Mali, Niger và Burkina Faso ký hiệp ước bảo vệ lẫn nhau

Mali, Niger và Burkina Faso đã ký một hiệp ước an ninh vào thứ Bảy (16/9), hứa hẹn sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có bất kỳ cuộc nổi dậy hoặc xâm lược nào từ bên ngoài.

Ba nước này đang nỗ lực ngăn chặn quân nổi dậy Hồi giáo có liên hệ với al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS), đồng thời mối quan hệ của họ với các nước láng giềng và đối tác quốc tế cũng trở nên căng thẳng vì các cuộc đảo chính quân sự trong những năm qua.

 Lãnh đạo chính quyền quân sự Mali, Assimi Goita (phải). Ảnh: Reuters

Lãnh đạo chính quyền quân sự Mali, Assimi Goita (phải). Ảnh: Reuters

Cuộc đảo chính mới nhất ở Niger đã gây thêm chia rẽ trong Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS), vốn đã đe dọa sử dụng vũ lực để khôi phục chế độ cai trị theo hiến pháp ở nước này. Mali và Burkina Faso đã cam kết sẽ hỗ trợ Niger nếu nước này bị tấn công.

Theo điều lệ của hiệp ước, được gọi là Liên minh các quốc gia Sahel, “Bất kỳ cuộc tấn công nào vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một hoặc nhiều bên ký kết sẽ bị coi là hành động xâm lược nhằm vào các bên khác”.

Hiệp ước quy định các quốc gia khác sẽ phải hỗ trợ trong những trường hợp như vậy, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang.

“Hôm nay tôi đã ký với các Nguyên thủ quốc gia Burkina Faso và Niger bản hiến chương Liptako-Gourma thành lập Liên minh các quốc gia Sahel, với mục đích thiết lập một khuôn khổ phòng thủ tập thể và hỗ trợ lẫn nhau”, lãnh đạo quân đội Mali, Assimi Goita, tuyên bố.

Cả ba quốc gia đều là thành viên của lực lượng chung liên minh G5 Sahel do Pháp hỗ trợ cùng với Chad và Mauritani, được thành lập vào năm 2017 để giải quyết các nhóm Hồi giáo trong khu vực.

Kể từ đó, Mali đã rời tổ chức sau cuộc đảo chính quân sự, trong khi Tổng thống bị lật đổ của Niger, Mohamed Bazoum, cho biết vào tháng 5 năm ngoái rằng lực lượng này hiện đã "chết" sau sự ra đi của Mali.

Mối quan hệ giữa Pháp và ba nước đã trở nên xấu đi kể từ cuộc đảo chính. Pháp đã buộc phải rút quân khỏi Mali và Burkina Faso, đồng thời đang trong tình trạng căng thẳng với chính quyền ở Niger.

Hoàng Nam (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mali-niger-va-burkina-faso-ky-hiep-uoc-bao-ve-lan-nhau-post264962.html