Loạt vi phạm đất đai tại huyện Chương Mỹ, trách nhiệm thuộc về ai?

Thời gian qua, việc hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp tại địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội, bị sử dụng trái quy định, xây dựng trái phép nhiều công trình kiên cố nhưng không bị chính quyền xử lý khiến dư luận vô cùng bức xúc.

 Dù UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND huyện Chương Mỹ vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng tại địa bàn, tuy nhiên đến nay tình trạng này vẫn tái diễn, chưa được ngăn chặn và xử lý dứt điểm. Ảnh: Thanh Giang

Dù UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND huyện Chương Mỹ vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng tại địa bàn, tuy nhiên đến nay tình trạng này vẫn tái diễn, chưa được ngăn chặn và xử lý dứt điểm. Ảnh: Thanh Giang

Quá trình ghi nhận thực tế cho thấy, tại nhiều xã thuộc huyện Chương Mỹ hiện nay, tình trạng nhiều cá nhân và tổ chức “vô tư” xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, bất chấp các quy định đang diễn ra rất nhức nhối, với những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Theo phản ánh của người dân thôn Liên Hợp, xã Quảng Bị, địa bàn xã này đã và đang tồn tại hàng loạt công trình xây dựng trên đất nông nghiệp. Trong đó, nổi bật nhất là công trình biệt thự xây dựng kiên cố hàng trăm mét vuông tại khu vực cánh đồng tiếp giáp đường tỉnh 419 đoạn từ cây xăng Hải Dương đến đường liên xã Quảng Bị - Thượng Vực.

Theo nội dung Báo cáo số 886/BC-UBND của UBND huyện Chương Mỹ gửi Sở Xây dựng Hà Nội, tại xã Quảng Bị tồn tại 4 công trình vi phạm đất đai. Những công trình này gồm, công trình của ông Nguyễn Đình Lân (xứ Đồng Lò, đội 11, thôn Liên Hợp), nguồn gốc đất là đất lúa chuyển đổi sang đất trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản; ông Lân đã xây dựng tường bao xung quanh khuôn viên đất, chiều cao 2,8m; xây dựng nhà ở diện tích 319,62m2 và lát gạch làm sân.

Bên cạnh đó là công trình của ông Bùi Tất Thắng (đồng Gò Hạc, đội 12, thôn Liên Hợp), nguồn gốc đất là đất nông nghiệp đã được chuyển đổi sang chăn nuôi kết hợp trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản. Ông Thắng đã xây dựng nhà diện tích 90m2, lát gạch làm sân với diện tích 110m2 và tường bao, quây tôn xung quanh khuôn viên đất.

Cũng tại xứ Đồng Lò (đội 11, thôn Liên Hợp) còn có công trình hộ ông Tạ Xuân Trường xây dựng nhà với diện tích 126m2, một nhà bảo vệ 15m2 và hộ gia đình ông Tạ Viết Năm xây dựng nhà thép hộp diện tích 60m2, bếp diện tích 22,5m2 và nhà vệ sinh diện tích 6m2. Cả hai hộ này đều xây dựng công trình trên đất nông nghiệp.

Tương tự, tại địa bàn xã Trần Phú cũng tồn tại nhiều công trình nhà xưởng sản xuất trái phép, xây dựng trên đất nông trường với tổng diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông. Trong quá trình hoạt động, khu vực sản xuất này gây ra nhiều tiếng ồn, khói bụi tác động nghiêm trọng tới cuộc sống người dân xung quanh.

Theo đó, tại xóm 5, thôn Vôi Đá (xã Trần Phú) hiện đang tồn tại các công trình nhà xưởng có diện tích từ vài trăm cho tới hàng nghìn mét vuông, nhiều trạm trộn bê tông (công suất nhỏ) đang hoạt động vào mục đích sản xuất gạch coric, gạch không nung, đúc bê tông khuôn mẫu...

Các công trình này có một đặc điểm chung đó là đều có dấu hiệu không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn bất cứ lúc nào. Tại đây có từ 4 đến 5 đơn vị đang sản xuất như Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Vân Sơn, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Hải Dương...

Theo phản ánh, tình trạng hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, thậm chí là đất công cũng diễn ra tại địa bàn xã Ngọc Hòa, khiến người dân rất bất bình. Điển hình trong đó phải kể đến công trình nhà khung thép, mái lợp tôn của hộ gia đình ông Nguyễn Đình Nguyên (thôn Ngọc Giả), xây dựng trên diện tích 100,9m2 đất công do UBND xã Ngọc Hòa quản lý.

Ngoài ra, người dân địa phương cũng phản ánh về nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý sử dụng đất đai, trật tự xây dựng tại địa bàn huyện Chương Mỹ.

Dù UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND huyện Chương Mỹ vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng theo đúng quy định của pháp luật; tuy nhiên đến nay tình trạng này vẫn đang tái diễn, chưa được ngăn chặn và xử lý dứt điểm.

Liên quan đến công tác quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Chương Mỹ, trước đó, ngày 8/12/2023, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 14735/VP-ĐT yêu cầu kiểm tra, xử lý các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông chỉ đạo UBND huyện Chương Mỹ khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng theo đúng quy định của pháp luật; xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tại Văn bản số 3963/UBND-TTĐT ngày 22/11/2023.

Đồng thời tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát trên toàn địa bàn để chấn chỉnh kỷ cương trong công tác quản lý, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp có vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng; báo cáo UBND TP kết quả thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát quá trình UBND huyện Chương Mỹ triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao nêu trên; báo cáo UBND TP kết quả thực hiện.

 Hàng loạt công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại địa bàn xã Quảng Bị. Ảnh: Thanh Giang

Hàng loạt công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại địa bàn xã Quảng Bị. Ảnh: Thanh Giang

Ông Trịnh Duy Oai - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ chính là lãnh đạo phụ trách lĩnh vực đất đai, xây dựng tại địa bàn huyện này. Tháng 3/2021, ông Trịnh Duy Oai được HĐND huyện Chương Mỹ bầu giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện khóa XIX, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trước khi trở thành Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, ông Trịnh Duy Oai đã có nhiều năm giữ chức Trưởng phòng Quản lý và Đô thị huyện.

Cũng trong tháng 12/2023, Thanh tra Chính phủ đã công bố Quyết định thanh tra số 729/QĐ-TTCP ngày 21/12/2023, về việc việc chấp hành quy định của pháp luật trong công tác quản lý sử dụng đất đai và quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng trên địa bàn Hà Nội.

Đoàn thanh tra gồm 15 người có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội gồm công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn một số quận, huyện theo tinh thần Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 6/12/2019 của Chính phủ; quy hoạch và quản lý, sử dụng đất 20% làm nhà ở xã hội của TP Hà Nội…

Thời kỳ thanh tra từ năm 2011 - 2022. Quá trình thanh tra nếu có nội dung liên quan, đoàn thanh tra có thể kiểm tra, xem xét những nội dung liên quan trước và sau thời kỳ nêu trên. Thời hạn thanh tra 60 ngày làm việc thực tế, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không tính ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định). Đoàn thanh tra có nhiệm vụ tiến hành thanh tra theo nội dung quy định và kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt.

Theo Quốc Dân/Thanh Tra

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/loat-vi-pham-dat-dai-tai-huyen-chuong-my-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-1990575.html