Lý giải 5 sự thật dễ gây hoang mang về nguy cơ mắc ung thư vú

Tầm soát ung thư vú là việc làm quan trọng và cần thiết với phụ nữ, khi nhận thấy bất thường nên đi khám chuyên khoa vì nếu tự tìm hiểu ở mạng xã hội rất dễ sa lầy vào những quan niệm sai lầm và thông tin sai lệch về y tế khiến bản thân hoang mang, có thể làm chậm cơ hội điều trị.

1. Hoang mang vì đọc thông tin không chuẩn về sức khỏe

Theo một nghiên cứu năm 2020 về nền tảng truyền thông xã hội Pinterest được đăng trên Tạp chí Y tế Công cộng Hoa Kỳ cho biết, "thủ phạm" chính gây nhiễu loạn thông tin về ung thư vú chính là mạng xã hội, nơi rất dễ cung cấp thông tin sai lệch về y tế.

Thực tế này cũng diễn ra phổ biến ở Việt Nam, khi mà người dân ít có thói quen truy cập vào tờ báo chính thống về y tế mà tìm kiếm thông tin về bệnh tật trên mạng xã hội như Facebook - nơi mà không một cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm về nguồn thông tin, chưa kể có người dù không có chuyên môn về y tế nhưng lại làm quản trị nhóm về sức khỏe.

Báo Sức khỏe&Đời sống (suckhoedoisong.vn) - Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế cung cấp những thông tin chuẩn xác, tin cậy về y tế, chăm sóc sức khỏe.

Báo Sức khỏe&Đời sống (suckhoedoisong.vn) - Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế cung cấp những thông tin chuẩn xác, tin cậy về y tế, chăm sóc sức khỏe.

Trong một bài báo của Viện Ung thư Quốc gia (NCI) "Giải quyết những thách thức của thông tin sai lệch về ung thư trên phương tiện truyền thông xã hội" cho thấy cứ ba bài viết được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội thì có một bài chứa thông tin sai lệch về bốn loại ung thư phổ biến nhất, trong đó có ung thư vú. Bài báo cho biết, điều đáng tiếc là thông tin sai lệch lại được nhiều người đọc hơn thông tin chuẩn xác.

Dưới đây là giải đáp của các chuyên gia về 5 băn khoăn thường gây hiểu lầm về ung thư vú từ các nguồn tin kém tin cậy:

Thừa cân có thể làm tăng khả năng mắc ung thư vú?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết nhiều yếu tố góp phần vào nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, trong đó có các yếu tố rủi ro không thể thay đổi (tuổi tác, đột biến gene, tiền sử sinh sản, tiền sử gia đình…) và những yếu tố rủi ro có thể điều chỉnh (không hoạt động thể chất, thừa cân, béo phì, dùng hormone, uống rượu...).

Trong đó không thể bỏ qua thực tế là thừa cân hoặc béo phì (chỉ số khối cơ thể lớn hơn 25) cũng có liên quan đến các yếu tố rủi ro mắc ung thư vú. Theo TS. Anna Chichura, chuyên gia phẫu thuật vú tại Phòng khám Cleveland (Hoa Kỳ) cho biết, béo phì thúc đẩy tình trạng viêm mạn tính, có thể dẫn đến tăng nguy cơ ung thư vú.

Theo Nhóm công tác của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), lượng chất béo trong cơ thể cao hơn thường liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư, bao gồm cả ung thư vú. Có mối liên hệ nhiều mặt giữa cân nặng và ung thư vú. Theo NCI, các tế bào mỡ tạo ra lượng estrogen dư thừa, có thể góp phần và thúc đẩy ung thư vú dương tính với thụ thể hormone. TS. Chichura cho biết thêm: "Có nhiều tế bào mỡ hơn dẫn đến nồng độ estrogen trong cơ thể cao hơn."

Ngoài ra, vấn đề về vị trí, trọng lượng tăng thêm ở bụng (chứ không phải lan ra quanh đùi và hông) có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, đặc biệt là trong thời kỳ mãn kinh, theo BreastCancer.org.

