Lễ hội truyền thống góp phần giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước

BHG - Đồng Văn là địa phương có 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa riêng. Trong đó, lễ hội truyền thống là một phần không thể thiếu, phản ánh những sinh hoạt, những khát vọng cùng tài năng của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá. Ngày nay, trước sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ, các lễ hội truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng, thể hiện hồn cốt của dân tộc; đồng thời còn là “giáo án” vô giá góp phần giáo dục thế hệ trẻ, giúp thế hệ trẻ hiểu, gìn giữ, phát huy và quảng bá, đưa văn hóa truyền thống vươn xa.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, huyện Đồng Văn hiện có các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Lễ hội Khèn Mông; lễ hội Gầu Tào của người Mông thường được tổ chức vào tháng Giêng âm lịch; lễ cúng Tổ tiên của đồng bào Lô Lô xã Lũng Cú, tổ chức vào 23.7 âm lịch; lễ cúng thần Rừng của dân tộc Pu Péo xã Phố Là; lễ xuống đồng của dân tộc Pu Péo xã Sính Lủng; ngày hội văn hóa và lễ cúng thần Rừng của dân tộc Cờ Lao xã Sính Lủng; lễ ra đồng (Pặt oong) của người Pu Péo xã Phố Là… Những năm qua, thực hiện công tác quản lý bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc, các ngành chức năng và cấp ủy chính quyền, địa phương luôn quan tâm dành nguồn lực để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó, tổ chức các lễ hội truyền thống là hoạt động thiết thực và được làm thường xuyên, hiệu quả.

Nghệ nhân nhí tham gia biểu diễn múa khèn.

Nghệ nhân nhí tham gia biểu diễn múa khèn.

Lễ hội Khèn Mông là 1 trong những lễ hội lớn quy mô cấp huyện được tổ chức thường niên. Đến nay, sau 9 năm tổ chức, lễ hội đã gây được dấu ấn đậm nét, đặc biệt thu hút được đông đảo sự tham gia của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Là sinh viên năm cuối Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, em Vàng Thị Dế, sinh ra và lớn lên tại xã Thài Phìn Tủng, chia sẻ: Là người con dân tộc Mông, em luôn cảm thấy tự hào với bề dày văn hóa của đồng bào mình. Nhiều năm nay, dù đi học xa nhưng em đều về quê để tham gia Lễ hội Khèn Mông. Với em, nhờ các lễ hội mà thế hệ trẻ chúng em hiểu biết sâu sắc và rõ nét hơn về văn hóa của đồng bào mình. Chúng em có cơ hội để tham gia và giao lưu học hỏi các điệu khèn, cùng các mẹ dệt lanh, hiểu thêm về các phong tục, tập quán. Từ đó cảm thấy tự hào hơn, yêu văn hóa dân tộc hơn, tự tin giới thiệu văn hóa của mình với bạn bè. Là thế hệ trẻ, em nghĩ mình cần có trách nhiệm gìn giữ văn hóa của đồng bào, mỗi bạn trẻ là một đại sứ văn hóa dân tộc, tích cực tham gia các lễ hội, tích cực học hỏi ghi nhớ để hòa nhập, không hòa tan trước cuộc sống hiện đại hóa ngày càng mạnh mẽ.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn: Việc tổ chức các lễ hội truyền thống cũng như quan tâm giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho học sinh thông qua các lễ hội là việc làm cần thiết, góp phần bồi đắp thêm tình yêu, niềm tự hào cho thế hệ trẻ thấy được phải có trách nhiệm hơn trong phấn đấu học tập, lao động và gìn giữ, phát huy hơn nữa truyền thống của quê hương. Hiện nay, nhiều nhà trường đã thực hiện tốt việc đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy, bên cạnh đưa nội dung của các lễ hội vào giáo dục cho học sinh thông qua việc lồng ghép với các môn học Lịch sử, Ngữ Văn,... thì việc đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm tại các di tích vào dịp lễ hội cũng được các nhà trường thực hiện thường xuyên. Cùng với đó, là tổ chức các chương trình giao lưu với các nghệ nhân dân gian trên địa bàn huyện để truyền dạy cho các em văn hóa truyền thống của địa phương. Từ đó khơi gợi trong thế hệ trẻ sự trân trọng và có những nhận thức sâu sắc, yêu quý hơn về văn hóa đồng bào dân tộc mình.

Được biết, hiện 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đồng Văn đều có đội văn nghệ dân gian và duy trì thường xuyên luyện tập để biểu diễn tại các lễ hội, các sự kiện đặc biệt của địa phương và phục vụ khách du lịch. Nhờ có sự quan tâm gìn giữ và phát triển nên nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi như: Đánh yến, đánh sảng, đẩy gậy, đu quay, tung còn, kéo co của đồng bào vẫn thường xuyên được biểu diễn trong các lễ hội.

Thực tế, để bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống – một phần của văn hóa truyền thống cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị của các lễ hội cho thế hệ trẻ. Đồng thời, tại các nhà trường cần tích cực mời nghệ nhân, người am hiểu các nghi lễ, các trò chơi dân gian để truyền dạy lại cho các em; đồng thời tổ chức đưa học sinh đi khám phá, trải nghiệm các khu di tích cũng như tham dự các lễ hội do địa phương tổ chức... Thông qua đó, sẽ khơi gợi, bồi đắp và nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá.

Bài, ảnh: MY LY

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202405/le-hoi-truyen-thong-gop-phan-giao-duc-the-he-tre-tinh-yeu-que-huong-dat-nuoc-f260596/