Lợi ích cộng đồng nhìn từ dự án hồ Đarana

Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Đarana ở thôn 6, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, thuộc dự án cụm công trình thủy lợi vùng cao biên giới tỉnh Bình Phước. Cuối năm 2018, UBND huyện Bù Đăng ban hành thông báo thu hồi đất, đồng thời thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư công trình hồ chứa nước Đarana. Ngay sau đó, công tác kiểm kê, áp giá bồi thường cũng được tiến hành. Đến nay, công trình hồ chứa nước cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên việc đóng đập để dẫn nước vào hồ còn gặp nhiều khó khăn.

Được lợi nhờ nhận tiền đền bù sớm

Gia đình anh Nguyễn Thế Sơn ở thôn 6, xã Đức Liễu phải giải tỏa 9.000m2 đất để xây dựng công trình hồ chứa nước Đarana. Tháng 7-2019, nhận quyết định thu hồi đất của UBND huyện Bù Đăng, gia đình anh Sơn là một trong những hộ dân chấp hành giao trả mặt bằng sớm nhất. Sau khi nhận tiền bồi thường và đất tái định cư, anh Sơn mua 1,5 ha đất nông nghiệp giá 1,2 tỷ đồng, còn lại dùng xây 1 căn nhà mới. Sau thu hồi, gia đình anh vẫn còn 1,7 ha đất trồng cà phê và cây ăn trái.

Anh Nguyễn Thế Sơn trước căn nhà mới sau khi được bồi thường và hỗ trợ tái định cư

Anh Nguyễn Thế Sơn trước căn nhà mới sau khi được bồi thường và hỗ trợ tái định cư

Những năm trước khu vực này thường xuyên thiếu nước về mùa khô. Nhiều hộ khoan giếng sâu hàng chục mét vẫn thiếu nước sinh hoạt. Hàng trăm hécta đất nông nghiệp của người dân trong vùng bị mất mùa vì thiếu nước tưới. Khi biết Nhà nước xây dựng công trình hồ chứa nước ngay cạnh chân đồi, anh Sơn rất phấn khởi. Bởi, nếu có nước tưới thì bà con nông dân mới có thể chuyển sang trồng các loại cây giá trị kinh tế cao. Anh Sơn cho biết: “Mùa khô năm 2015-2016 là thời điểm hạn nhất, nước ngầm ở đây cạn kiệt. Gia đình tôi thuê máy khoan tới mấy chục mét vẫn không có nước. Chi phí đào hồ, khoan giếng cả trăm triệu đồng nhưng không có nước tưới. Thu nhập năm đó khoảng 200 triệu đồng nhưng trừ chi phí khoan giếng, đào ao chỉ còn 100 triệu đồng thôi, thiệt hại mùa vụ rất lớn. Giờ chỉ mong hồ chứa nước đóng đập để mùa khô năm nay có nước tưới cho vườn cà phê”.

Công trình hồ chứa nước Đarana đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên chưa thể đóng đập do còn vướng một số hộ chưa đồng ý đền bù, giải tỏa

Công trình hồ chứa nước Đarana đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên chưa thể đóng đập do còn vướng một số hộ chưa đồng ý đền bù, giải tỏa

Sau gần 2 năm dời nhà về nơi ở mới, gia đình anh Sơn đã ổn định cuộc sống. Hộ anh đang dùng chung nước giếng của hàng xóm. Trong tương lai, có hồ chứa nước, anh không còn vất vả khoan giếng lấy nước tưới cho vườn cà phê như mọi năm. Hồ không chỉ phục vụ nước tưới mà còn mang lại không khí trong lành cho cả khu vực. Cũng nhờ nhận tiền bồi thường sớm, anh không chỉ mua thêm được đất sản xuất mà giá trị mảnh đất còn cao gấp 3 lần so với lúc mua.

Gia đình ông Nông Văn Quẩy ở thôn 6, xã Đức Liễu bị thu hồi 1,2 ha, trên đất có nhà ở, công trình phụ và cây trồng lâu năm. Toàn bộ cây trồng, nhà cửa nằm trong vùng lòng hồ. Để ngăn đập nước, bắt buộc gia đình phải chuyển đến nơi ở mới. Qua công tác vận động, tháng 5-2021, ông nhận 2,9 tỷ đồng tiền bồi thường và 3 lô đất tái định cư. Với số tiền này, ông mua 2 ha đất nông nghiệp giá 1,2 tỷ đồng. Nhờ có tiền bồi thường, ông Quẩy đã mua đất và sinh lời vì đến thời điểm này, giá 1 ha đã tăng lên 2 tỷ đồng. Sau khi bàn giao mặt bằng, gia đình ông vẫn còn 1,8 ha đất trồng điều. Vừa có thêm đất canh tác vừa được cấp đất tái định cư, gia đình ông chỉ chờ ngày dọn đến nơi ở mới. Ông Quẩy cho biết: “Nếu mình không đồng thuận thì đến khi nào hồ chứa nước mới hoàn thành. Tôi giao mặt bằng cho Nhà nước làm hồ là vì lợi ích của cộng đồng. Mong sao công trình sớm đóng đập để bà con có nước tưới cho cây trồng”.

