Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4) với nhiệm vụ 'chiến đấu thời bình'

Đến Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4), chúng tôi thấy trên con đường trải nhựa phẳng lỳ, hai bên hàng cây xanh mát được tô điểm bởi những hòn non bộ, bồn hoa, cây cảnh rực rỡ khiến ai cũng ngỡ ngàng. Lữ đoàn đẹp quá! Có được ngày hôm nay, đó là thành quả và công sức của biết bao thế hệ để xây dựng nên một 'Công viên xanh' ngày dưới chân núi Đụn và dòng sông Lam trong xanh, thơ mộng.

Đang thả hồn cùng khung cảnh hữu tình, bước chân đưa chúng tôi đến với Tiểu đoàn 4 - “mũi nhọn” của lữ đoàn trong nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) và chứng kiến buổi báo động luyện tập phương án PCTT-TKCN của đơn vị. Chỉ sau một thời gian ngắn phát khẩu lệnh, cán bộ, chiến sĩ tác phong nhanh nhẹn, quân trang chỉnh tề với đầy đủ vật chất, trang bị, phương tiện đã sẵn sàng cơ động.

Tiến lại gần một chiến sĩ, tôi hỏi: “Đồng chí có biết nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của bộ đội Công binh là gì không?”. “Báo cáo đồng chí! PCTT-TKCN, dò gỡ bom mìn, vật nổ là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của bộ đội Công binh ạ!” - Chiến sĩ trẻ trả lời dõng dạc. Tôi hỏi tiếp: “Đâu là điều thôi thúc các đồng chí vượt mọi khó khăn, hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?”. “Đó là mệnh lệnh từ trái tim người lính ạ!” - Chiến sĩ trả lời không một phút do dự. Câu chuyện với người lính trẻ mang đến cho tôi niềm vui bởi thấy thế hệ trẻ hôm nay họ có sức khỏe, trí tuệ, nhiệt huyết và hơn hết, các em được giáo dục nhận thức tốt về nhiệm vụ của mình.

Đại tá Mai Văn Thanh động viên bộ đội lên đường làm nhiệm vụ PCTT-TKCN.

Đại tá Mai Văn Thanh động viên bộ đội lên đường làm nhiệm vụ PCTT-TKCN.

Tập kết phương tiện, bốc xếp vật chất sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ PCTT-TKCN.

Tập kết phương tiện, bốc xếp vật chất sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ PCTT-TKCN.

Đến Sở chỉ huy lữ đoàn, đem câu chuyện đó trao đổi với Đại tá Mai Văn Thanh, Lữ đoàn trưởng, anh nói: “Đóng quân trên mảnh đất lắm nắng, nhiều mưa, hằng năm phải hứng chịu nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, giông lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Mặt khác, do nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ cháy rừng. Với vai trò là đơn vị chủ công của Quân khu trong PCTT-TKCN, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn luôn xem đây là nhiệm vụ chiến đấu thời bình, vì vậy, luôn quan tâm giáo dục bộ đội về nhiệm vụ, chuẩn bị đầy đủ vật chất, lực lượng, phương tiện để cơ động ứng cứu được ngay khi có lệnh”.

Nhiều lần theo Đại tá Mai Văn Thanh, Lữ đoàn trường chỉ đạo nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy rừng. Ở Lữ đoàn Công binh 414, anh là người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm nhất trong nhiệm vụ này. Trong suốt 9 năm trên cương vị Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng rồi Lữ đoàn trưởng, anh đều có mặt ở tất cả các địa điểm xảy ra sự cố thiên tai. Nhớ lại những trận cháy rừng trên địa bàn huyện Nam Đàn, không kể ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn hễ có lệnh là đi, đã đi là đến, đã đến là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không quản hiểm nguy, mặc cho cái nắng, cái nóng và khát, nhưng với tinh thần quả cảm của Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, chiến sĩ chia làm nhiều ca xuyên ngày, trắng đêm chiến đấu với “giặc lửa” cứu rừng, khống chế không để đám cháy bùng phát, lan rộng ra nhà dân.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Trong trận lũ quét xảy ra hồi tháng 8-2019 tại bản Sa Ná (xã Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa), hình ảnh những người lính Công binh dầm mình dưới dòng suối dữ, bắc cầu phao qua sông Luồng ứng cứu kịp thời bà con bản Sa Ná bị cô lập được nhân dân nhớ mãi. Hay trong trận lũ lịch sử tháng 10-2020, cũng những chiến sĩ Công binh ấy đã không quản ngại hiểm nguy, dầm mưa, đội gió, lội bùn phá đá mở đường, tham gia tìm kiếm cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 làm lay động hàng triệu triệu trái tim đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 tham gia cứu nạn tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, tháng 10-2020.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 tham gia cứu nạn tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, tháng 10-2020.

