Lừa đảo trực tuyến, biết rồi nhưng… vẫn sập bẫy

Lừa đảo trực tuyến tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, ngày càng biến tướng tinh vi. Dù đã cảnh giác, nghi ngờ, nhưng không ít người vẫn sập bẫy và mất tiền. Tuyển dụng việc làm là một chiêu trò trong số đó.

Nắm bắt tâm lý mong muốn có việc làm của nạn nhân, chiêu trò lừa đảo vẽ ra rất nhiều kịch bản yêu cầu nạp tiền

Hơn 1 năm nay, chị V.T.T. (ngụ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) gửi hồ sơ xin việc rất nhiều nơi, nhưng chưa có kết quả. Chị cho biết, ngoài làm nội trợ, chị còn bán hàng online, tình hình ngày càng ế ẩm, chỉ mong tìm được công việc văn phòng, có thu nhập ổn định để trang trải chi phí nuôi con nhỏ.

Sau thời gian ròng rã “rải hồ sơ”, chị T. chán nản, dò tìm các trang tuyển dụng trên mạng, thấy khá nhiều đơn vị tuyển việc làm, thu nhập cao. “Tôi cũng dè chừng, lấy số điện thoại khác, đăng ký thông tin giả để vào hỏi thăm tư vấn. Thấy báo, đài đưa tin lừa đảo trực tuyến, tôi thật cẩn thận, luôn tỉnh táo… Vậy mà vẫn bị lừa mất tiền” - chị thở dài.

Theo lời kể của chị T., qua một trang Facebook chạy quảng cáo, chị thấy Fanpage có tên “Tuyển dụng VNPT”. Sau khi nhận hồ sơ của chị, phía tuyển dụng gọi điện hẹn ngày, giờ có mặt tại TP. Long Xuyên để phỏng vấn. Tuy nhiên, trước tiên phải làm bài kiểm tra kiến thức trực tuyến. Tài khoản của chị T. được đưa vào một nhóm để làm bài, mỗi câu trả lời giới hạn thời gian. Vừa làm bài, một số người trong nhóm hỏi han, chia sẻ có người quen đã đi làm trước, kinh nghiệm làm bài như thế nào...

Hoàn thành xong bài kiểm tra, nơi tuyển dụng yêu cầu chị gửi số tài khoản để chuyển hoa hồng 145.000 đồng. Đề phòng bị chiếm tài khoản, chị chuyển hết số tiền trong thẻ sang tài khoản của chồng rồi mới cung cấp. Sau 2 bài kiểm tra, chị nhận được 395.000 đồng. Đến bài kiểm tra cuối cùng, bên tuyển dụng yêu cầu chị gửi ngược lại số tiền để nhận hoa hồng thêm 50%, “gói” của bài kiểm tra thấp nhất sẽ nhận được 600.000 đồng, cao nhất là 20 triệu đồng.

“Lúc này, tôi đã nghi ngờ 90% là lừa đảo, tôi chọn gói thấp nhất, vì nếu bị lừa thì chỉ mất số tiền nhỏ. Nếu bên kia chuyển tiền hoa hồng và chiêu dụ gói lớn hơn thì tôi sẽ ngưng. Tự nhủ là vậy, sau khi tôi chuyển xong thì bên tuyển dụng không hề gửi hoa hồng, yêu cầu tôi chuyển sang gói khác để lấy lại gói giá trị trước đó. Biết mình sập bẫy, tôi liền thoát tài khoản. Bình tĩnh lại thì thấy chiêu trò của họ là thao túng tâm lý, một mặt yêu cầu làm bài kiểm tra và chuyển tiền để lấy mã, gói ưu đãi. Mặt khác, những người trong nhóm liên tục hỏi han nhau, thời gian làm bài có hạn… vì thế nạn nhân mất tập trung” - chị T. trần tình.

