đổi mới tư duy hợp tác và có những bước đi đột phá. Đề xuất về định hướng hợp tác của Ủy hội trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng cần tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhất, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện Hiệp định Mê Kông năm 1995, cũng như Bộ Quy chế sử dụng nước đã được xây dựng, đồng thời tập trung thực hiện tốt các kế hoạch, chiến lược của Ủy hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mê Kông quốc tế Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mê Kông quốc tế Ảnh: NHẬT BẮC

Cùng với đó, mọi chính sách và hành động cần lấy con người làm trung tâm, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn lưu vực, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững của người dân, tăng cường khả năng thích ứng; đồng thời tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia ở tiểu vùng sông Mê Kông.

Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp giữa Ủy hội và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác, trong đó phát huy vai trò là một trung tâm tri thức, cung cấp thông tin, dữ liệu, tư vấn cho các cơ chế hợp tác.

Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, kết nối và nâng cấp lưới điện của vùng; hợp tác giao thông thủy để thúc đẩy giao thương, bảo đảm vận tải an toàn, hiệu quả, không gây hại đến nguồn nước và môi trường sinh thái; tăng cường hợp tác với các đối tác để tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại, gắn kết hoạt động của Ủy hội với nỗ lực thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và các chương trình nghị sự quốc tế lớn khác.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác Mê Kông; đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động của Ủy hội một cách chủ động, tích cực, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân các nước, lợi ích các quốc gia trong lưu vực, giữa con người và thiên nhiên, giữa thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau...

Kết thúc hội nghị, trưởng đoàn các nước đã thông qua Tuyên bố chung Vientiane, kêu gọi Ủy hội, tất cả các đối tác và các bên liên quan phối hợp tìm ra những giải pháp sáng tạo để ứng phó với những thách thức, đồng thời nắm bắt các cơ hội và tăng cường hợp tác vì một lưu vực sông Mê Kông bền vững và bảo đảm an ninh nguồn nước, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc cởi mở, minh bạch, toàn diện, cùng có lợi, bình đẳng, tham vấn, phối hợp, hợp tác, tôn trọng chủ quyền…

Đẩy mạnh hợp tác với Lào

Chiều 5-4, sau khi bế mạc Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Kông, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.

Hai Thủ tướng nhất trí triển khai Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030, Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2023 và các thỏa thuận cấp cao, kế hoạch hợp tác đã ký; tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, các kênh để củng cố quan hệ chính trị tin cậy đặc biệt và bền chặt; phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự; tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng; phối hợp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm ma túy.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục nâng tầm hợp tác kinh tế; hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế; quyết tâm giải quyết dứt điểm một số tồn đọng và thúc đẩy các dự án trọng điểm như bến cảng Vũng Áng 1, 2, 3, sân bay Nongkhang, các dự án kết nối giao thông đường bộ, đường sắt theo hướng Đông - Tây…; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện về thủ tục hành chính, mặt bằng… cho các doanh nghiệp, dự án của Việt Nam tại Lào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào đảm nhận các trọng trách quốc tế trong thời gian tới, trong đó có vai trò Chủ tịch ASEAN/AIPA vào năm 2024.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ăn sáng và làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

BẢO TRÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/lay-con-nguoi-lam-trung-tam-o-luu-vuc-me-kong-20230405213741345.htm