Mâm cổ bồng ngày ấy

Minh họa: ĐẶNG THỊ THỌ

Minh họa: ĐẶNG THỊ THỌ

“Cám tháng Giêng - tiền tháng Chạp”, câu cửa miệng không phải chỉ của một đời, một thời, mà nó hầu như được đúc kết từ xưa đến nay với những hoàn cảnh khốn khó khi đón xuân sang. Những năm tháng khó khăn, xóm nghèo quê tôi không phải ai cũng có một cái tết đủ đầy; nhà tôi cũng không ngoại lệ. Ấy thế mà năm đó ngày áp ba mươi tết, tôi đang lúi húi dọn dẹp thì mẹ từ đâu quảy về đôi quang gánh với một đầu là chồng bánh tráng, vài cân thịt; và đầu kia là một chiếc mâm cổ bồng với chùm hoa quả.

Thịt heo và bánh tráng thì không có gì phải bàn, vì nó rất thiết yếu với mọi nhà trong ba ngày tết; thế nhưng chiếc mâm cổ bồng được làm bằng gỗ tốt nặng đằm thì hơi… xa xỉ, vì tôi thấy các nhà quanh xóm không mấy ai dùng “sang” như thế, mà thường thì dùng các mâm bồng từ đất nung tráng men.

Ngay như nhà tôi cũng dùng một chiếc như vậy, nhưng từ lâu nó đã bị mẻ một góc lớn do có lần tôi lễ mễ bê đi rửa bị ngã. Bẵng đi vài năm, chiếc mâm bồng như vầng trăng khuyết ấy, nay mới được thay thế bằng chiếc mâm bồng tròn vành vạnh như trăng rằm được làm từ gỗ hương này! Hỏi ra, mới biết mẹ đã đặt mua chiếc mâm bồng này hơn nửa tạ thóc! Nửa tạ thóc ra đi trong mùa giáp hạt vào thời buổi ấy không phải là chuyện nhẹ nhàng gì, thế nhưng mẹ tặc lưỡi cho qua làm tôi không khỏi thắc mắc rằng việc đó có thật sự cần thiết không?

“Sao lại không cần thiết hở con?”. Mẹ liền… giảng một bài khi nghe tôi thắc mắc. Người ta nói phú quý sinh lễ nghĩa, nhưng biết hẹn khi nào được phú quý mới có lễ nghĩa đây, mà chuyện thờ kính ông bà tổ tiên đâu hẹn lần hẹn lữa được! Cây có cội, nước có nguồn mà, không lo cúng kính cho đàng hoàng trong ngày lễ ngày tết thì có khác nào chim không có tổ, người chẳng có tông…

Tôi nghe buồn man mác, và cũng không khỏi rưng rưng xúc động nhớ về cha tôi, về ông bà đã khuất. Quả thật ở đời, có những việc còn hẹn khi này khi khác, nhưng có việc dù đang khó khăn vẫn phải ưu tiên, mà nếu không lo liệu chu toàn trong điều kiện còn nhiều hạn hẹp, thì về sau dẫu có điều kiện đủ đầy để làm thì đã không còn mấy ý nghĩa. Ý nghĩa ở đây là tấm lòng thơm thảo của kẻ hậu sinh đối với ông bà, tiên tổ, giống nòi.

Trên bàn thờ gia tiên, theo quy ước từ ông bà xưa để lại “Đông bình, Tây quả”, từ ngoài nhìn vào, bên phải là bình bông vạn thọ sum sê, bên trái là mâm cổ bồng với cây nhà lá vườn như chuối, đu đủ… tạo nên cảm giác ấm áp trong gian nhà. Lại nhớ ngày tất niên, ba mươi tết, có thể hăm chín, sau khi cúng quải xong, làm gì thì làm, nhìn trong nhà nếu thấy chỉ thuần hình khối của bàn ghế… là vẫn còn thiếu vắng bóng dáng một cái tết trọn vẹn. Cái thiếu vắng đó là gì? Hoa. Hoa vạn thọ. “Những người bạn” này đang nở đầy ngoài ngõ, râm ran trong nắng. Nhưng mùa xuân đâu chỉ dừng nơi ngõ. Xuân phải vào nhà. Thế là lựa chọn, “mời” cho được các bạn-vạn-thọ vào phòng khách (thường là hàng ba theo kiến trúc cũ).

Căn nhà chợt sáng hẳn lên, râm ran những bông, những lá, kèm với hương thơm ngào ngạt chỉ có thể gọi là… hương tết. Và bây giờ, căn nhà đang tràn ngập mùa xuân, tràn ngập tết. Cảm ơn vạn thọ vô cùng. Không quý phái kiêu sa, không đài các, nhà nào cũng không “chê”, và có hoa là có sinh khí mùa xuân ngan ngát đang về, thấm vào từng tế bào, từng hơi thở của mọi người. Hoa rước mùa xuân vào nhà hay mùa xuân cho hoa rạng rỡ? Không tách bạch được. Chỉ biết rằng, xuân là hoa và hoa cũng là xuân.

Và trong không khí ấm cúng bâng khuâng ấy, trong lòng mình không khỏi thoáng niềm man mác về những đấng sinh thành, về những bóng hình xưa không còn nữa. Không còn nữa mà sao lúc này lại ngập tràn xúc động khi có cảm giác rằng tất cả đang cùng tề tựu trong ngôi nhà này để sum họp cùng ta, an ủi vỗ về những điều chưa như ý; và vui vẻ hài lòng những việc ta đã đặt trọn tâm thành vào đó để phụng sự tổ tiên.

Với ông bà tổ tiên đang ở một thế giới nào xa xăm lắm chẳng ai biết đó là đâu, tuy nhiên không mấy ai nghĩ rằng những người thân đã khuất là không còn nữa. Cũng có thể nói “xa tận chân trời, gần ngay trước mặt”, khi hình bóng của người thân đã khuất được hòa vào những vật dụng vô tri ta chăm chút mỗi dịp xuân về để dành cho họ, hướng về họ, và giờ này bỗng trở nên sống động như những vật này cũng có một cuộc đời, một số phận đời thường. Mâm cổ bồng mẹ sắm về thuở ấy để thờ phụng cha và gia tiên, nay lại thêm khắc sâu hình bóng mẹ từ những mùa xuân tiếp nối…

Sự hiện diện của ông bà tổ tiên trong gia đình thông qua các hình thức tưởng nhớ để “sum vầy” cùng con cháu trong dịp tết cổ truyền, là một phần quan trọng không thể thiếu của mùa xuân đang về, nó mang ý nghĩa “như không hề có cuộc chia ly” giữa những người thân, giữa các thế hệ.

HUỲNH VĂN QUỐC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313154/mam-co-bong-ngay-ay.html