Malaysia tham vọng lấy lại vị thế, Việt Nam tăng tốc trong cuộc đua 1.000 tỷ USD

Malaysia tham vọng lấy lại vị thế 'thung lũng silicon của phương Đông' trong khi các quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng đang chớp lấy cơ hội để trở thành những mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn.

 Ngành công nghiệp bán dẫn đang trở nên sôi động hơn ở khu vực Đông Nam Á.

Ngành công nghiệp bán dẫn đang trở nên sôi động hơn ở khu vực Đông Nam Á.

Ông Ng Kok Tiong, Phó chủ tịch cấp cao của nhà sản xuất chip Infineon đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Chế tạo Chất bán dẫn Malaysia, khẳng định trong suốt 34 năm làm trong ngành, anh chưa từng thấy ngành công nghiệp bán dẫn của Malaysia sôi động như hiện nay.

Malaysia hiện đang là quốc gia dẫn đầu về sản xuất chip ở châu Á. Quốc gia này từng được mệnh danh là “Thung lũng silicon của phương Đông” trước khi đánh mất vị thế vào tay Hàn Quốc và Đài Loan vào những năm 1990.

Malaysia ôm tham vọng lấy lại vị thế đã mất trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Malaysia ôm tham vọng lấy lại vị thế đã mất trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Hiện tại, Malaysia đang tham vọng khôi phục lại vị thế của mình trong ngành công nghiệp bán dẫn. Quốc gia này hiện kiểm soát 13% thị trường toàn cầu về dịch vụ đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm và là nguồn xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 6 trên toàn cầu.

Malaysia đã xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao đầu tiên của quốc gia này ở giữa Penang và Kulim. Ngày càng có nhiều nhà máy mọc lên trong khi chính phủ Malaysia đang tích cực mở rộng đường xá và cơ sở hạ tầng để đón các khoản đầu tư từ các ông lớn trong ngành bán dẫn trên toàn cầu.

Công ty sản xuất bán dẫn Infineon Technologies AG của Đức dự kiến đầu tư 7 tỷ USD trong 5 năm để xây dựng nhà máy sản xuất tấm silic carbide (SiC) lớn nhất thế giới tại bang Kedal, Malaysia. Nhà máy này được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu hàng năm khoảng 7 tỷ euro vào cuối thập kỷ này.

Dòng vốn FDI vào Malaysia tăng mạnh trong những năm qua.

Dòng vốn FDI vào Malaysia tăng mạnh trong những năm qua.

Tập đoàn Intel của Mỹ cũng lên kế hoạch rót 7 tỷ USD vào Malaysia và biến quốc gia này thành cơ sở sản xuất chính của Intel tại châu Á. Intel hiện đang xây dựng nhà máy đóng gói chip 3D lớn nhất thế giới tại khu công nghiệp Bayan Lepas, phía đông nam đảo Penang.

Chỉ trong vài năm qua, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Malaysia đã tăng kỷ lục. Quốc gia Đông Nam Á này đã nhận 15,25 tỷ USD vốn FDI trong quý I/2023, cao gấp đôi so với tổng số vốn FDI nhận được trong cả năm 2019.

Ông Timothy Archer, Giám đốc điều hành của Lam, nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu của Mỹ, nhận định cùng với Đài Loan và Hàn Quốc, Malaysia là một trong “3 trung tâm sản xuất lớn ở châu Á”.

Mặc dù đang có nhiều tín hiệu tích cực nhưng ngành công nghiệp bán dẫn của Malaysia đang phải đối mặt với một số thách thức. Quốc gia này phụ thuộc nhiều vào các nhà sản xuất chip nước ngoài để duy trì ngành công nghiệp của mình.

Phần lớn thị phần đều rơi vào tay các nhà sản xuất chip nước ngoài như Intel, NXP, Infineon, Texas Instruments và Renesas, trong khi các nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chip của Malaysia như Inari Amertron, Unisem và Carsem chỉ góp một phần nhỏ.

Ông Derek Taylor, người đứng đầu bộ phận tư vấn rủi ro chiến lược ở châu Á tại Marsh, một nhà môi giới và cố vấn rủi ro, cũng chỉ ra một số khó khăn của ngành công nghiệp bán dẫn Malaysia là sự thiếu hụt nhân tài và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo còn hạn chế.

Không chỉ riêng Malaysia, nhiều quốc gia châu Á nói chung và các quốc gia Đông Nam Á nói riêng cũng đang chạy đua để trở thành “mắt xích” quan trọng trong thị trường chất bán dẫn trên toàn cầu - thị trường dự kiến sẽ có doanh thu đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Nói về tiềm năng sản xuất chất bán dẫn ở Đông Nam Á, các chuyên gia nhận định Singapore, Malaysia và Thái Lan hiện đang có nhiều ưu thế về nền tảng công nghệ và hạ tầng sản xuất trong khi Việt Nam có nhiều ưu thế về mặt nhân lực.

Theo ước tính của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á, quy mô thị trường bán dẫn tại Việt Nam có thể đạt 1,65 tỷ USD đến năm 2026 với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt hơn 6%.

Việt Nam cũng đang thu hút hàng tỷ USD đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam cũng đang thu hút hàng tỷ USD đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam cũng đang là điểm đến thu hút nhiều “đại bàng” trong ngành công nghiệp bán dẫn. Gần đây, tập đoàn Victory Giant Technology (Trung Quốc) chuyên sản xuất kinh doanh các linh kiện điện tử, chất bán dẫn đã quyết định lựa chọn Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh để xây dựng nhà máy với tổng đầu tư 400 triệu USD. Nhà máy dự kiến cho giá trị sản xuất đạt khoảng 1 tỷ USD/năm khi đi vào hoạt động.

Tính đến năm 2021, Intel cũng đã đầu tư gần 1,5 tỷ USD vào dự án phát triển nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam. Nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới còn đang có kế hoạch rót thêm hàng tỷ USD để mở rộng nhà máy tại nước ta.

Dự án xây dựng nhà máy chuyên đóng gói và kiểm tra (OSAT) trị giá 1,6 tỷ USD của Tập đoàn bán dẫn toàn cầu Amkor dự kiến được khánh thành tại Bắc Ninh vào tháng 10 tới và sẽ đưa vào sản xuất thử nghiệm ngay sau đó.

Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á nhận định mỗi một quốc gia như Sinagpore, Malaysia hay Việt Nam đều có thế mạnh riêng trong ngành công nghiệp bán dẫn. Thế nhưng, "muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì đi cùng nhau.

Giờ là lúc các quốc gia ASEAN kết nối các hệ sinh thái bán dẫn này với nhau để tạo thành một trung tâm sản xuất bán dẫn thu hút và cạnh tranh với các quốc gia hay khu vực khác trên thế giới”.

Khánh Tú

Theo Nikkei Asia

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/malaysia-tham-vong-lay-lai-vi-the-viet-nam-tang-toc-trong-cuoc-dua-1000-ty-usd-20180504224289523.htm