Hiểu thì mới đồng thuận

Ngay từ khi triển khai công trình, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã phối hợp chính quyền huyện, xã thành lập tổ tuyên truyền, vận động người dân chấp hành giải phóng mặt bằng. Qua gặp gỡ, vận động, đông đảo số hộ dân bị ảnh hưởng đã đồng tình ủng hộ và tự nguyện bàn giao mặt bằng vì họ hiểu được rằng đây là công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng thuận với chính sách bồi thường, bởi phần lớn diện tích đất của gia đình họ bị thu hồi nên rất lo sau khi nhận tiền bồi thường khó có thể mua được đất canh tác và tạo dựng lại cuộc sống như ban đầu. Do vậy, trong 89 hộ bị thu hồi đất, đến nay 83 hộ đồng ý nhận tiền bồi thường, còn lại vẫn đang khiếu nại đơn giá bồi thường về đất và tài sản hoa màu.

Công trình đập ngăn hồ chứa nước Đarana

Công trình đập ngăn hồ chứa nước Đarana

Gia đình bà Lê Thị Mì ở thôn 6, xã Đức Liễu bị thu hồi hết đất, phải giải tỏa nhà ở, cây trồng. Tháng 7-2020, gia đình bà nhận quyết định thu hồi đất, nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Cả gia đình ở lại trong vùng lòng hồ vì còn khiếu nại đơn giá bồi thường về đất, nhà cửa, giá cây trồng và đất tái định cư. Tháng 10-2021, đơn vị thi công đắp bờ bao khiến mực nước ngập lên khu vực chăn nuôi, gây thiệt hại cá trong ao nên gia đình bà đã nhiều lần đề nghị hỗ trợ. Theo bà Mì, hội đồng bồi thường phải cấp đất tái định canh, vì gia đình bị thu hồi hết đất; bồi thường cây trồng theo giá thị trường và cấp thêm 1 lô tái định cư cho con gái đã tách khẩu năm 2012. Bà Mì cho biết: “Giá bồi thường về đất, cây trồng rẻ quá. Gia đình tôi không còn đất canh tác, chỉ mong được đổi đất nơi khác”. Vấn đề này, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã nhiều lần gặp gỡ, đối thoại với gia đình bà Mì. Đối chiếu các quy định pháp luật về đất đai, con gái bà Mì đã tách hộ khẩu trước khi dự án cụm công trình thủy lợi vùng cao biên giới được phê duyệt thì không được cấp đất tái định cư.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành: Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi hết đất ở, nhà ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở; không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được cấp đất tái định cư.

Theo thiết kế, hồ chứa nước Đarana cung cấp nước tưới cho 125 ha đất canh tác, với lưu lượng 200m3/ngày đêm. Tổng kinh phí đầu tư công trình hơn 20 tỷ đồng. Ông Hoàng Trọng Bình, Phó chủ tịch UBND xã Đức Liễu cho biết: “Những năm trước, mạch nước ngầm bị cạn kiệt, hạn hán thường xuyên xảy ra. Vì vậy, việc xây dựng công trình có ý nghĩa quan trọng, phục vụ nước cho sản xuất nông nghiệp. Trong tương lai, hồ còn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn, nhất là khi địa phương nâng cấp thành đô thị loại 5. Xã đã thành lập tổ tuyên truyền, vận động các hộ nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công”.

Đối với những hộ còn khiếu nại, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp chính quyền địa phương tiếp tục gặp gỡ đối thoại, giải thích để người dân hiểu rõ chính sách bồi thường và đồng thuận để sớm đẩy nhanh tiến độ dự án. Ông Trần Văn Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết: “Huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tiến hành kiểm tra, xác minh chính sách áp giá bồi thường, trên cơ sở áp dụng những quy định có lợi nhất để giải quyết kiến nghị của các hộ dân. Cũng mong người dân đồng thuận để hồ chứa nước sớm hoàn thành đưa vào sử dụng”.

Dự án cụm công trình thủy lợi vùng cao biên giới tỉnh Bình Phước được xây dựng từ năm 2017-2021. Đến nay, công trình đã hoàn thành đạt 99% khối lượng, sắp đi vào vận hành. Tuy nhiên, do còn vướng một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng nên công tác thi công đóng đập chậm hơn so với tiến độ. Để sớm hoàn thiện công trình, rất mong các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của người dân trong vùng lòng hồ. Bởi không lâu nữa mùa khô sẽ đến, nếu hồ chứa nước chưa hoàn thành thì tình trạng thiếu nước tưới sẽ tiếp tục tái diễn và thiệt hại về kinh tế cho người dân là khó tránh khỏi.

Thùy Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/134975/loi-ich-cong-dong-nhin-tu-du-an-ho-darana