Màn cướp cầu quyết liệt trên sân bùn lầy của 16 thanh niên trai tráng

Tuy là những màn tranh cướp cầu quyết liệt nhưng vẫn đúng nghĩa là trò chơi mang tính cầu mùa, cầu hòa thuận, không xô xát đánh chửi nhau. Hình ảnh tại Lễ hội cầu nước làng Vân (Việt Yên, Bắc Giang) diễn ra chiều 19/5.

Hàng nghìn người dân và du khách đổ về trên sân chính đền thờ Thánh Tam Giang (Việt Yên, Bắc Giang) để đón xem màn tranh tài vật cầu tại Lễ hội cầu nước làng Vân.

16 thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật gọi là quân cầu, được chia làm hai giáp (mỗi giáp 8 người), gọi là giáp trên và giáp dưới tiến hành làm lễ tại sân đền thờ Thánh Tam Giang trước khi vào cuộc.

Quả cầu bằng gỗ lim nặng 20kg được đưa ra sân cầu. Tương truyền rằng, quả cầu tròn tượng trưng cho dương (mặt trời), còn lỗ cầu tượng trưng cho âm. Âm dương hòa hợp thì mọi người làm ăn phát đạt, vạn sự bình yên.

Trên sân vật có diện tích khoảng 200m2 đầy bùn nhão, các đô vật làm nghi thức se đài, thực hiện một số keo vật truyền thống mở màn cho trận cầu.

Trên sân, ở hai đầu có hố để đẩy cầu xuống, mỗi lần đẩy được cầu xuống hố là kết thúc một hiệp.

Để có thể ghi điểm cả hai bên đều gặp phải sự truy cản của đối thủ.

Chỉ ít phút bước vào trận đấu, các quân cờ đã lấm bùn.

Tranh cướp quyết liệt nhưng vẫn đúng nghĩa là trò chơi mang tính cầu mùa, cầu hòa thuận. Ban tổ chức đã quán triệt các quân cầu không được xích mích, va chạm thái quá.

Trận đấu kịch tính, quân cầu bị cả 2 đội nhấc bổng khỏi mặt đất.

Sân bùn di chuyển khó khăn, những thanh niên trẻ vượt qua hàng loạt sự truy cản để ghi điểm.

Chiến thắng vỡ òa của các quân cầu khi cho được quả cầu vào lỗ.

Trong quá trình chơi, không ít lần các quân cầu phải nhờ tới sự hỗ trợ của ban tổ chức khi bị bùn phủ kín mặt, vào mắt.

Những màn biểu diễn không biết mệt mỏi, thu hút hàng nghìn người tới xem liên tục cả buổi chiều. Tiếng hô vang rộn rã, trên mình những người đến xem ai cũng lấm lem bùn đất.

Theo người trong làng, mặt dù bùn đất khắp người, đây vẫn là nghi lễ thiêng. Những ai càng bị bùn bắn vào nhiều càng có được may mắn.

Kết thúc mỗi một trận đấu, những người phụ nữ mặc áo nông dân Kinh Bắc mang nước từ sông Cầu đựng trong 2 chĩnh gốm Thổ Hà đổ vào sân phục vụ. Theo ban tổ chức, ngày 12 đánh hai cầu (tỷ số hòa), ngày 13 đánh ba cầu (tỷ số 2-1) và ngày 14 đánh bốn cầu (tỷ số hòa) hàm ý mang tính chất hòa hợp.

Chí Hiếu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/man-tranh-tai-vat-cau-tren-san-bun-lay-loi-o-bac-giang-2282357.html