Lợi ích trồng cây bản địa và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng

Sau gần 5 năm triển khai mô hình trồng cây bản địa và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, đến nay 115 ha rừng trồng của dự án gồm lát, xoan ta, trẩu, hồi, sơn tra đang phát triển tốt, góp phần đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao tỷ lệ tán che phủ rừng.

Cây lát trồng ở Trịnh Tường (Bát Xát) phát triển tốt.

Cây lát trồng ở Trịnh Tường (Bát Xát) phát triển tốt.

Dự án “Xây dựng mô hình trồng cây bản địa và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng” do Quỹ Lâm nghiệp Nhật Bản (Japan Forest Foundation) tài trợ thông qua Trung tâm Hợp tác Quốc tế và Xúc tiến Lâm nghiệp Nhật Bản (JIFPRO) được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt theo Quyết định số 3046 ngày 19/7/2017 trên địa bàn 3 tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 đến năm 2019, với mục tiêu nâng cao năng lực cho đồng bào dân tộc thiểu số về phát triển lâm nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn với các loài cây lâm nghiệp bản địa và từng bước tạo sinh kế cho người dân.

Tỉnh Lào Cai giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và triển khai trên địa bàn 3 huyện: Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà. Trên cơ sở mục tiêu của dự án và việc điều tra về tính đa dạng sinh học, có 3 xã vùng cao được lựa chọn triển khai: Trịnh Tường (Bát Xát), Tả Ngài Chồ (Mương Khương), Thải Giàng Phố (Bắc Hà). Đây là những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và đời sống, thu nhập còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt nơi đây phát hiện các loài cây bản địa như lát hoa, xoan ta, trẩu... Do vậy, sở đã đề xuất triển khai thực hiện trồng 115 ha rừng và 2 ha chè dây.

Tả Ngài Chồ là 1 trong 3 xã được lựa chọn thực hiện dự án. Có 66 hộ thuộc 4 thôn Bản Phố, Tả Lủ, Máo Chóa Sủ, Thàng Chư Pến được hỗ trợ trồng 57 ha cây hồi. Ông Bùi Thanh Hiếu, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Khương cho biết: Hồi là cây lâm nghiệp vừa có tác dụng phòng hộ, vừa mang lại thu nhập cho người dân khi cây cho quả. Cây trồng chăm sóc tốt năm thứ 5 cho quả và chu kỳ kinh doanh dài, thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu đều rất tiềm năng. Nhưng quan trọng hơn cả là cây hồi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ canh tác của người dân địa phương. Chính vì vậy, toàn bộ diện tích hồi được trồng ở xã Tả Ngài Chồ đạt tỷ lệ sống cao và đang phát triển tốt, hứa hẹn là cây lâm nghiệp đem về nguồn thu cho người dân từ bán quả hồi.

Anh Thào Seo Sèo ở thôn Bản Phố cho biết: Tham gia dự án trồng cây hồi, chúng tôi được hỗ trợ toàn bộ cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và một phần phân bón. Các hộ chỉ cần có quỹ đất trồng cây hồi, công trồng và chăm sóc cây. Hiện hơn 1 ha cây hồi của gia đình đang phát triển tốt, một số cây đã bắt đầu cho quả. Để có nguồn lương thực cho phát triển chăn nuôi, gia đình trong mấy năm nay trồng xen canh ngô trên diện tích đã trồng hồi. Với cách làm này vừa giảm chi phí làm cỏ, chăm sóc cây hồi, vừa gia tăng thu nhập.

Người dân Tả Ngài Chồ (Mường Khương) trồng xen canh ngô dưới tán cây hồi.
Ảnh nhỏ: Cây hồi trồng ở Mường Khương đã bắt đầu cho hoa, quả.

Không chỉ gia đình anh Sèo mà hầu hết các hộ tham gia dự án cũng trồng xen canh ngô, đậu tương dưới tán cây hồi. Chủ tịch UBND xã Tả Ngài Chồ Sùng Seo Sà cho rằng, do mật độ trồng cây hồi và tán cây không quá lớn, người dân có thể trồng xen canh được ngô, đậu tương, lạc trên diện tích đã trồng hồi. Như vậy sẽ làm giàu hệ sinh thái của rừng, đồng thời tăng thu trên cùng một đơn vị diện tích.

Tại thôn Bản Lầu, xã Trịnh Tường (Bát Xát), dự án đã hỗ trợ người dân trồng 80 ha lát, xoan ta, trẩu. Gần 5 năm trồng và chăm sóc, những đồi cây của người dân phát triển tốt, biến những quả đồi hoang hóa cỏ mọc thành những cánh rừng xanh ngát.

Ông Tạ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường cho biết: Các hộ tham gia dự án đều phấn khởi, bởi họ không những được hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp, mà còn được cấp cây giống, phân bón để trồng rừng. Sau khi triển khai dự án này, phong trào trồng rừng kinh tế ở xã được đẩy mạnh, nhiều hộ đã tự đầu tư trồng rừng.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Sau gần 5 năm triển khai, toàn bộ 115 ha rừng cây bản địa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và văn kiện của dự án. Những diện tích trồng năm 2017 đã đảm bảo tiêu chí thành rừng và cải thiện tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn các xã triển khai dự án; diện tích trồng còn lại tiếp tục được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Còn 2 ha chè dây đã cho thu hoạch sản phẩm, một số diện tích cây hồi bắt đầu ra hoa, cho quả, đây là tín hiệu rất tốt cho việc phát triển rừng bền vững và UBND xã Tả Ngài Chồ đã ký kết biên bản ghi nhớ với Hợp tác xã Tâm Hợi tại Bảo Thắng về liên kết tiêu thụ sản phẩm hoa hồi trên địa bàn xã.

Việc triển khai dự án đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng bền vững; tác động của việc phát triển rừng ứng phó với biến đổi khí hậu, thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và người dân trong phát triển trồng rừng, tạo nguồn thu bền vững từ rừng mà vẫn đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng.

“Với kết quả trên, ngành nông nghiệp Lào Cai tiếp tục đề nghị Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi với tổ chức JIFPRO hỗ trợ Lào Cai trong các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy và mục tiêu về phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030” - ông Tô Mạnh Tiến nói.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/357355-loi-ich-trong-cay-ban-dia-va-lam-san-ngoai-go-duoi-tan-rung