Tuy nhiên, không giống như tuổi tác, giới tính và lịch sử gia đình, cân nặng là một yếu tố rủi ro mà phụ nữ có thể thay đổi bằng cách áp dụng kế hoạch tập thể dục và ăn uống lành mạnh.

Nhiều người hoang mang trước các thông tin về nguyên nhân gây ung thư vú như mặc áo lót, dùng chất chống mồ hôi...

Nhiều người hoang mang trước các thông tin về nguyên nhân gây ung thư vú như mặc áo lót, dùng chất chống mồ hôi...

Chất chống mồ hôi có thể gây ung thư vú?

Bởi vì các sản phẩm này được thoa gần bầu ngực và một số thành phần có thể có tác dụng giống như estrogen (đặc biệt là các công thức dựa trên nhôm và paraben) nên đã có suy đoán rằng các thành phần trong chất khử mùi và chất chống mồ hôi có thể được vùng da dưới cánh tay hấp thụ, làm tăng nguy cơ của bệnh ung thư vú. Ngoài ra, có giả thuyết cho rằng vì chất chống mồ hôi ngăn bạn đổ mồ hôi nên các hạch bạch huyết (nằm dưới cánh tay và khắp ngực) sẽ không thể loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), không phải các hạch bạch huyết mà là thận và gan loại bỏ hầu hết các chất gây ung thư ra khỏi máu, giải phóng chúng vào nước tiểu và mật.

Theo Viện Ung thư Quốc gia, hiện không có nghiên cứu nào tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng chất khử mùi/chất chống mồ hôi và việc phát triển ung thư vú. Trong số các nghiên cứu cho thấy có thể có mối liên hệ nhưng số lượng phụ nữ tham gia nghiên cứu quá ít để có thể đưa ra kết luận, do đó cần có nghiên cứu bổ sung.

Tuy nhiên, chị em lưu ý không sử dụng chất khử mùi hoặc chất chống mồ hôi trước khi chụp quang tuyến vú, vì các thành phần kim loại có thể xuất hiện tương tự như vôi hóa ở vú và dẫn đến hình ảnh bổ sung và lo lắng không cần thiết.

Áo ngực có gọng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú?

Theo Quỹ Ung thư vú Quốc gia của Hoa Kỳ và các chuyên gia: Dây trong cúp áo ngực có gọng không làm hạn chế dòng chảy của chất lỏng bạch huyết, khiến độc tố tích tụ ở khu vực đó. Mặc dù áo ngực có gọng không vừa vặn (hoặc bất kỳ loại áo ngực nào) có thể dẫn đến khó chịu, đau đớn và có thể sưng tấy, nhưng điều không đúng là nó có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú của bạn (cũng như thông tin cho rằng không mặc áo ngực làm giảm nguy cơ).

Ngoài ra, không có bằng chứng nào chứng minh mối liên hệ giữa ung thư vú và kích cỡ áo ngực, số giờ mặc áo ngực trung bình mỗi ngày hoặc độ tuổi bạn bắt đầu mặc áo ngực.

Theo BSCKII. Nguyễn Thị Hoa Mai - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai trả lời báo Sức khỏe và Đời sống, thời điểm này chưa có một nghiên cứu nào cho thấy mối liên hệ giữa mặc áo ngực gây ung thư vú cũng như việc phẫu thuật thẩm mỹ có liên quan đến ung thư vú.

BSCKII. Nguyễn Thị Hoa Mai - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Ma

Ung thư vú là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở nữ, các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú bao gồm môi trường, thực phẩm ô nhiễm, hút thuốc lá hoặc bệnh nhân chiếu xạ vào vùng ngực hồi trẻ…., chỉ 10-15% bệnh nhân ung thư vú có các yếu tố gia đình, di truyền hoặc đột biến gene.

Chụp quang tuyến vú có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú?

