Lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới

Sáng 24-11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới'.

Tại hội thảo, các báo cáo chuyên đề, tham luận dành nhiều thời gian trình bày rõ bối cảnh, quá trình thực hiện đường lối đổi mới, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ Đại hội VI của Đảng cũng như những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

 PGS, TSKH Võ Đại Lược phát biểu tại hội thảo.

PGS, TSKH Võ Đại Lược phát biểu tại hội thảo.

Báo cáo tham luận tại hội thảo, PGS, TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, từng tham gia Tổ tư vấn soạn thảo Báo cáo chính trị theo tinh thần chính sách kinh tế mới được Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Đại hội VI năm 1986 của Đảng thông qua đưa ra nhận định về vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay là phải xây dựng nền kinh tế thị trường theo các tiêu chí của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Việt Nam đã ký cam kết; cải cách hệ thống chính trị theo hướng kiểm soát được quyền; đổi mới cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để bảo đảm thực hiện được các yêu cầu trên.

PGS, TSKH Võ Đại Lược khẳng định: "Thế giới luôn biến động, chỉ có những quốc gia biết nắm bắt thời cơ, tận dụng các cơ hội, tự mình đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế chính sách mới có thể bứt phá phát triển. Việt Nam đã từng làm như vậy trong thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ XX nên Việt Nam đã có bứt phá phát triển. Hiện nay đang có những thời cơ hiếm có, Việt Nam phải tận dụng triệt để phát triển".

GS, TS Đặng Nguyên Anh phát biểu tham luận tại hội thảo.

GS, TS Đặng Nguyên Anh phát biểu tham luận tại hội thảo.

Tham luận của GS, TS Đặng Nguyên Anh, nguyên Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam lại tập trung nhận diện, phân tích những vấn đề xã hội và quản lý phát triển xã hội trong tình hình mới. Theo GS Đặng Nguyên Anh, bên cạnh những thành tựu nổi bật trong chăm sóc, ưu đãi người có công, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại khi chưa có đột phá trong hoàn thiện thể chế đồng bộ về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo tiếp tục gia tăng, nhiều vấn đề về y tế, giáo dục, an sinh xã hội, nguồn nhân lực, việc làm… cần được quan tâm giải quyết thỏa đáng.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo thống nhất nhận định, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, được quốc tế thừa nhận và đánh giá cao. Từ một nền kinh tế lạc hậu, đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, Việt Nam đã vươn lên thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá, chất lượng tăng trưởng, an sinh xã hội được cải thiện. Việt Nam đã duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, một số lĩnh vực chưa đạt kết quả như mong muốn. Từ đó, các đại biểu đưa ra nhiều quan điểm, giải pháp trong phát triển kinh tế, xã hội, con người... hiện nay.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tin, ảnh: KHÁNH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ly-luan-va-thuc-tien-qua-40-nam-doi-moi-va-nhung-van-de-dat-ra-trong-giai-doan-moi-752810