Loài ếch sở hữu tiếng kêu không ai có thể nghe được

Ếch lá (Haddadus binotatus) ở Brazil có tiếng kêu vượt qua khả năng nghe của con người.

Ếch lá (hay còn gọi là Haddadus binotatus) là loài ếch phổ biến nhất trong môi trường rừng Nam Mỹ. Dù có số lượng nhiều nhưng chúng rất tí hon; những con cái lớn nhất chỉ dài khoảng 64 mm.

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã lần đầu tiên ghi lại những tiếng kêu của loài ếch Nam Mỹ này, và họ thu được một tần số hoàn toàn vượt qua khả năng nghe của con người. Nhưng đây lại là một âm thanh vô cùng khó chịu đối với những loài động vật có thể nghe được.

Khi bị tấn công, chúng không thể chiến đấu trực tiếp với loài săn mồi. Vì vậy chúng phát ra tiếng hét siêu âm nhằm tự vệ.

Ếch lá là loài đặc hữu của Rừng mưa nhiệt đới Đại Tây Dương của Brazil. (Ảnh: Henrique Nogueira)

Chúng ta được biết rằng, một số loài ếch sử dụng tiếng kêu của mình để cảnh báo nguy hiểm ập đến và để kêu cứu. Nghiên cứu mới nhất của Trường Đại học Campina ở Brazil đã xác nhận rằng ếch có thể phát ra sóng siêu âm.

Ubiratã Ferreira Souza, nhà sinh thái học hành vi từ Trường Đại học Campina, cho biết: "Những loài săn mồi của động vật lưỡng cư, chẳng hạn như dơi, chuột và linh trưởng nhỏ, có thể phát ra và nghe được âm thanh ở tần số này, điều mà con người không thể"

"Một trong những giả thuyết của chúng tôi là chúng phát ra tiếng kêu này tới những loài động vật săn mồi nói riêng, nhưng cũng có trường hợp cho rằng tiếng kêu siêu âm này là để cố gắng đe dọa càng nhiều kẻ thù càng tốt."

Tiếng kêu này là một phần trong chuỗi hành vi phòng thủ. Chúng gập lưng và nâng phần trước cơ thể, miệng mở rộng, như chuẩn bị cho tiếng "hét" kinh hoàng được phát ra khi ếch khép một phần miệng lại.

Miêu tả hành vi "tự vệ" của ếch lá (Ảnh: Google)

Trong khi con người chỉ có thể nghe được âm thanh dưới 20 kilohertz, phần mềm mà Souza và nhóm của ông sử dụng để ghi lại tiếng kêu của ếch chỉ ra rằng âm thanh này trải dài từ 7 đến 44 kilohertz.

Họ cho rằng dải tần số rộng này, cùng tư thế có phần đáng gờm của ếch rừng lá, giúp ngăn chặn các loài động vật săn mồi gây sự với chúng. Vì một số loài ếch khác trên thế giới cũng có tiếng kêu lớn như vậy, hành vi này có thể phổ biến hơn những gì chúng ta được biết.

"Với sự đa dạng của lớp lưỡng cư ở Brazil là cao nhất trên thế giới, bao gồm hơn 2.000 loài, không có gì ngạc nhiên khi các loài ếch khác cũng phát ra âm thanh ở những tần số này," nhà sinh thái học Mariana Retuci Pontes của Đại học Bang Campina cho biết.

Cô đã quan sát được hành vi tương tự khi tiếp xúc với một loài ếch riêng biệt trong chuyến tham quan Công viên Du lịch Nhà nước Ribeira trên cao vào tháng 1 năm 2023. Tuy vậy, cô không xác thực được sự hiện diện của dải tần số siêu âm trong đoạn video cô ghi lại.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ chưa thể tìm hiểu rõ cơ chế chính xác của tiếng kêu chống lại kẻ săn mồi, nhưng họ cho rằng nó có thể là để đối phó trực tiếp với chúng hoặc thậm chí để thu hút kẻ thù tự nhiên của kẻ săn mồi. Chẳng hạn như tiếng kêu có thể thu hút sự chú ý của con cú mèo, loài săn mồi của rắn.

Đức Anh (Theo Science Alert)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loai-ech-so-huu-tieng-keu-khong-ai-co-the-nghe-duoc-16924042615440366.htm