Lý do vốn FDI 'chảy' vào TPHCM chững lại
Theo nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, những năm gần đây TPHCM có tình trạng thiếu đất cho công nghiệp công nghệ cao, kể cả với ngành cơ khí. Do đó, khả năng thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) những năm gần đây cũng chậm lại, đồng thời cũng đang thiếu một số dự án lớn để tạo điều kiện cho thành phố bứt phá.
Ngày 14/5, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý đất đai trên địa bàn TPHCM - Thực trạng và giải pháp” nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Luật Đất đai 2024.
Tại hội thảo, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phạm Chánh Trực nhìn nhận, sau gần 40 năm Đổi mới, tình trạng sản xuất nông nghiệp, làm ăn riêng lẻ, ruộng đất manh mún vẫn còn phổ biến. Điều này dẫn đến việc không thể tích tụ tập trung để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.
Cũng theo ông Trực, hiện hệ thống giao thông vận tải của chúng ta đang nghiêng lệch, không đồng bộ. Dù làm đường bộ, đường cao tốc rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều bất cập, kẹt xe xảy ra khắp nơi.
Do đó phải điều chỉnh lại, cân đối đầu tư cho hệ thống giao thông vận tải, lấy vận tải đường sắt (kể cả vận tải hàng hóa lẫn vận tải hành khách) làm chủ lực của hệ thống giao thông. “Đất nước ta hình thể dài, nếu có hệ thống đường sắt Bắc - Nam thì sẽ giảm thiểu chuyện lãng phí đất, lãng phí vốn”, ông Trực góp ý.
Tham gia ý kiến, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phạm Phương Thảo đánh giá thời gian qua, việc phát huy nguồn lực đất đai cho sự phát triển thành phố và đất nước là rất lớn. Tuy nhiên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, thiếu sót vì gặp chồng chéo, vướng mắc giữa hàng trăm văn bản liên quan. Ngoài ra, quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu minh bạch; giá đất không theo kịp giá thị trường và giao dịch ảo còn phổ biến gây thất thu lớn.
Bà Thảo cũng nhìn nhận việc TPHCM quy hoạch theo hướng đa trung tâm nhưng thực tế là một trung tâm. Nhiều dự án lớn chậm triển khai, bị treo ảnh hưởng nhiều đến các dự án khác… Bà Thảo cho rằng phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, sử dụng đất theo hướng đa trung tâm; dành thêm đất cho giao thông, hạ tầng xã hội, cây xanh...
Theo bà Thảo, thành phố cần tăng cường quản lý đất theo hướng số hóa, công khai, minh bạch; các cơ quan, đơn vị cần tăng cường kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai, gắn liền với thanh tra, kiểm soát để tránh tệ tham nhũng, lãng phí. “Phải xem những địa chỉ nào còn sử dụng, địa chỉ nào cần bảo tồn thì bảo tồn; địa chỉ nào cần bán để đưa vào quỹ phát triển thành phố, phát triển hạ tầng”, bà nói.
FDI chững lại do mất cân đối đất đai
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu xét ở góc độ đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, TPHCM đang bị mất cân đối nguồn đất. Cụ thể là thiếu đất giao thông, đất xây dựng nhà ở xã hội, y tế, giáo dục, đặc biệt là đất dành cho công nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Hiển, những năm gần đây có tình trạng thiếu đất cho công nghiệp công nghệ cao, kể cả với ngành cơ khí. Do đó, khả năng thu hút đầu tư của thành phố, nhất là nguồn vốn FDI những năm gần đây cũng chậm lại, đồng thời cũng đang thiếu một số dự án lớn để tạo điều kiện cho thành phố bứt phá.
Bên cạnh đó, giá đất ở TPHCM đang quá cao so với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều này đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành của hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến ảnh hưởng cho việc thu hút đầu tư.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý vai trò quan trọng của việc xác nhận quyền sở hữu đất đai cho người dân, doanh nghiệp. Khi xác định đầy đủ, minh bạch quyền sở hữu thì kinh doanh sẽ thông thoáng.
“TPHCM nên cần kiểm kê toàn bộ đất đai trên địa bàn, từ đó rà soát lại quy hoạch đô thị, kế hoạch sử dụng đất đai; bố trí cơ cấu đất đai cho phù hợp với cơ cấu kinh tế, khắc phục việc mất cân đối hiện nay”, ông Hiển đề nghị.
Quy hoạch sử dụng đất vẫn còn nhiều hạn chế
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, TPHCM có diện tích tự nhiên 2.095 km2, chiếm 0,63% diện tích cả nước và dân số tính cả thường trú và tạm trú khoảng gần 14 triệu người, là địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước. Công tác quản lý và sử dụng đất đai luôn được Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục.
Ông Hải thông tin, Thành ủy TPHCM đã ban hành Chương trình hành động số 38 để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; UBND TPHCM triển khai thực hiện Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TPHCM”.
TPHCM đã tập trung thực hiện quy hoạch sử dụng đất; thực hiện chuyển đổi số trong quản lý đất đai; đổi mới công tác tài chính đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất… Tuy nhiên, với nhiều khó khăn, thách thức cả khách quan, lẫn chủ quan, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ly-do-von-fdi-chay-vao-tphcm-chung-lai-post1637099.tpo