Nhắc lại vụ cháy rừng tại Eo Vòng, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn ngày 30-6-2019, anh Trịnh Văn Long ở xóm 2 (xã Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An) hết lời cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 và lực lượng cứu hộ. “Lửa quét đến rất nhanh, thiêu cháy cả rừng keo, chanh của dân và gia đình tôi, rồi cháy lan xuống khu vườn của căn nhà tôi phía dưới; gió lớn, lửa to khiến vợ chồng tôi cùng hàng chục hộ dân chỉ bất lực đứng nhìn, nghĩ thôi tài sản tiêu tan, đến đây là hết, mất tất cả rồi. Nhưng nhờ có bộ đội công binh 414 và công an chữa cháy có mặt phun nước, dùng máy thổi, vỉ dập lửa, tạo đường băng ngăn lửa kịp thời, nên gia đình tôi và hàng xóm thoát nạn”, anh Long chia sẻ.

Với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết là ngày trực cao điểm. Mùa hè trực chữa cháy rừng, mùa đông trực phòng mưa bão… Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ “chiến đấu thời bình”, Đại tá Đặng Viết Huỳnh, Chính ủy lữ đoàn kể cho tôi nghe những buổi “luyện quân” trên dòng sông Lam. Các cuộc “sát hạch” như vậy thường diễn ra vào những lúc nước sông Lam vốn trong xanh, yên ả, hiền hòa trở nên dữ dội chuyển đục ngầu sau cơn mưa lớn. Những lúc đó, cán bộ, chiến sĩ thực hiện những bài “luyện quân” ghép phà, bắc cầu, vớt người và tài sản trên sông bảo đảm sát thực tế. Đó là những buổi báo động luyện tập phương án sẵn sàng chiến đấu, PCTT-TKCN, hành quân rèn luyện, hành trú quân dài ngày mang vác nặng nhằm rèn luyện khả năng cơ động, sức chịu đựng, bền bỉ, dẻo dai cho bộ đội.

 Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 bắc cầu phao qua sông Luồng phục vụ cứu hộ, cứu nạn bản Sa Ná (xã Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa) tháng 8-2019.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 bắc cầu phao qua sông Luồng phục vụ cứu hộ, cứu nạn bản Sa Ná (xã Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa) tháng 8-2019.

Ngày 19-5 tới đây là kỷ niệm 51 năm Ngày truyền thống của Lữ đoàn Công binh 414. Cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn hôm nay luôn nhắc nhở nhau phải sống sao cho xứng đáng với những hy sinh và công lao của thế hệ đi trước. Quyết tâm huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng cơ động giúp nhân dân ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “chiến đấu thời bình” của Bộ đội Công binh.

Trò chuyện với các thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 4, các anh đều khẳng định: Những năm qua, phát huy truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 luôn nêu cao tinh thần phía trước là nhân dân; tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, luyện tập thuần thục các phương án PCTT-TKCN, chuẩn bị đầy đủ về người, vật chất, trang bị, phương tiện, tham gia xử trí kịp thời các tình huống thiên tai xảy ra, giúp nhân dân các địa phương giảm thiểu thiệt hại do bão lũ, cháy rừng, sụp đổ công trình, góp phần tô thắm hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong lòng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Bài và ảnh: HOÀNG THÁI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/lu-doan-cong-binh-414-quan-khu-4-voi-nhiem-vu-chien-dau-thoi-binh-725793