Lần tiếp theo, gặp Fanpage tuyển dụng có tên “Giao hàng tiết kiệm”, chị T. tiếp tục tạo nick mới, vào hỏi thăm. Lần này, “nhà tuyển dụng” hướng dẫn chị làm thủ tục trực tuyến nhanh gọn, nhiệm vụ văn phòng “nhẹ tênh” mà thu nhập rất hấp dẫn. Sau một vòng thì vẫn là chiêu cũ yêu cầu nạp tiền. Từ một người đi tìm việc, chị T. chuyển sang trạng thái tò mò, tiếc số tiền đã bị mất trước đó nên tiếp tục tham gia vào nhóm của trang lừa đảo. Chị nhận ra rằng, những kẻ lừa đảo có rất nhiều chiêu trò, chúng rất cảnh giác khi bị “câu ngược”.

Cùng suy nghĩ với chị T. trong tâm thế muốn lấy lại số tiền, anh N.V.D. (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) lại bị thêm 2 lần mắc bẫy. “Nhiều kịch bản được dựng lên không thể nào kể hết. Trong đó, một lần tôi bị lừa do nóng lòng sau khi mất tiền, tin tưởng những người có lòng tốt ngỏ ý giúp mình tìm lại.

Lần tiếp theo là thấy nhiều người chia sẻ cách “nhử” bên lừa đảo để kiếm được một số tiền rồi chọn khóa tài khoản trước. Tuy nhiên, đâu có “dễ ăn” như vậy! Theo tôi, tốt nhất mỗi người cần tỉnh táo, không nên chơi đùa với kẻ lừa gạt. Nhắm vào tâm lý của nạn nhân, chúng có rất nhiều kinh nghiệm để dẫn dắt từ người này đến người khác” - anh D. cho biết.

Hiện nay, không ít người trở thành nạn nhân của lừa đảo qua mạng. Ngoài bài học đánh đổi bằng số tiền bị mất, nhiều người còn đeo mang cảm giác nặng nề khi bị lừa gạt, người thân trách móc. Đáng nói là ở chiêu trò lừa đảo tuyển dụng, những người chọn tìm việc trên mạng có xu hướng thích “việc nhẹ, lương cao” nên rất dễ mắc bẫy. Chưa kể đến trình độ và kỹ năng, có người mong tìm được việc làm giờ giấc cố định, không tăng ca, không yêu cầu làm việc thêm ngoài giờ, thu nhập khá và ổn định.

Có người chỉ mong được ngồi tại nhà làm việc, làm bạn với máy tính mà vẫn kiếm được tiền rủng rỉnh, tranh thủ làm thêm nhiều việc khác. Đa số họ thất nghiệp hoặc công việc không ổn định, làm nội trợ… cho rằng các kênh chính thống đăng tuyển dụng việc làm rất ít hoặc không phù hợp.

Mỗi người tìm việc làm đều mong muốn chính đáng về tính chất công việc, môi trường, thu nhập, sự ổn định… Song rất ít người chịu chấp nhận thực tế là không có công việc nào thu nhập cao, làm việc nhẹ nhàng cả, nhất là trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Điều đó không đồng nghĩa với cách nghĩ "hễ đi làm là chấp nhận lương không đủ sống, làm nhiều mà đồng dư chẳng bao nhiêu"… Mỗi công việc, ngoài mức thu nhập tương ứng, còn là môi trường cho từng cá nhân trau dồi phát triển, đóng góp vì tập thể và xã hội.

Suy cho cùng, hậu quả của những nạn nhân bị lừa đảo tìm việc làm cũng tương tự nạn nhân ở các chiêu trò khác, xuất phát từ lòng tham, yêu cầu cao hơn thực tế, thậm chí không thực tế. Dù nhiều người rất tự tin cảnh giác, nhưng vẫn rơi vào bẫy, bởi bị nắm trúng tâm lý và khả năng dẫn dắt, bày chiêu của kẻ lừa đảo rất tinh vi, khó lường trước.

Theo Hoài Anh (Báo An Giang)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lua-dao-truc-tuyen-biet-roi-nhung-van-sap-bay-2282437.html