Loại trừ hoàn toàn tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 trong lĩnh vực sản xuất điều hòa, làm lạnh

Chiều 18/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo Tổng kết dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II).

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ở Việt Nam, cơ quan chủ quản thực hiện Dự án.

Dự án được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal, ủy thác Ngân hàng Thế giới quản lý. Dự án HPMP II được phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2018-2023 nhằm mục tiêu giúp Việt Nam giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal.

Trong đó, Cục Biến đổi khí hậu được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động theo Văn kiện dự án được phê duyệt tại Quyết định số 1888/QĐ-BTNMT ngày 13/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Sau giai đoạn 5 năm thực hiện dự án (2018-2023), một số mục tiêu đã được hoàn thành, bao gồm:

(1) Loại trừ hoàn toàn tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí gia dụng, lĩnh vực làm lạnh, sản xuất xốp XPS và lĩnh vực dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh;

(2) Loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt;

(3) Bảo đảm để Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC từ năm 2020 đến năm 2024;

(4) Giảm lượng phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng các công nghệ thay thế không có tiềm năng làm suy giảm tầng ô-dôn (ODP) và tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP) thấp, cải thiện hiệu suất năng lượng trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí;

(5) Tăng cường kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất HCFC và tuyên truyền, phổ biến các công nghệ không sử dụng HCFC trong các lĩnh vực liên quan;

(6) Hoàn thành xây dựng Văn kiện dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn III trình Quỹ Đa phương xem xét tài trợ cho việc loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất HCFC ở Việt Nam.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: “Những kết quả nêu trên có được là nhờ sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan, các hội/chi hội điện tử và điện lạnh của các địa phương, các trường cao đẳng và trung cấp nghề đào tạo về lĩnh vực điện lạnh, các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế, sự nỗ lực và quyết tâm của các doanh nghiệp tham gia các tiểu dự án chuyển đổi công nghệ đã vượt qua những khó khăn như đại dịch Covid-19, những biến động về thị trường và tình hình kinh tế trong nước trong suốt quá trình thực hiện Dự án”.

Tiếp nối những kết quả đã đạt được và tiếp tục lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc nghiên cứu những vấn đề trọng tâm, các lĩnh vực ưu tiên để tham mưu đáp ứng việc loại trừ các chất được kiểm soát.

Việt Nam đã gửi Quỹ đa phương thi hành Nghị định thư Montreal đề xuất Dự án Quản lý bền vững các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal (KIP I và HPMP III) tập trung vào: Tiếp tục loại trừ tiêu thụ các chất HCFC trong lĩnh vực dịch vụ bảo trì, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí; Hỗ trợ cho việc tuân thủ nghĩa vụ giữ mức tiêu thụ ở mức cơ sở vào năm 2024 và loại trừ 10% lượng tiêu thụ cơ sở các chất HFC vào năm 2029.

Trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao trong các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn, góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị định thư Montreal.

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn đã chi tiết hóa nhiều nội dung về quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, quản lý các môi chất lạnh được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal và quy định lộ trình xây dựng, triển khai thị trường trao đổi tín chỉ các-bon tại Việt Nam trong thời gian tới.

Nguyễn Hương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/loai-tru-hoan-toan-tieu-thu-1000-tan-hcfc-22-trong-linh-vuc-san-xuat-dieu-hoa-lam-lanh-d205418.html