Chụp quang tuyến vú vẫn là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư vú và phát hiện những thay đổi ở vú, theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư vú. Bởi vì chụp quang tuyến vú, kiểm tra vú thông qua nhiều hình ảnh X-quan, nhiều phụ nữ sợ rằng bức xạ phát ra từ chụp quang tuyến vú sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Maxine Jochelson, MD, giám đốc Dịch vụ Hình ảnh Vú của Memorial Sloan Kettering, cho biết không có nghiên cứu chứng minh tỷ lệ mắc ung thư cao hơn do bức xạ từ chụp quang tuyến vú định kỳ. Tiến sĩ Jochelson cho biết: Lợi ích cứu sống tiềm năng của việc phát hiện ung thư sớm hơn trong quá trình chụp quang tuyến vú định kỳ vượt xa mối lo ngại về việc tiếp xúc với một lượng nhỏ bức xạ.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ước tính liều lượng thấp của bức xạ từ chụp quang tuyến vú ở cả hai vú thực sự thấp hơn lượng nhận được từ môi trường xung quanh tự nhiên (được gọi là bức xạ nền) trong suốt bảy tuần.

Chụp quang tuyến vú vẫn là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư vú và phát hiện những thay đổi ở vú.

Chụp quang tuyến vú vẫn là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư vú và phát hiện những thay đổi ở vú.

Túi độn ngực có thể gây ung thư vú?

Theo Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ, cấy ghép vú có thể đi kèm với những rủi ro phẫu thuật như chảy máu, nhiễm trùng và những rủi ro do gây mê, nhưng TS. Chichura chỉ ra rằng đó không phải là ung thư vú mà là một loại ung thư hiếm gặp của hệ thống miễn dịch có thể xảy ra từ một số loại túi độn ngực có bề mặt nhám (vỏ). TS. Chichura giải thích: "Những túi độn này đã bị loại khỏi thị trường và không còn bán ở Hoa Kỳ".

Theo Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), u lympho tế bào lớn anaplastic liên quan đến cấy ghép vú (BIA-ALCL) là loại ung thư hiếm gặp này thường phát triển trong chất lỏng hoặc mô sẹo xung quanh mô cấy. Tuy nhiên theo Mayo Clinic, nó có thể được chữa khỏi trong giai đoạn đầu bằng cách loại bỏ các mô cấy.

Mặc dù vậy, chị em nếu có nhu cầu nâng ngực, cần lưu ý khuyến cáo của FDA là nên thận trọng với bất kỳ túi nâng ngực nào, thông báo bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường nào cho bác sĩ phẫu thuật hoặc đến cơ sở y tế.

Ngoài ra, cần lưu ý việc cấy ghép vú có thể khiến việc phát hiện ung thư vú bằng chụp quang tuyến vú trở nên khó khăn hơn, đó là lý do tại sao Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị nên tìm một cơ sở có kinh nghiệm chụp quang tuyến vú ở phụ nữ có cấy ghép vú để có được hình ảnh rõ ràng hơn.

2. Sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú giảm tỷ lệ tử vong

Theo các chuyên gia Khoa ngoại vú – Bệnh viện K cơ sở Tân Triều: Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất, đồng thời là nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư ở phụ nữ. Việt Nam là nước có tỷ lệ ung thư vú cao, năm 2020 căn bệnh này đứng đầu về số ca mới mắc trong các bệnh ung thư ở nữ giới với 21.555 ca, đứng thứ ba về số ca tử vong chung do ung thư với hơn 9.000 ca. Trong vài thập kỷ qua, sàng lọc đã giúp phát hiện sớm ung thư vú, đem lại cơ hội điều trị thành công cao hơn cho người bệnh, qua đó làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong.

Sàng lọc ung thư vú bao gồm tự khám vú, chụp X-quang tuyến vú hàng năm cho phụ nữ trên 40 tuổi. Điều trị ung thư vú cần phối hợp các phương pháp điều trị khác nhau bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, điều trị đích, nội tiết, miễn dịch… Trong đó phẫu thuật đóng vai trò chủ đạo và mở ra cơ hội chữa khỏi bệnh ung thư vú, đặc biệt là bệnh ung thư vú giai đoạn sớm.

Đưa sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung vào khám sức khỏe định kỳ.

Hoàng Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ly-giai-5-su-that-de-gay-hoang-mang-ve-nguy-co-mac-ung-thu-vu-169230820162916445.htm