Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật về tranh chấp tài sản khi ly hôn

*Bạn đọc L.K. (thị xã An Khê) hỏi: Tôi và vợ tôi đang làm thủ tục ly hôn. Hai vợ chồng có tranh chấp về tài sản khi ly hôn, trong đó có sổ tiết kiệm và tài khoản ngân hàng đang đứng tên vợ nên tôi sợ vợ rút và tẩu tán số tiền này.

Vậy trong quá trình tòa án giải quyết, tôi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản của vợ có được không?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền yêu cầu tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Điều 2 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng Dân sự như sau:

“1. Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật Tố tụng dân sự (sau đây gọi chung là đương sự) có quyền yêu cầu tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự trong những trường hợp sau đây:

a) Để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được tòa án giải quyết mà cần phải được giải quyết ngay, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của đương sự;

Ví dụ: A. gây thương tích cho B. Tòa án đang giải quyết vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. B. cần tiền ngay để điều trị thương tích tại bệnh viện nên B. yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc A. thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.

b) Để thu thập, bảo vệ chứng cứ của vụ án đang do tòa án thụ lý, giải quyết trong trường hợp đương sự cản trở việc thu thập chứng cứ hoặc chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được;

Ví dụ: A. khởi kiện tranh chấp ranh giới bất động sản liền kề với B. A. yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, buộc B. giữ nguyên hiện trạng mốc giới ngăn cách đất, không được di dời.

c) Để bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối tượng có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được tòa án giải quyết;

Ví dụ: Trong vụ án ly hôn, người vợ đứng tên sổ tiết kiệm tại ngân hàng, người chồng yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản đứng tên người vợ để bảo đảm cho việc giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng.

d) Để bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án, tức là làm cho chắc chắn các căn cứ để giải quyết vụ án, các điều kiện để khi bản án, quyết định của tòa án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án”.

Như vậy, bạn có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản đứng tên người vợ để bảo đảm cho việc xét xử và thi hành án.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/luat-su-bui-thanh-vu-tu-van-phap-luat-ve-tranh-chap-tai-san-khi-ly-hon-post277743.html