Liên hợp quốc hy vọng Hội nghị về Nước có thể ngăn chặn khủng hoảng

Cuộc họp đầu tiên của Liên hợp quốc thể hiện quan hệ đối tác giữa các bên về vấn đề nước trong gần nửa thế kỷ đã kết thúc vào thứ Sáu (24/3), mang đến hy vọng giải quyết tình trạng căng thẳng về nguồn tài nguyên quan trọng nhất này trên toàn cầu. (CLO) Cuộc họp đầu tiên của Liên hợp quốc thể hiện quan hệ đối tác giữa các bên về vấn đề nước trong gần nửa thế kỷ đã kết thúc vào thứ Sáu (24/3), mang đến hy vọng giải quyết tình trạng căng thẳng về nguồn tài nguyên quan trọng nhất này trên toàn cầu.

Được biết, chưa có thỏa thuận ràng buộc quốc tế nào về nước giống như thỏa thuận đã đạt được về khí hậu ở Paris năm 2015, hoặc khuôn khổ thỏa thuận bảo vệ thiên nhiên ở Montreal năm ngoái, bất chấp những cảnh báo nghiêm trọng về những rủi ro mà con người phải đối mặt nếu nước không được quản lý hợp lí.

 Cuộc triển lãm ngoài trời trong Hội nghị về Nước của LHQ tại New York, Mỹ. Ảnh: Reuters

Cuộc triển lãm ngoài trời trong Hội nghị về Nước của LHQ tại New York, Mỹ. Ảnh: Reuters

Liên hợp quốc (LHQ) vừa công bố báo cáo cho thấy nước là chìa khóa cho sự sống còn của con người, và việc đảm bảo quyền tiếp cận nước cho tất cả mọi người sẽ phụ thuộc vào việc cải thiện hợp tác.

Tại Hội nghị về Nước 2023 của Liên hợp quốc (22 - 24/3), ấn bản mới của Báo cáo Phát triển Nước Thế giới - tập trung vào hai chủ đề là quan hệ đối tác và hợp tác - đã được xuất bản bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO).

Trước khả năng xảy ra “chiến tranh nước”, ông Richard Connor, tác giả chính của báo cáo cho hay nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu này có xu hướng dẫn đến hòa bình và hợp tác hơn là xung đột.

Ông nói, tăng cường hợp tác xuyên biên giới là công cụ chính để tránh xung đột và căng thẳng leo thang. 153 quốc gia có chung gần 900 con sông, hồ và hệ thống tầng chứa nước, trong đó hơn 50% nước này đã ký kết các thỏa thuận.

Gần 700 nhóm bao gồm chính quyền tiểu bang và địa phương, các nhóm phi lợi nhuận và một số công ty đã đệ trình các kế hoạch liên quan đến nước tại hội nghị. Các dự án bao gồm đầu tư vào nông nghiệp thông minh, cải tạo vùng đất ngập nước ở lưu vực sông Niger, lập bản đồ hệ thống nước ở Hague, Hà Lan.

Ông Charles Iceland - quyền giám đốc toàn cầu về nước tại Viện Tài nguyên Thế giới - cho biết khoảng 30% các kế hoạch được đệ trình có tác động và được tài trợ.

Trong hội nghị, công ty quản lý và xử lý nước thải Veolia của Pháp đã cam kết chi 1,7 tỷ đô la Mỹ trong vòng 5 năm tới cho cơ sở hạ tầng, công nghệ, nghiên cứu và đổi mới về lĩnh vực nước và vệ sinh. Tập đoàn đầu tư toàn cầu Ceres cũng đã bổ sung 25 thành viên vào chiến dịch kêu gọi các công ty giải quyết các rủi ro tài chính liên quan đến nước và bảo vệ tài nguyên.

Đồng thời, theo nhóm 18 chuyên gia độc lập của LHQ và các báo cáo viên đặc biệt, nước nên được quản lý như một lợi ích chung, không phải là một loại hàng hóa.

Ngọc Anh (theo Reuters, CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-hop-quoc-hy-vong-hoi-nghi-ve-nuoc-co-the-ngan-chan-khung-hoang-post240818.html