Lễ hội cầu ngư - Nét riêng biệt của văn hóa vùng biển Bình Định

Tại Bình Định, đối với người dân vùng biển, lễ hội cầu ngư là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông của ngư dân. Tồn tại từ lâu đời, lễ hội cầu ngư đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo của vùng biển. Nó phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú và những tín ngưỡng mang màu sắc huyền bí trên sóng nước.

Vào dịp sau Tết Nguyên đán hàng năm, lễ hội cầu ngư của xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định được tổ chức tại lăng ông Nam Hải. Đây là nơi cải táng hài cốt của cá voi (cá ông) chết trôi dạt vào bờ. Xuất phát từ cuộc sống lênh đênh sóng gió, luôn phải đối chọi với bão tố, người dân vùng biển lấy thần linh làm chỗ dựa tinh thần. Họ luôn quan niệm rằng cá Ông là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển.

Lễ hội Cầu ngư xã Nhơn Hải vẫn giữ được nét xưa truyền thống, gồm 2 phần lễ chính là lễ và hội. Phần lễ được tiến hành theo các nghi thức dân gian, như dâng lễ Thần Nam Hải và mời Thần Cá nhập điện; cúng tế; cầu phúc, bình an đến với ngư dân. Nét đặc sắc trong lễ hội cầu ngư là loại hình múa hát bả trạo, thể hiện những sinh hoạt, lao động của ngư dân như: chèo thuyền, kéo lưới … Với ý nghĩa này, thời gian qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực để duy trì và phát triển lễ hội này.

Có thể nói, lễ hội cầu ngư được tổ chức hằng năm nhằm thể hiện khát vọng thiêng liêng của ngư dân về cuộc sống ấm no và tạo động lực, tâm thế vững tin vào vụ mùa đánh bắt mới. Đó cũng chính là nét văn hóa miền biển cần được giữ gìn và phát huy trong giai đoạn hiện nay.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Bảo Lâm

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/le-hoi-cau-ngu-net-rieng-biet-cua-van-hoa-vung-bien-binh-dinh-216299.htm